Từ khi đại dịch Covid-19 diễn ra, nhiều xu hướng, lối sống mới được cập nhật. Từ những thói quen tưởng chừng như khó có thể bỏ được mà cũng đã thay đổi, đặc biệt là của giới nhân viên văn phòng. Nếu ngày trước ngày ngày bạn phải lên công ty chấm công thì bây giờ nhiều công ty điều đó không phải là bắt buộc khi nhiều người công nhận rằng làm việc ở nhà hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều.
Và không chỉ vậy nhiều dân văn phòng còn kết hợp cả chuyến đi du lịch nghỉ dưỡng và làm việc và gọi đó là "Workcation". Được biết, đây là khái niệm mô tả một kỳ nghỉ kết hợp làm việc từ xa, xu hướng này bắt đầu từ châu Âu lan sang châu Á trong đó có Việt Nam.
Nhiều dân văn phòng, đặc biệt là người trẻ sẵn sàng thuê homestay hoặc chi tiền để cho một chuyến đi chỉ để… làm việc.
TẠI SAO LẠI CÓ NHU CẦU NHƯ VẬY? PHẢI CHĂNG DÂN VĂN PHÒNG ĐÃ QUÁ CHÁN NGỒI CÔNG TY?
Theo Báo cáo Chỉ số xu hướng công việc 2021 của Microsoft, 73% người lao động được khảo sát bày tỏ mong muốn duy trì phương thức làm việc linh hoạt từ xa. Tại Việt Nam, khảo sát do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp cùng Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) tiến hành hồi tháng 12/2021 với hơn 10 nghìn người tham gia cho thấy 90% sẵn sàng đi du lịch trong vòng 10 tháng tới. Sự gia tăng nhu cầu xê dịch và đổi mới không gian làm việc đã thúc đẩy mong muốn "Workcation" của dân công sở.
Chị Thu Trang (Hà Nội) cũng là một nhân viên văn phòng đang theo đuổi xu hướng làm việc workcation này, chị cho biết: "Gần như cả năm nay, chị đều đặn một tháng, chị sẽ thuê homestay ở ngoại thành Hà Nội để đến đó làm việc những ngày cuối tháng. Còn 3 tháng chỉ sẽ thưởng cho bản thân chuyến đi dài ngày, vừa làm việc, vừa khám phá".
Khi hỏi về lý do bản thân chị lại đầu tư một khoản lớn không hề nhỏ như vậy cho môi trường làm việc chị nói: "Bản thân mình làm nghề sáng tạo nội dung việc làm mới mình là điều vô cùng cần thiết và một trong điều đó là mình muốn thay đổi không khí làm việc".
Chị cho biết, mỗi chuyến đi như này xác định làm việc là làm việc, chứ không thể chểnh mảng được nên thường sẽ là đi một mình hoặc một người bạn có cùng chí hướng đi cùng.
Theo khảo sát của BBC trên 1000 nhân viên tại Mỹ, 85% cho biết đã duy trì "workcation" từ năm 2021. 80% trong số đó nhận thấy cách làm việc này thúc đẩy năng suất và sự sáng tạo, đồng thời giúp họ đối phó với các căng thẳng liên quan đến công việc.
SỐ TIỀN BỎ RA PHẢI TỶ LỆ THUẬN VỚI THÀNH QUẢ THU ĐƯỢC TỪ CÁC ĐẦU VIỆC
Đi du lịch để làm việc với tần suất khá dày, chi phí luôn là vấn đề chị Trang quan tâm hàng đầu, chị chia sẻ: "Vào những chuyến đi chỉ ở ngoại thành Hà Nội thì bản thân chỉ thuê một phòng homestay nhỏ có giá từ 300.000 - 400.000 đồng/đêm. Những chuyến đi như vậy thường mình sẽ ở lại trong homestay, chọn những nơi có quán cà phê hoặc sân vườn có phục vụ đồ ăn. Dự trù mỗi chuyến như vậy, mình hết khoảng từ 1,5 triệu - 2 triệu đồng.
Còn với những chuyến đi dài ngày đến một vùng đất mới nào đó thì kế hoạch phải được lên trước đó 1 tháng, tính toán đặt mọi thứ sớm để được giá rẻ. Do đi xa hơn nên số tiền sẽ rơi khoảng 5 triệu - 7 triệu đồng. Nó phù hợp cho thỏa thích đam mê xê dịch của bản thân cũng như nhu cầu muốn thay đổi không khí làm việc".
Chị Trang cho biết: "Vào mỗi chuyến đi như vậy thường thì mình làm việc năng suất gấp mấy lần ở nhà và cùng đó là động lực muốn làm xong việc để được đi khám phá khiến mình có thể tăng năng suất hoàn thành trước hạn mức. Vì vậy, mình cảm thấy việc đầu tư này mình hời rất nhiều. Ví dụ như mình đang chạy Marketing cho một brand này, nếu theo đúng kế hoạch thì chắc phải 2 tuần mới xong nhưng chỉ trong chuyến đi 4 ngày 3 đêm mình đã hoàn thành, vừa khám phá được nơi mới".
Đồng quan điểm với chị Trang, anh Trình cũng nói thêm: "Những chuyến đi mình dành hầu hết không gian ở trong resort hoặc khách sạn để làm việc. Khi làm xong việc, mình sẽ tự thưởng cho bản thân những dịch vụ có tại chỗ ở".
CÁCH NÀO ĐỂ CÔNG VIỆC VẪN HIỆU QUẢ KHI ĐẾN MỘT NƠI ĐẦY "CÁM DỖ" PHẢI CHƠI THAY VÌ LÀM?
Có lẽ với nhiều người sẽ đặt câu hỏi này ngay lập tức, bởi tâm thế thì là đang đi du lịch, nghỉ dưỡng thì làm sao mà tập trung làm việc được!? Chị Quế Vân cho biết: "Mình cũng rất thích xu hướng làm việc như vậy nhưng khi đi thì không thể nào tập trung làm việc được một lúc lại quay chỗ nọ ngó chỗ kia. Chưa kể đến nếu đi với bạn bè nhìn chúng bạn chơi thì cũng thèm rồi lại nhảy vào chơi, hẹn công việc lúc khác. Và từ đó... công việc ngưng trệ..."
Chị Trang tâm sư: "Làm việc workcation này là phải có tính kỷ luật cao, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao bởi đi như này chỉ cần ý chỉ nghiêng về phần đi chơi, tận hưởng nhiều hơn một chút là coi như chấm hết. Mình luôn đặt ra quy tắc cho bản thân, muốn chơi gì thì công việc phải xong trước đã".
Không chỉ có vậy, khi làm việc theo kiểu workcation là bản thân phải mang vác nhiều công cụ làm việc, chưa kể đến nhiều nơi sóng yếu mạng kém khó có thể làm việc. Bởi vậy, nếu xác định các chuyến workcation của bạn phải được chuẩn bị kĩ lưỡng tránh ảnh hưởng đến công việc. Điểm đặc biệt, với những chuyến đi dài ngày kế hoạch chi tiết để không bị rối.
Nên trước khi bắt dầu, bạn cần cân nhắc thật kỹ xem tính cách cá nhân, tính chất công việc của bản thân liệu có phù hợp hay không và hãy nhớ khi đã bắt đầu thì cũng đừng quá "nuông chiều" cảm xúc cá nhân, liệu tiền thì tốn, mất công đi xa mà công việc chẳng đi tới đâu.