Giới trẻ nói gì về trào lưu Flex đang "gây sốt" mạng xã hội?

Flex đem lại động lực phấn đấu hay mượn cớ flex để khoe khoang đủ thứ, flex để thỏa mãn nhu cầu được công nhận của bản thân... là những ý kiến của bạn trẻ xoay quanh trào lưu đang "chiếm sóng" mạng xã hội những ngày gần đây.

Theo thống kê của YouNet Media, flex đang giữ vị trí số 1 trong top những chủ đề nổi bật nhất trên mạng xã hội những ngày qua với hơn 400 nghìn lượt thảo luận của bạn trẻ; group "Flex đến hơi thở cuối cùng" có số lượng thành viên tăng "chóng mặt" và hiện có 1,3 triệu người.

Nội dung, chủ đề flex trong giới trẻ hết sức đa dạng, từ khoe ảnh bộ sưu tập huy chương trải kín giường, khoe điểm IELTS , khoe du học ở Harvard hay Ivy League, khoe nhận huy chương lao động, khoe "chiến công" của những người thân trong gia đình... Ngoài thành tích cá nhân, chủ đề khoe "tài lẻ" cũng khá sôi nổi.

Theo từ điển Oxford, "flex" được hiểu là uốn cong (cái gì đó). Nhưng theo từ lóng trong tiếng Anh, "flex" mang nghĩa khoe khoang quá mức, gây khó chịu. Được biết, cụm từ "flex" đã được sử dụng từ lâu, chủ yếu để châm biếm, mỉa mai những người hay khoe khoang quá độ khiến người khác khó chịu. Tuy nhiên, gần đây, giới trẻ đã biến tấu theo phong cách mới mẻ, khoe khoang theo kiểu tích cực, hài hước.
Giới trẻ nói gì về trào lưu Flex đang gây sốt mạng xã hội? - Ảnh 2.

Số liệu khảo sát của YouNet Media về chủ đề nổi bật nhất trên MXH.

"Flex cho tôi động lực phấn đấu"

Lan Chi (SN1994, sống ở TP HCM) đã flex về hành trình đi du lịch trên 30 nước của bản thân. Cô bạn nhận thấy, trào lưu flex đã đem lại một sân chơi lành mạnh, không phán xét, được thoải mái chia sẻ những điều cá nhân, gia đình mình đã làm được. "Cùng với đó, sự trân trọng và cổ vũ từ bạn bè, cộng đồng mạng, những người chưa quen khiến tôi thấy vui, có động lực phấn đấu hơn", Chi nói.

"Tôi đã nhận lại một số phản ứng tiêu cực khi flex từ cộng đồng mạng. Phải chăng, một số người không chấp nhận được hoàn cảnh của mình nên tìm điều không tốt từ người khác để bình luận, phán xét, tìm ra khiếm khuyết để làm sụt giảm, bất bình chuyện flex?", Lan Chi cho biết.

Theo Lan Chi, flex là một trào lưu tích cực, thúc đẩy sự cạnh tranh cho mọi người. Tuy nhiên, nếu bạn trẻ chỉ nhìn vào thành tích được flex mà không chứng kiến quá trình đạt được kết quả của họ, sẽ rất dễ gặp áp lực về sự hoàn hảo và tự miệt thị năng lực bản thân.

Giới trẻ nói gì về trào lưu Flex đang gây sốt mạng xã hội? - Ảnh 4.

Lan Chi (SN1994, sống ở TP HCM) đã flex về hành trình đi du lịch trên 30 nước của bản thân. Ảnh: NVCC

Cô gái flex tích cực về 5 học bổng du học thạc sĩ châu Âu khi chưa có bằng đại học; chàng trai flex về hành trình đi du lịch, trải nghiệm và khám phá thế giới. Ảnh: MXH

Với Nguyễn Hữu Độ (SN 1996, sống ở Hà Nội), flex giúp anh biết được có bao nhiêu người đang thành công như thế nào xung quanh mình. "Tôi được gián tiếp khích lệ rằng, bản thân phải cố gắng hơn nữa để đạt được những mục tiêu của riêng mình", Độ bày tỏ.

Theo anh bạn, flex còn giúp mỗi cá nhân cảm thấy tự hào về những gì họ đã đạt được, tăng cường sự tự tin và lòng tự trọng.

Tuy nhiên, flex có thể gây ra môi trường so sánh không lành mạnh, sự ganh đua, ghen tỵ.

"Nó cũng có thể gây ra những hiểu lầm về giá trị thực sự của cuộc sống, khi mọi người quá chú trọng vào việc sở hữu tài sản và thành công bên ngoài mà quên mất giá trị thực sự bên trong, như lòng nhân ái, trí tuệ, sức khỏe, và mối quan hệ với người khác. Quan trọng nhất là chúng ta cần nhận ra rằng thành công và giá trị của một người không chỉ dựa trên những gì họ có thể "flex", mà còn ở nhiều yếu tố khác nữa", Hữu Độ nêu quan điểm.

Muôn kiểu flex huy chương... Ảnh: MXH

Flex - mượn cớ khoe khoang?

Theo dõi mạng xã hội những ngày qua, Nguyệt Anh (SN 1994, ở Hà Nội) đôi lúc thấy mệt vì chứng kiến một số trường hợp "mượn cớ flex để khoe khoang đủ thứ". Theo Nguyệt Anh, hành động này phản ánh thực tế trong xã hội hiện đại, đặc biệt là trong thế giới số và mạng xã hội.

Trong xã hội hiện đại, mọi người thường sử dụng các nền tảng mạng xã hội để chia sẻ cuộc sống cá nhân của mình. Flexing hay khoe khoang trên các nền tảng này thể hiện từ việc khoe tài sản, nơi ở, kỳ nghỉ, thành tựu công việc, đến việc khoe mối quan hệ hay sự nổi tiếng. Điều này tạo ra sự khác biệt giữa cuộc sống thực tế và cuộc sống trực tuyến, góp phần vào việc tạo ra áp lực xã hội và so sánh không lành mạnh.

Ở khía cạnh tâm lý, mượn cớ flex để khoe khoang có thể xuất phát từ nhu cầu được công nhận và ngưỡng mộ. Điều này có thể liên quan đến tự trọng, lòng tự tôn, và mong muốn tạo ấn tượng tốt trước mắt người khác. "Tuy nhiên, nếu không kiểm soát được, có thể dẫn đến việc trở nên quá phụ thuộc vào sự phê duyệt của người khác", Nguyệt Anh phân tích.

Theo Nguyệt Anh, trong khi "flexing" có thể là một phần tự nhiên của việc chia sẻ cuộc sống trên mạng xã hội, vì thế, phải nhận biết và kiểm soát hành vi này để tránh tạo ra áp lực không cần thiết cho bản thân và người khác. Đồng thời, mọi người cần nhận ra rằng, những gì được thấy trên mạng xã hội không phản ánh hoàn toàn sự thật, và không nên để nó ảnh hưởng đến cách họ đánh giá giá trị của bản thân.

Cách thức hiện đại trưng diện sự thành công?

Trao đổi với PV Tiền Phong về chủ đề này, Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An (từng làm giảng viên tâm lý trường Đại học Sư phạm TPHCM) cho rằng, flex là diễn đàn để các bạn trẻ có thể thoả mãn được nhu cầu công nhận, tán dương thành tích mà đôi khi cuộc sống thực bên ngoài không thể làm được điều này.

Song, đây cũng là nơi để người trẻ lan tỏa "điểm sáng", thành tựu cá nhân , từ đó giao lưu và học hỏi lẫn nhau. Nhưng nếu mất kiểm soát, flex sẽ làm cho các bạn tự cao hơn, dễ “ngủ quên trong chiến thắng”. Phần khác, các bạn trẻ có thể tự ám thị về những thành tựu từ người khác để rồi áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân.

Lý giải về nguyên nhân khiến trào lưu flex dễ dàng thu hút, hấp dẫn người trẻ, ThS. Hoàng An đã chỉ ra nguyên nhân chính. Đó là xuất phát từ nhu cầu bên trong người trẻ muốn khẳng định, thể hiện bản thân và khi gặp điều kiện, môi trường thuận lợi sẽ thể hiện ra bên ngoài một cách mạnh mẽ.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An nói thêm, nếu mất kiểm soát, flex sẽ làm cho các bạn tự cao hơn, dễ “ngủ quên trong chiến thắng”. Phần khác, các bạn trẻ có thể tự ám thị về những thành tựu từ người khác để rồi áp lực hoặc tủi hổ, tự ti về bản thân.

Cũng có thể, nhiều bạn khá tự tin về “bản thiết kế vĩ đại” của bản thân, muốn “flex” để thu hút sự chú ý hoặc tìm kiếm sự thừa nhận "tinh hoa hội tụ" từ những người xung quanh. Theo Th.S Hoàng An, flex là một cách thức hiện đại để người trẻ trưng diện sự thành công của mình.

Giới trẻ nói gì về trào lưu Flex đang gây sốt mạng xã hội? - Ảnh 9.

Thạc sĩ tâm lý Đặng Hoàng An. Ảnh: NVCC

"Chưa kể các flex có tần suất xuất hiện nhiều, đa dạng cả về nội dung lẫn hình thức, người trẻ có thể tìm thấy mình trong đó nên truyền nhau hưởng ứng. Phần khác, có thể do ảnh hưởng từ tâm lý đám đông, khi người trẻ chứng kiến sự hưởng ứng từ xung quanh hay sự mời gọi tham gia từ bạn bè", chuyên gia tâm lý nói thêm.

Đặc biệt, hiện nay, tâm lý được công nhận của người trẻ trên mạng xã hội đang ngày càng được thể hiện rõ, nhu cầu được tôn trọng hay công nhận của con người được xếp ở mức cao khi xét theo tháp nhu cầu.

Flex trên mạng xã hội cho phép người trẻ nhận được sự công nhận và thích thú từ người khác thông qua số lượng tương tác như lượt thích, bình luận, chia sẻ và các phản hồi tích cực khác.

"Điều này có thể tạo ra một cảm giác được kết nối và sự thích thú cho các bạn trẻ. Flex có thể được xem như một phần của việc xây dựng và kiểm soát hình ảnh cá nhân trực tuyến. Họ có thể sử dụng nó để thể hiện những gì họ cho là quan trọng, giá trị hoặc định hình bản thân họ", chuyên gia tâm lý nói.