Một kỳ nghỉ lễ dài đang ở trước mắt. Dù chọn lên rừng, xuống biển hay chill "sống ảo" ở resort thì ai cũng muốn trải qua những giờ phút nghỉ ngơi chất lượng nhất, xả stress sau chuỗi ngày dài cày cuốc ở công ty.
Nhưng không phải ai cũng chờ nghỉ lễ để du lịch. Có những người lại chờ nghỉ lễ để kiếm nhiều tiền hơn nữa. Đơn cử như 3 bạn trẻ Tấn Hiệp, Văn Sĩ, Phương Đông dưới đây.
Việc đi làm vào ngày lễ, đặc biệt là dịp Quốc khánh 2/9 sắp đến, lại là cách giúp họ có một kỳ nghỉ lễ tuyệt vời: Vừa kiếm khoản tiền lớn, được tự do sống với đam mê. Họ là những người trẻ theo nghề lặn tự do trên đảo Phú Quý.
Những người làm freediving - lặn tự do trên đảo Phú Quý. (Nguồn: Cô Đông)
Làm 3 ngày lễ kiếm 20 triệu, phải có nhiều kỹ năng khác ngoài biết lặn
Freedive là bộ môn lặn tự do đã có từ rất lâu, nhưng đến đầu năm 2023 mới bắt đầu nổi lên như một xu hướng trên đảo Phú Quý. Chính vì sự tò mò muốn được thử sức với trải nghiệm mới lạ này, không ít khách du lịch đã lên kế hoạc đổ về đảo vào dịp lễ mùng 2/9 này. Đây chính là cơ hội để người làm du lịch kết hợp freediving “hốt bạc”.
Riêng 3 ngày lễ Quốc khánh năm nay, Phạm Tấn Hiệp (SN 1995, hướng dẫn viên du lịch và nhận quay phim chụp ảnh dưới nước) dự toán sẽ thu về 20 triệu từ việc dẫn khách đi tour đảo và freedive ở Phú Quý. Con số này có được ở thời điểm này vì khách đã xác định và đặt cọc chi phí cho tour cho Hiệp.
Phạm Tấn Hiệp (SN 1995, hướng dẫn viên du lịch và nhận quay phim chụp ảnh dưới nước)
Dù tiền công làm ngày lễ như ngày thường, nhưng Hiệp “ăn” ở số lượng khách. Được biết, Tấn Hiệp sẽ nhận từ 100 - 200 khách cho ngày 1/9 - 3/9 và có team hỗ trợ dẫn khách cùng.
“Hầu hết khách sẽ đến từ các nền tảng mạng xã hội, họ đặt trước cả tháng. Nếu như dịp lễ là lúc mọi người nô nức đi du lịch, thì những người làm du lịch như tụi mình lại nô nức đón khách. Nói không với ngày nghỉ lễ vì tụi mình có lịch nghỉ riêng. Như Phú Quý chỉ làm được 6 tháng, 6 tháng còn lại mình nghỉ ngơi, đi du lịch, học hỏi thêm để cải thiện dịch vụ trên đảo. Vậy nên, không tranh thủ kiếm tiền lúc này thì còn đợi lúc nào nữa!”, Hiệp cho biết.
Nhưng bức hình chụp dưới nước của Hiệp khi lặn tự do.
Không riêng Tấn Hiệp, khi trò chuyện cùng Trần Văn Sĩ (SN 1996) - người mới khởi đầu với nghề lặn freedive này đầu năm nay, nhưng mùa lễ năm nay cậu đã bội thu cả tiền lẫn khách.
“Thu nhập ngày lễ của mình thì cũng khoảng 20 triệu, chênh lệch còn tùy lượng khách đặt thêm. Mình làm tour trọn gói tức đã bao gồm việc khám phá du lịch trên bờ cũng như dưới nước, ghép đoàn khoảng 150 - 200 khách. Nếu muốn hút được khách, buộc mình phải có kỹ năng dẫn khách đi tour lặn kết hợp tham quan các địa điểm nổi bật ở đảo, giới thiệu khách chỗ ăn ngon. Bên cạnh đó còn là kỹ năng chụp hình", Sĩ nói.
Trần Văn Sĩ (SN 1996) - Hướng dẫn viên du lịch, dẫn tour lặn trên đảo Phú Quý.
Về kỹ năng chụp hình cho khách "sống ảo", Sĩ nói thêm: "Chụp ảnh trên bờ đã khó, xuống nước còn khó gấp 2,3. Vậy nên mình cũng như những anh em khác làm tour lặn cũng cần trang bị kỹ năng quay phim, chụp ảnh để khách hàng lưu giữ được những khoảnh khắc đẹp nhất khi lặn dưới đại dương”.
Sĩ cũng cho biết bản thân cảm thấy đi làm ngày lễ thậm chí còn vui hơn ngày thường, vì người làm dịch vụ chỉ mong thế thôi. Sau khi kết thúc ngày lễ, anh chàng cũng dành thời gian tận hưởng và nghỉ ngơi. “Thà nghỉ lễ muộn còn hơn bỏ lỡ dịp này!”.
Bộ môn lặn tự do trở thành niềm yêu thích mới của giới trẻ. Vậy nên du khách đổ về đảo Phú Quý trải nghiệm trong dịp lễ quá tải, người làm dịch vụ theo đó cũng bận rộn hơn.
Chủ các homestay nhận dẫn tour lặn: Tiền ai cũng muốn nhưng...
Mở homestay trên đảo Phú Quý, Bùi Phương Đông (SN 1996, Bình Thuận) có góc nhìn hay ho về dịch vụ mùa lễ. Không chỉ kín lịch dẫn khách đi lặn tự do, homestay của Đông cũng đã kín phòng. Vậy nên con số kiếm được trong dịp lễ này cũng đáng kể!
Làm dịch vụ đương nhiên bao giờ cũng ngóng lễ hơn. Khách hàng tìm đến Phú Quý dự kiến quá tải vào Quốc khánh năm nay. Tuy vậy để đảm bảo chất lượng và sự an toàn của tour lặn, Đông chỉ nhận tối đa 6 khách, kèm 1:1 trong suốt quá trình tập luyện và thực hành. Giá dịch vụ giữ nguyên vì chữ tín với khách hàng.
Bùi Phương Đông (SN 1996, Bình Thuận).
“Mình có riêng một danh sách các hoạt động dành cho khách đi lặn: Mọi người làm quen với nhau sau đó khởi động và học lý thuyết cơ bản về bộ môn freediving này. Bắt đầu thực hành với các dụng cụ lặn như mắt kính, ống thở, chân nhái,... rồi xuống nước thực hành nhẹ nhàng. Quá trình lặn tự do sẽ bắt đầu vào sớm ngày hôm sau để khách đảm bảo được kỹ năng đã học cũng như sức khỏe. Sau gần 3 tiếng lặn, mình và khách sẽ quay về bờ", Đông nói.
Bản thân Đông luôn nghĩ, lặn là một trải nghiệm thú vị về lặn chứ không đơn thuần mà khóa học hay cuộc dạo chơi đơn giản dưới nước. Để sau cùng của một chuyến đi là “lặn”, khách có thể tự mình khám phá hệ sinh thái biển ở bất cứ đâu chứ không riêng gì Phú Quý.
Vậy nên, dù làm dịch vụ trong lễ, Đông cũng cố gắng chỉn chu nhất có thể. “Mình chỉ nhận tối đa 6 khách, không hơn. Tiền thì ai cũng muốn nhưng cái mình hướng đến là lâu dài, thay vì chạy theo thời vụ”.
Hình ảnh Phương Đông dẫn khách đi tour lặn.
Thêm nữa, để khách hàng đảm bảo được an toàn khi lặn sâu xuống nước, một số lưu ý cũng được các hướng dẫn viên cập nhật liên tục như: Khách hàng buộc phải trên 16 tuổi, biết bơi và không mắc các bệnh lý nền. Các thợ lặn sẽ huấn luyện kỹ về cách làm quen với việc lặn, cân bằng áp suất tai sao cho tốt. Đây là bộ môn lặn tự do nên không yêu cầu quá phức tạp về các thiết bị hỗ trợ. Tuy nhiên kính bơi, ống thở, fins (chân nhái) sẽ được chuẩn bị sẵn và kiểm tra chất lượng trước khi sử dụng. Về cơ bản thì đây sẽ là những điều bạn được tư vấn trước nếu muốn trải nghiệm lặn tự do ở đảo Phú Quý.
Cần chuẩn bị kỹ càng đối với bộ môn lặn tự do này.
Làm công việc yêu thích lại kiếm được khoản khá lo cho gia đình nên dù lễ hay ngày thường, cả Đông, Hiệp và Sĩ đều cảm thấy đủ. Freediving theo đó cũng trở thành niềm đam mê của những người trẻ này: mạo hiểm, tự do và được ngắm nhìn trọn vẹn thiên nhiên Phú Quý dưới đại dương xanh!
Ảnh: NVCC