10 năm kinh nghiệm trong ngành kiến trúc nội thất và cơ duyên được trải nghiệm nhiều nền kiến trúc độc đáo trong quá trình đi học ở Ý - cái nôi nghệ thuật của châu Âu đã giúp chị Nguyễn Thanh Nga tạo được thêm nhiều dấu ấn trong nghề.
Gây ấn tượng với những công trình tối giản nhưng hiện đại, cân bằng được tính thẩm mĩ và công năng sử dụng, kiến trúc sư Nguyễn Thanh Nga - Phó Giám đốc chủ trì thiết kế Nội thất kiến trúc công ty TNHH Nội thất SOI (SOI design & build) đã chia sẻ góc nhìn về công việc của một người làm nghề thiết kế và kinh nghiệm để thu phục, giữ chân khách hàng.
Profile KTS Nguyễn Thanh Nga
Họ tên: Nguyễn Thị Thanh Nga – 34 tuổi
Hiện đang là Phó Giám đốc chủ trì thiết kế Nội thất kiến trúc công ty TNHH Nội thất SOI (SOI design & build)
Trình độ chuyên môn: Thạc sĩ thiết kế nội thất tại Florence Design Academy và thạc sĩ Mỹ Thuật Ứng Dụng trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Một số công trình nổi bật: Nhà của thời gian, Nhà hàng SH Garden, PREMIER OFFICE, Villa of The Star - công trình cải tạo thuộc một phần của dự án Mơ Stay, Bồ Câu house…
KTS. Nguyễn Thanh Nga
Nghề kiến trúc nội thất phải luôn đáp ứng được 3 yếu tố: dịch vụ, mỹ thuật và kỹ thuật
Chào KTS Nguyễn Thanh Nga, nếu được dùng 3 từ để diễn tả về hành trình và con đường làm nghề, chị sẽ dùng từ nào và vì sao?
Không ngừng cập nhật đổi mới, nhiệt huyết với nghề và chân thành với khách hàng.
Đó cũng chính là những yếu tố cốt lõi giúp Nga và công ty SOI trụ vững tới ngày nay.
Điều gì khiến chị Nga quyết tâm trở thành 1 KTS nội thất như bây giờ?
Từ khi còn học cấp 2, cấp 3, Nga đã rất thích trang trí chính căn phòng của mình và rất thích được xem những hình ảnh về thiết kế kiến trúc nội thất, cũng luôn tưởng tượng bản thân mình sẽ được sinh sống trong ngôi nhà đó. Và thế là, từ cảm giác hứng thú đến hạnh phúc với những mộng mơ, mình dần hình thành mong ước được học tại trường Đại học kiến trúc, mà đặc biệt là ngành thiết kế nội thất.
Khi ra trường, mình may mắn được trải nghiệm nhiều nền kiến trúc độc đáo trong quá trình đi học ở Ý - cái nôi nghệ thuật của châu Âu, được chứng kiến và ngắm nhìn lịch sử nghệ thuật qua từng hình khối công trình tại các nước châu Âu. Từ đó, mình mong mỏi về lại nước nhà để được hành nghề và đem tới những giá trị thẩm mỹ đa dạng, mới mẻ về kiến trúc nội thất ứng dụng vào các công trình ở Việt Nam.
Về Việt Nam, mình thành lập SOI Studio và chủ trì team thiết kế. Các thiết kế của SOI luôn đổi mới, cập nhật xu hướng thiết kế trong và ngoài nước. Đồng thời sử dụng tối đa vật liệu địa phương của Việt Nam để hướng tới những thiết kế bền vững, đem đến không gian đáp ứng về mặt công năng và thẩm mỹ. Trên hết, điều quan trọng nhất là khách hàng luôn cảm thấy thoải mái khi sống trong không gian đó.
Hiện nay, nhu cầu thiết kế nhà ở nhiều và đương nhiên, số lượng KTS cũng không ít. Vậy theo chị Nga, điều gì sẽ giúp 1 KTS tạo dựng được thương hiệu riêng và có chỗ đứng bền vững trong ngành này?
Nga luôn quan niệm nghề thiết kế kiến trúc nội thất luôn phải đáp ứng được 3 yếu tố: dịch vụ, mỹ thuật và kỹ thuật.
- Về dịch vụ: Thiết kế là người sẽ tư vấn cho khách hàng, giúp họ hiện thực hóa ý tưởng mong muốn trong hình dung của chính bản thân về tổ ấm ước mơ. Nga thường nhắn nhủ với các bạn trong team mình rằng, khi thiết kế nhà cho khách hàng, thiết kế của mình phải tiệm cận với mong muốn của khách hàng, vì người sống trong không gian đó chính là khách hàng. Điều đó cũng có nghĩa là họ phải cảm thấy thoải mái, hài lòng khi sống mỗi ngày tại căn nhà của mình. Chính vì vậy, người làm thiết kế hãy trở thành bạn của khách hàng, thấu hiểu được mong muốn của khách hàng, chân thành hỗ trợ khách hàng tìm ra ý tưởng và giải pháp thiết kế tối ưu nhất về mặt thẩm mỹ, công năng cũng như chi phí.
- Về yếu tố mỹ thuật: Thừa hưởng những kiến thức, yếu tố thẩm mỹ trong quá trình học và làm nghề là điều căn bản nhưng phải làm sao để đưa được yếu tố thẩm mỹ, tạo điểm nhấn cho không gian và thể hiện cá tính của thiết kế cũng như gia chủ mới chính là những gì cần tập trung hướng tới.
- Về kỹ thuật: Song song với yếu tố mỹ thuật, người thiết kế phải đưa ra giải pháp để hiện thực hóa ý tưởng thiết kế với các yêu cầu về thẩm mỹ được đưa ra, nhưng đồng thời vẫn đáp ứng được tính công năng cần có. Sự phù hợp của ý tưởng thiết kế đối với hình khối không gian hiện trạng, hay phương hướng giải quyết các yếu tố kỹ thuật về phần thô, ốp lát, hoàn thiện bề mặt, điện nước, thao tác sử dụng… luôn được đưa ra cân nhắc và tính toán song song để mang đến những hiệu quả thẩm mỹ và công năng đồng thời cho không gian.
Để giữ vững được thương hiệu SOI cũng như một vị trí để khách hàng có thể nhớ đến trong ngành này, Nga và team luôn cập nhật, không ngừng phát triển và giữ vững được 3 yếu tố nêu trên, và quan trọng nhất cần phải có lòng yêu nghề, giữ được lửa nhiệt huyết.
Với ngành thiết kế kiến trúc này, Nga hay đùa là "làm dâu trăm họ" - rất gian nan và cực khổ, nhưng chỉ cần công trình thiết kế thi công hoàn thiện, ngắm nhìn đứa con tinh thần của mình thành hình và đúng như ý tưởng thiết kế thì bao nhiêu cực khổ gần như tan biến.
Chân thành lắng nghe, nhanh nhạy trong chọn lựa giải pháp là cách kết nối tốt nhất với khách hàng
Với chị, yếu tố nào là quan trọng nhất trong 1 bản thiết kế? Điều gì cần được đặt lên hàng đầu trước khi bắt tay vào vẽ ra những mong ước xây dựng 1 ngôi nhà trong mơ của khách hàng?
Theo mình, nắm bắt được mong muốn yêu cầu của khách hàng, đề xuất ra phong cách thiết kế và ý tưởng thiết kế (moodboard concept) làm sao hài hòa được yêu cầu khách hàng và ý tưởng thiết kế là quan trọng nhất.
Mà để nắm bắt được yếu tố đó, kiến trúc sư cần phải có những câu hỏi sát với yêu cầu khách hàng đưa ra ví dụ như: công năng, không gian yêu thích, phong cách thiết kế phù hợp, màu sắc, vật liệu mong muốn… để tạo ra moodboard concept thật kĩ rồi cân đối phù hợp với hiện trạng công trình thực tế. Sau tất cả các công đoạn này mới bắt tay vào vẽ.
Như vậy, chi phí đóng vai trò như thế nào trong cải tạo, thiết kế không gian sống?
Chi phí đóng vai trò rất quan trọng trong cải tạo, team thiết kế phải cân nhắc làm sao thiết kế mình đưa ra phù hợp với ngân sách của khách hàng, tránh tình trạng vượt quá ngân sách của khách. Có nhiều khách hàng mong muốn rất nhiều vào không gian nhưng ngân sách có hạn, mình sẽ tư vấn cho khách hiểu cách chọn vật liệu phù hợp, cách giảm thiểu chi phí, ưu tiên vào những hạng mục quan trọng, để làm sao tối ưu chi phí nhưng vẫn đáp ứng về mặt thẩm mỹ.
1 bản thiết kế ít khi có thể hoàn hảo tới mức đủ để khách nhìn vào đã ngay lập tức cảm thấy hài lòng về tất cả các yếu tố: thẩm mỹ, ngân sách, nhu cầu sử dụng… Chị làm thế nào để thuyết phục khách hàng?
Thật sự không có sản phẩm nào "ngon - bổ mà lại rẻ" cả, bản thân Nga làm thiết kế phải cân nhắc rất nhiều yếu tố về thẩm mỹ và vật liệu để tư vấn giải pháp tốt nhất phù hợp với mong muốn và ngân sách khách hàng nhưng vẫn đáp ứng về công năng và thẩm mỹ tổng thể. Có những không gian cần đầu tư nhiều, nhưng có một số không gian phụ, đầu tư ngân sách ít hơn để cân đối chi phí.
Nga nghĩ mình chân thành và chọn giải pháp nào tốt nhất cho khách hàng, đó là cách tốt nhất khách hàng tin tưởng và lắng nghe thiết kế.
Theo trải nghiệm của chị, khách hàng trẻ thường sẽ ưu tiên phần công năng hay thẩm mỹ hơn?
Khách hàng trẻ ngày nay ưu tiên cả công năng lẫn thẩm mỹ. Trong thời đại có nhiều tiến bộ về công nghệ thông tin như hiện nay, khách hàng nói chung và khách hàng trẻ nói riêng có nhiều cơ hội để tìm hiểu, cập nhật được các phong cách thẩm mỹ cùng phong cách sống một cách rộng rãi từ nhiều quốc gia khác nhau. Vậy nên, về mặt kiến thức và hiểu biết của các khách hàng trẻ đối với nội thất và không gian cũng rất phong phú, đa dạng.
Điều quan trọng của người làm thiết kế là giúp cho khách hàng phối hợp, sắp xếp các ý tưởng, sở thích của họ vào bản vẽ không gian, hài hòa tổng thể kiến trúc nội thất để tạo ra không gian đúng chất.
Một vài dự án mà KTS. Nguyễn Thanh Nga đã thực hiện.
Theo quan sát của chị, khách hàng trẻ có chi mạnh tay để đầu tư không gian sống không?
SOI may mắn được làm việc với rất nhiều khách hàng trẻ. Làm việc với khách hàng trẻ, điều cần quan tâm nhất là Lifestyle - phong cách sống của người trẻ, họ phóng khoáng, họ tiếp thu rất nhiều kiến thức và quan trọng họ có cá tính riêng, và họ mong muốn ngôi nhà của họ phải thể hiện chính cá tính, dấu ấn của cá tính trong không gian.
Họ sẵn sàng chi mạnh tay cho những sản phẩm nội thất hàng hiệu mà họ cho là xứng đáng đặt để trong không gian của họ. Quan trọng là phải tư vấn làm sao khách hàng hiểu được giá trị về thẩm mỹ, lịch sử của từng sản phẩm nội thất để khách hàng hiểu được giá trị của sản phẩm nội thất đó. Thay vì ưu tiên ngày nay của giới trẻ đầu tư vào quần áo túi xách hàng hiệu, đã có 1 lượng khách hàng bắt đầu quan tâm và muốn đầu tư sản phẩm nội thất hiệu trong chính không gian sống của họ để thể hiện cá tính và phong cách sống.
Những thiết kế kiến trúc của chị Nga thay đổi qua từng năm như thế nào so với trước đây?
Khi mới ra trường, đương nhiên kiến trúc sư nào cũng muốn được bay bổng thỏa sức thiết kế theo ý thích và cái tôi cá nhân của mình, nên có những thiết kế có thể đẹp trong mắt thiết kế nhưng lại vô tình không phù hợp với yêu cầu của khách hàng, có thể đáp ứng thẩm mỹ nhưng phần công năng chưa phù hợp… Nên càng về sau, Nga càng rút ra nhiều kinh nghiệm để công trình tối ưu hơn về mặt thiết kế, thẩm mỹ công năng cho phù hợp yêu cầu chủ đầu tư.
Sau 10 năm kinh nghiệm làm việc, trải nghiệm đa dạng các thể loại công trình từ nhà ở tới không gian công cộng như nhà hàng, resort, cafe… Mình và team không ngừng cập nhật những vật liệu mới, kỹ thuật thi công mới, hoặc những công cụ hỗ trợ thiết kế mới nhất cũng như xu hướng, lối sống ngày nay để làm sao tạo ra nhưng thiết kế mới và chất hơn, nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu của khách hàng.
Xu hướng kiến trúc được yêu thích thường thay đổi theo từng giai đoạn hoặc theo năm. Và bởi vì nó không ngừng chuyển động như thế nên có khi nào xu hướng được mọi người yêu thích lại không phải phong cách thiết kế của chị không? Nếu vậy, chị làm thế nào để giải quyết với vấn đề này?
Với tiêu chí luôn cập nhật và trau dồi không ngừng về phong cách thiết kế, vật liệu, kỹ thuật thi công nên chắc chắn sẽ có những khi gặp phải phong cách khó hoặc không phải thế mạnh. Thế nhưng lúc đó mình lại cảm thấy hào hứng và trong cái khó ắt sẽ ló ra bài học. Với mình, đó chính là dịp cho cả mình và cả team được học hỏi, đào sâu nghiên cứu phong cách mới để tìm ra giải pháp thiết kế.
Từ đó cũng có thể kết nối với các anh chị kiến trúc sư mạnh về phong cách đó để hỏi thêm về ý kiến, học qua các công trình thực tế đang có. Mình hay bảo team không có việc gì khó, quan trọng mình có dám bước qua vùng an toàn của chính mình hay không thôi.
Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị Nguyễn Thanh Nga!