Cơn bão lạm phát đang khiến nền kinh tế thế giới lao đao, các doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng đều bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Giá cả tiêu dùng tăng cao khiến nhiều người phải thực hiện chính sách thắt lưng buộc bụng để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn này, cũng vì thế mà chi phí cho thú cưng đang trở thành một gánh nặng không nhỏ.
Trước tình hình trên, nhiều tổ chức cứu hộ động vật đã cố gắng tìm ra các biện pháp để hỗ trợ nguồn thức ăn cho vật nuôi. Tổ chức từ thiện động vật Woodgreen, có trụ sở tại hạt Cambridgeshire, Vương quốc Anh đã tiến hành nhận nuôi những con vật bị thương khi chủ nhân của chúng không đủ khả năng chi trả cho bác sĩ hoặc bảo hiểm.
Ông Chris Bennett, thành viên tổ chức Woodgreen cho biết một số người không đủ khả năng chi trả những thực phẩm cơ bản cho thú cưng của mình trong thời gian qua. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do mức lạm phát tăng cao, giá nhiên liệu, năng lượng cũng như thực phẩm đã gây áp lực không nhỏ lên ngân sách của các hộ gia đình.
"Mọi người đã liên hệ cho tôi với câu hỏi: Tôi rất yêu thú cưng của mình nhưng lại không có đủ khả năng để nuôi chúng, liệu tổ chức có thể giúp gì được không?", ông Bennett chia sẻ.
Các tổ chức từ thiện động vật khác như RSPCA cũng chia sẻ về việc số lượng động vật được chủ nhân gửi đến các trạm từ thiện đã tăng cao. Theo y tá Vicky Gurney, những con thú cưng được gửi đến trạm cứu hộ thường trong tình trạng bị thương, chẳng hạn như có các trường hợp gãy chân hoặc gãy xương chậu, và chi phí cho mỗi lần điều trị như vậy có thể lên đến "vài nghìn bảng Anh".
Các tổ chức từ thiện đã đề nghị chủ nhân thú cưng mua bảo hiểm cho vật nuôi của mình, tuy nhiên khi thời gian đóng phí bảo hiểm kéo dài quá lâu, mọi người thường huỷ hợp đồng.
Bên cạnh những trường hợp từ bỏ thú cưng vì không đủ chi phí nuôi dưỡng, có những người lựa chọn nuôi thú cưng và cố gắng thích nghi với lạm phát bằng việc thay đổi thói quen tiêu dùng.
Theo nghiên cứu được khảo sát bởi NielsenIQ BASES, hai phần ba số người nuôi thú cưng cho biết dù giá thức ăn vật nuôi tăng cao, họ vẫn không có nhu cầu mua những sản phẩm với giá thành rẻ hơn. Họ vẫn sẽ tiếp tục mua những thứ như đồ ăn vặt, đồ chơi, vitamin và thực phẩm chức năng, những thứ vốn không nằm trong danh mục hàng thiết yếu cho động vật.
Tuy nhiên, giá thức ăn vật nuôi tăng cao đã làm thay đổi một khía cạnh nhỏ trong thói quen mua sắm của nhiều người: thay vì mua các gói thức ăn với kích thước lớn như trước, họ đổi sang mua những gói nhỏ hơn đến từ cùng một thương hiệu. Biện pháp này tuy sẽ giúp tiết kiệm tiền trong thời gian ngắn hạn nhưng trên thực tế lại tốn kém hơn.
Các chuyên gia dự đoán: "Với tình hình lạm phát gia tăng, xu hướng mua hàng này vẫn sẽ tiếp tục. Điều đáng chú ý là chủ vật nuôi dường như không có kế hoạch thay đổi quá nhiều danh mục hàng mua sắm cho thú cưng bất chấp tỷ lệ lạm phát đáng báo động".
Không chỉ vật nuôi trong nhà mà thú hoang cũng phải chịu ảnh hưởng của việc giá thực phẩm tăng. Một cư dân họ Park tại Seoul đã tham khảo ý kiến của hội các "mẹ mèo" địa phương (nhóm những người nuôi mèo hoang hoặc mèo bị bỏ rơi) để tăng phí thành viên hàng tháng lên 10.000 won (khoảng 168.000 VNĐ), và đây đã là lần tăng thứ 2 trong tháng.
"Một hộp thức ăn cho mèo có giá 4.000 won nay đã tăng lên 6.400 won (67.000 đồng lên 107.000 đồng). Chúng tôi không phàn nàn gì vì đây là việc mà chúng tôi thích làm, nhưng thực tế là giá thực phẩm cho mèo đang trở nên đắt hơn rất nhiều", bà Park chia sẻ.
Các cơ sở bảo vệ động vật tư nhân cũng đang gặp phải nhiều khó khăn do các khoản quyên góp từ những nhà sản xuất thức ăn động vật giảm mạnh. Một thành viên của trung tâm bảo vệ mèo hoang địa phương chia sẻ rằng chi phí thực phẩm nhập khẩu đang tăng cao do tăng giá nguyên liệu và tỉ giá hối đoái bất lợi, nhưng đây là sản phẩm bắt buộc phải dùng để đảm bảo sức khoẻ cho một số động vật suy dinh dưỡng.
Một viên chức tại trung tâm bảo vệ mèo hoang địa phương ở Seoul cho biết: "Chúng tôi ngày càng nhận được ít thức ăn quyên góp hơn, và chi phí thức ăn đang tăng lên. Chúng tôi lo lắng rằng điều này sẽ vẫn tiếp tục trong một thời gian nữa".
Theo các nhà hoạt động vì quyền động vật, việc hỗ trợ các cơ sở bảo vệ động vật tư nhân với quy mô nhỏ hoặc nhận hỗ trợ từ các cơ quan công quyền địa phương sẽ giúp động vật phát triển tốt hơn.
Nguồn: BBC, Korea Bizwire