Ngôn từ không những thể hiện tâm hồn của một người, mà còn thể hiện nhân phẩm, đạo đức, và trí tuệ của họ. Một số lời nói có thể tiết lộ tính cách xấu mà một người muốn che giấu. Ngay cả chính bản thân chúng ta, khi giao tiếp cũng cần phải chú ý đến 3 điều quan trọng sau đây.
Nếu bạn đang trong 3 trường hợp này, thì thà đừng nói còn hơn là nói bậy bạ. Bởi vì "họa từ miệng mà ra".
1. Khi người khác đang hưng phấn nói về sở trường của họ
Trong cuộc sống, ai cũng đều muốn mình nhận được sự ngưỡng ngộ và công nhận từ người khác. Đôi khi, chúng ta đang hào hứng nói về một điều gì đó, nhưng bất ngờ lại có người xen ngang và ngắt lời, thì có phải rất mất hứng hay không?
Hoặc có người đột nhiên phủ nhận điều chúng ta nói, hành động này không chỉ khiến ta cảm thấy thất vọng, mà còn phản ánh đối phương không phải là một người lịch sự. Thời gian dài, cách nói chuyện này sẽ gây mất thiện cảm và phá hủy các mối quan hệ. Đặc biệt là những ai có tính cách thích "làm thầy" người khác thì nên học cách tự kiểm soát bản thân.
Trước đây, khi đang ăn tối với một người bạn, chúng tôi thảo luận về một chủ đề. Đúng lúc phấn khích, tôi đang nói về một sở trường của mình, thì đột nhiên người bạn đó xen vào, phản bác lại tôi, như thể họ đang dạy tôi vậy.
Tôi rất khó chịu với kiểu người như thế. Trong giao tiếp, chúng ta cần học cách tôn trọng người khác và cho họ sự công nhận đúng lúc. Đừng ngắt lời người khác để thể hiện sự hiểu biết của mình.
2. Khi người khác đang nói về quyết định của họ
Khi người khác đã quyết định điều gì đó, ví dụ như đi du học, chọn ngành hoặc làm việc ở một thành phố khác, thì chúng ta không nên xen vào. Bởi đó là điều quan trọng đối với họ và họ đã có quyết định của riêng mình. Chúng ta không thể chịu trách nhiệm cho cuộc sống của họ thay họ. Vì vậy, hãy tránh nói ra những bình luận không cần thiết.
Trước đây, tôi có một người bạn, cậu ấy đã chuẩn bị rất kĩ lưỡng mọi thứ để thực hiện ước mơ đi du học. Nhưng đến khi mọi điều kiện đều đã sẵn sàng, thì người thân trong gia đình lại đạp đổ hết tất cả mọi nỗ lực của cậu ấy bằng những lời chỉ trích tiêu cực. Khiến cậu ấy tức giận và suy sụp đến mức phát điên tại nhà.
Nói thẳng, việc xen vào quyết định của người khác như thế sẽ gây tổn hại tình cảm đôi bên và chắc chắn sẽ làm rạn nứt mối quan hệ. Trong cuộc sống, hãy biết giới hạn, đừng xen vào việc của người khác. Ý kiến của chúng ta không quan trọng như chúng ta nghĩ. Bình luận không đúng đắn và đúng lúc có thể sẽ gây tổn hại mối quan hệ, cho dù chúng ta có cố ý hay không.
3. Khi mối quan hệ của người khác đang xảy ra mâu thuẫn
Có lẽ không ít người từng gặp phải trường hợp như thế này. Bạn xem đối phương là bạn bè, nên dốc hết tâm sức bày mưu tính kế, tư vấn, hỗ trợ họ. Nhưng cuối cùng họ lại không làm theo lời bạn nói, thậm chí còn quay ngược lại bán đứng bạn với người khác.
Vì vậy, khi một ai đó xảy ra mâu thuẫn với các mối quan hệ xung quanh họ, thì bạn đừng dễ dàng đưa ra ý kiến. Bạn có thể lắng nghe hoặc cùng họ đi ăn uống giải khuây. Nhưng tuyệt đối đừng tự tiện đưa ra lời khuyên. Trừ khi bạn hiểu rõ tính cách của họ.
Cuộc sống đôi khi khó khăn là để dạy chúng ta phải biết rõ giới hạn và tự bảo vệ bản thân. Trong các mối quan hệ, chân thành thôi là chưa đủ, chúng ta còn phải cho thêm một chút thông thái. Khi không nên nói, thì đừng nói. Ý kiến của chúng ta đôi khi cũng không quan trọng nhiều như chúng ta nghĩ. Cho nên mới có câu "im lặng là vàng".