"Độ nhà" là gì mà có thể gây lục đục, bất hoà cho các thành viên trong gia đình?
Chào KTS Hoàng Quỳnh,
Gần đây anh được biết đến với nickname "KTS chuyên độ nhà". Nói một cách dễ hiểu thì "độ" nhà là làm gì?
Đầu tiên phải cảm ơn anh Hoàn (Mr. Xuân Hoàn) vì khi gặp và làm việc với nhau, anh ấy chia sẻ rất vô tư "Anh là chuyên gia ‘độ xe’ thì có khi chú là chuyên gia ‘độ nhà’". Mình thấy thú vị và vô tình nó gắn với mình trong thời gian vừa qua.
Cách nói "độ" nhà phần nào thể hiện công việc của mình, là một dạng trong tư vấn thiết kế kiến trúc. Đó là quá trình nâng cấp không gian sống, mang lại giá trị thẩm mỹ, công năng và thể hiện tính cá nhân trong của gia chủ trong mỗi không gian ở.
KTS Hoàng Quỳnh
Xe "độ" luôn là chủ đề gây tranh cãi vậy nhà "độ" thì sao?
Công trình nào cũng sẽ có người khen, người chê. Khen nhiều hay chê nhiều đôi khi phụ thuộc vào năng lực của đội ngũ thiết kế và thi công, đôi khi do cảm nhận thẩm mỹ của mỗi người.
Chưa kể đến người ngoài, ngay cả giữa các thành viên trong gia đình chủ nhà cũng có thể có tranh luận nảy lửa. Những gia đình nhiều thế hệ thì ông bà thường chưa quen với sự hiện đại, trong khi đó các anh chị chủ nhà (bố mẹ) muốn giải pháp mới mẻ, tạo không gian cho thế hệ tương lai (con cháu) có sự sáng tạo, mang tính thư giãn chứ không chỉ để ở.
Ví dụ như công trình của gia đình chị Tâm ở Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) - một bối cảnh trong phim Sinh Tử. Lúc bên mình triển khai đến giai đoạn vào trần và sơn thì bố của chị bảo: "Bác không thấy thích tí nào, nó cứ làm sao ấy". Nhưng khi sơn xong, lắp đặt đầy đủ thì bác lại gật gù. Trong tình huống đó bọn mình dùng chuyên môn và kiên trì giải thích, đưa ra cơ sở rõ ràng vì mọi người có quan tâm đến không gian sống thì mới có sự đấu tranh như thế trong gia đình.
Công trình của gia đình chị Tâm ở Vĩnh Yên là một bối cảnh trong phim Sinh Tử
Ngoài Mr. Xuân Hoàn, anh Quỳnh còn từng xuất hiện với YouTuber Hoàng Đức - Nhà TO, YouTuber Khoa Pug,... "Buôn có bạn bán có phường" - phải chăng những mối quan hệ này là cách các anh cùng nhau đi lên?
Mọi công việc đều cần những mối quan hệ tối thiểu nhưng nếu nói mình giao lưu với Hoàng Đức, anh Xuân Hoàn để đưa nhau đi lên thì chưa trọn vẹn. Khi bắt đầu một mối quan hệ, chúng ta làm việc, hợp tác với nhau. Sau đó bằng tâm huyết, nhiệt tình và chân thành thì khách hàng hay đối tác đến gần với mình hơn, đối xử với nhau như những người anh em trong nhà, dành cho nhau sự quý mến và tin tưởng tuyệt đối.
Với Khoa Pug, hình ảnh mình cùng với Khoa và anh Hoàn đi ăn là lần đầu tiên anh em gặp nhau. Mình thấy Khoa là người trẻ trung, phóng khoáng và hoạt ngôn. Khoa cũng nổi tiếng và được nhiều người hâm mộ. Hôm đó khi biết Khoa đến ăn, mọi người xếp hàng chụp ảnh và bạn ấy thoải mái, gần gũi.
Nói vậy thì kỹ năng xã giao và mở rộng mối quan hệ cũng quan trọng với KTS, bên cạnh các yếu tố chuyên môn?
Rất quan trọng, nhất là khả năng giao tiếp với khách hàng, nắm bắt thông tin.
Khách hàng của mình thường là các anh chị chủ doanh nghiệp. Họ không có nhiều thời gian để nghe mình chứng minh năng lực, tâm huyết từng chút một. Có thể chỉ trong vòng 1 tiếng, mình phải nắm bắt được mong muốn của khách và thể hiện được điều đó thông qua tư vấn hoặc mô tả ngắn gọn. Mỗi khách hàng cũng có những tính cách khác nhau, có lúc mình phải lắng nghe, có lúc mình phải chủ động khai thác thông tin đồng thời tư vấn cho họ.
Công trình triệu đô chốt sau 2 buổi gặp gỡ, có khi giao nhà mới trực tiếp gặp chủ nhân
Trong quá trình làm nghề, có khách hàng nào giao hết trọn gói để anh xử lý, đến khi xong xuôi mới đến nhận nhà không?
Thực ra chuyện này dễ gặp bởi người giàu luôn thông minh trong cách tiêu tiền. Họ chọn lựa khi đã có sự tìm hiểu, đánh giá cụ thể và mọi quyết định đều có cơ sở. Khoảng nửa năm trước, mình có một khách hàng sống ở Mỹ và muốn làm biệt thự nghỉ dưỡng ở Việt Nam. Toàn bộ quá trình làm việc đều trao đổi qua điện thoại và email, ngày bàn giao nhà cũng là lần đầu tiên 2 bên gặp nhau.
Sự tin tưởng này giống như việc MC Trấn Thành giao chiếc xe mới tinh cho Mr. Xuân Hoàn "độ" lại. Chắc chắn anh Thành phải thấy anh Hoàn đã làm được gì, có sản phẩm thế nào mới sẵn sàng đưa xe, đưa tiền. Khách hàng của mình cũng vậy, họ quan sát công trình, trải nghiệm sản phẩm rồi đi đến quyết định. Có người ban đầu là thích 1 điểm nào đó của R cộng nên tìm hiểu rồi chốt luôn hợp đồng trọn gói chỉ sau 1 - 2 buổi làm việc và giá trị công trình lên đến 1 - 2 triệu đô.
Cách nhìn một căn nhà đẹp, một không gian sống cao cấp của những khách hàng giàu có có những khác biệt nào mà khi mới vào nghề anh "không thể ngờ" đến?
Khoảng 20 năm trước, khi bắt đầu được theo thầy để làm nghề, mình chủ yếu có trải nghiệm với các công trình tầm trung. Lúc đó mình tập trung rất nhiều vào công năng vì đó thường là tiêu chí đầu tiên của nhóm khách hàng này.
Khi có những khách hàng cao cấp đầu tiên, mình cũng đi tuần tự từ công năng, mô tả rất chi tiết trong quá trình tư vấn. Nhưng nghe xong, khách không nói gì về công trình mà lại rủ đến khu nghỉ dưỡng của họ để làm việc tiếp. Họ muốn người thiết kế phải thực sự có không gian làm việc sáng tạo, thoải mái, bỏ qua cách làm truyền thống.
Khách hàng ở phân khúc cao cấp mặc định công năng là điều hiển nhiên, KTS bắt buộc phải làm được nên không bàn quá nhiều. Điều họ quan tâm nhiều hơn là KTS dành tâm huyết, kinh nghiệm, chuyên môn để xử lý các vấn đề trong công trình thế nào. Họ cũng đặt nhiều cảm xúc, ưu tiên trải nghiệm cho bản thân và các thành viên trong gia đình hơn.
Tức là muốn làm việc với những khách hàng giàu có, bản thân anh cũng phải hiểu cách sống của một người có tiền?
Chắc chắn phải có kinh nghiệm mới có ý tưởng để tư vấn cho khách hàng, để sáng tạo ra sản phẩm đáp ứng hoặc đột phá hơn so với mong muốn của họ. Bởi dù sản phẩm hay công việc nào, điều cốt lõi vẫn ở hiểu biết cơ bản.
Theo quan sát của mình, cách sống của người giàu thường chia thành 2 kiểu: một là họ để sự giàu có ở bên trong, hai là bộc lộ ra bên ngoài. Khách hàng của mình có nhiều người rất rất giàu nhưng vô cùng giản dị và cũng có người ở giới thượng lưu lại hào nhoáng, đeo đồng hồ 5 - 7 tỷ hay 20 tỷ, đi siêu xe,... Điều này không có đúng - sai mà là quan điểm sống của mỗi người, mình cần chọn phong cách phù hợp khi làm việc với tất cả khách hàng.
Thu nhập đầu tiên từ nghề KTS là 300k/tháng, nếu khách không hài lòng thì phải chấp nhận chịu thiệt
Không ai trả công cho người nhàn hạ, nghề KTS có vẻ rất hào nhoáng nhưng để có vị trí trong nghề, anh đã đánh đổi hay vắt sức vắt óc thế nào mà ít người biết đến?
Mỗi thành công đều phải có sự trả giá. Ở thời điểm mới lập nghiệp, mình chưa được đào tạo sâu về kỹ năng quản lý doanh nghiệp mà chỉ là người làm chuyên môn đơn thuần nên khi lượng công trình tăng mạnh cũng là lúc có vấn đề. Mình quyết định tạm dừng hoạt động công ty trong 1 năm, hoàn thiện các dự án cũ và không nhận dự án mới để dành thời gian định hướng lại.
Sau khi suy nghĩ kỹ càng, mình đã bán căn nhà duy nhất của 2 vợ chồng, để vợ con ra ngoài thuê nhà. Lúc đó là dồn toàn lực để xây dựng lại hệ thống chuẩn chỉnh hơn, với mục đích cuối cùng là phục vụ khách hàng một cách tốt nhất. Nhìn chung, nghề KTS không thể nhàn được.
Và một vấn đề nữa mà KTS phải đối mặt là ý kiến trái chiều về công trình của mình?
Mỗi phong cách kiến trúc sẽ có đặc trưng riêng, thậm chí đối lập nhau. Chẳng hạn như tân cổ điển với hiện đại khác nhau rất nhiều, hoặc thời gian gần đây có những công trình lâu đài dát vàng gặp không ít ý kiến trái chiều. Lúc này KTS cần dùng chuyên môn để phân tích cho những tranh luận đó đi đúng hướng về chuyên môn. Khi mình đúng về chuyên môn, về cách triển khai thì mọi người sẽ nhận ra thích hay không thích là do quan điểm cá nhân, không phải là vấn đề đáng để tranh luận một cách tiêu cực.
Vậy với anh, việc làm nhà cho ai đó nổi tiếng trên MXH là cơ hội hay thử thách? Vì nếu làm oke thì tên tuổi lên rất nhanh nhưng chẳng may xì xèo thì cũng dễ vướng thị phi!
Đó là cơ hội. Vì nhóm khách hàng này chủ yếu là người sáng tạo và sống khá cảm xúc - điều thường thấy ở tệp khách hàng bên mình. Hơn nữa chính sự sáng tạo của họ sẽ tác động ngược lại, giúp mình có cơ hội tạo nên sản phẩm đột phá hơn so với bình thường.
Còn về những xung đột có thể gây thị phi, ngay từ đầu mình đã đặt ra nhiệm vụ cụ thể và thống nhất với khách hàng để hạn chế tối đa tình huống này. Trong trường hợp không thể tránh được xung đột, mình phải chấp nhận chịu thiệt và đưa ra phương án xử lý tốt nhất cho khách hàng vì mình là bên cung cấp dịch vụ.
Showroom trải nghiệm sản phẩm
Gần đây, một bộ phim về nghề KTS có chi tiết "KTS không cần tạm ứng mà còn lên mấy phương án thiết kế" và gây phản ứng khá mạnh mẽ trong giới kiến trúc. Nhiều người cho rằng làm vậy là lan truyền thông tin sai lệch, hạ thấp nghề KTS. Từ góc nhìn của 1 người trong ngành, anh nghĩ sao?
Đầu tiên, phải thừa nhận phim mang lại giá trị tích cực, khích lệ các lứa KTS trẻ có thêm động lực, dành tâm huyết và sự kiên trì cho công việc. Hồi mới vào nghề, mình mong được học hỏi, trau dồi chuyên môn thì thấy lương không quan trọng. Ngay cả khi bạn bè đi làm được 4 triệu/tháng - con số rất cao ở thời điểm 20 năm trước - mình chỉ có 300 nghìn nhưng vẫn hãnh diện vì được làm nghề. Khi gửi phương án, mình cũng cố gắng làm thêm 2 - 3 phương án khác để khách hàng có thêm sự lựa chọn.
Còn việc cần tạm ứng hay không là do cách làm việc mỗi người. Làm tốt thì khách hàng sẽ ghi nhận, còn làm tốt mà vẫn bị phụ thì chúng ta sẽ điều chỉnh dần. Người làm dịch vụ không nên nghĩ đến chuyện khách hàng đối xử thế này thì mình mới thế kia mà nên làm đúng trách nhiệm, làm tốt công việc trước.
Cuối cùng, nhân ngày Kiến trúc Việt Nam 27/4, để chia sẻ một vài điều đến các bạn trẻ đang nuôi giấc mơ trở thành KTS, anh sẽ nói gì với họ?
Nhân dịp này, mình xin gửi lời chúc tốt đẹp nhất tới các KTS, mong anh chị em sẽ ngày càng thành công, nhiệt huyết và cống hiến vì những không gian sống hoàn hảo, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống cho mọi người. Với thế hệ KTS trẻ đầy triển vọng, có nhiều sáng tạo và tư duy đột phá, mong các bạn hãy thật kiên trì với đam mê của mình. Hành trình khẳng định tài năng sẽ đầy chông gai, thử thách nhưng phải luôn trau dồi bản thân để sẵn sàng đón nhận lấy cơ hội bất cứ lúc nào.
Công trình Trăng Thanh Villa
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!