Tách cà phê, "tách" stress
Theo khảo sát của quán cà phê "Rừng Nhiệt Đới" (ở Tô Hiệu, Cầu Giấy, Hà Nội), thông thường, những ngày cuối tuần có khoảng 400 khách, trong đó, có 100 khách hàng chọn đây làm nơi làm việc, học tập từ 3 đến 4 tiếng trở lên.
Đã làm công việc văn phòng 6 năm nay, chị Nguyễn Hoài Trang (SN 1993, ở Cầu Giấy, Hà Nội) thường chọn các quán cà phê sách làm nơi "trú ngụ" sau 8 tiếng làm việc ở công ty.
"Các quán cà phê sách thường có thư viện sách phong phú, mình có thể tìm đọc những cuốn sách mới, học hỏi kiến thức mới và mở rộng tầm nhìn ngoài lĩnh vực làm việc", chị Trang nói.
Theo cảm nhận của chị Trang, không khí trong quán cà phê sách thường rất ấm áp và thân thiện, với đồ nội thất được bài trí theo phong cách vintage , tạo không gian thanh lịch và cổ điển. Cộng với âm nhạc lofi nhẹ nhàng, mùi hương của cà phê và sách cũng tạo không khí thư giãn cho người làm việc.
"Nơi đây giúp người làm việc tập trung vào công việc mà không bị gián đoạn bởi các cuộc gọi điện thoại, cuộc họp và các hoạt động khác của đồng nghiệp trong một văn phòng. Bởi đôi khi, có những ngày đi làm, mình bị ảnh hưởng bởi năng lượng tiêu cực từ đồng nghiệp trong cách giải quyết vấn đề, khiến tinh thần làm việc hôm đó giảm hiệu quả đi rất nhiều. Khi đó, mình chỉ muốn nhanh kết thúc ca làm sớm để tìm đến những quán cà phê giúp gạt bỏ stress , quên đi những năng lượng tiêu cực trong ngày", chị Trang nói thêm.
Theo nghiên cứu từ nền tảng nhân sự Grove HR và Công ty dữ liệu YouGov, 40% người lao động Việt Nam mong muốn kết hợp làm việc tại văn phòng và từ xa (mô hình hybrid) vào năm 2022, chỉ 21% muốn làm tại văn phòng toàn thời gian và 16% muốn tiếp tục làm việc tại nhà.
Cảm hứng cho sự sáng tạo
Nguyễn Đức Linh (sinh viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) có thói quen ghé quán cà phê 4 buổi/tuần để học tập. Chàng trai nhận thấy, học ở phòng trọ không gian bí bách nên hạn chế ý tưởng hay sự hứng thú mỗi khi lật giở những trang sách về kinh tế có phần khô khan, khó hiểu.
Vì vậy, Linh thường chọn các quán cà phê có không gian xanh gần trường để ngồi từ 4 đến 5 tiếng. "Ở quán cà phê, em được nạp thêm năng lượng bởi những người xung quanh. Khi thấy nhiều người chăm chú làm việc, học tập, em càng có động lực và học một cách nghiêm túc, cứ học 1 tiếng rồi nghỉ 15 phút", nam sinh nói.
Ở không gian công cộng, nhất là quán cà phê, cũng có những khách hàng đến để trò chuyện và thư giãn. Tuy nhiên, Linh cho biết, em đã học cách "thanh lọc" tiếng ồn xung quanh và chỉ tập trung vào việc của mình.
Trước đây, Linh còn e ngại mỗi khi mang laptop ra quán cà phê vì sợ mọi người nghĩ " làm màu ". Nhưng khi trào lưu ngồi cà phê học tập, làm việc ngày càng thu hút nhiều bạn trẻ, nam sinh cùng bạn bè thường xuyên chọn không gian các quán cà phê là nơi hoạt động, học tập, trao đổi nhóm.
Em Nguyễn Đức Linh (sinh viên trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) cùng bạn học tập tại quán cà phê. Ảnh: Châu Linh
Từ khi làm công việc sáng tạo nội dung , Nguyễn Đức Tuấn (SN 1997, ở Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thường hẹn gặp những người bạn trong cộng đồng người làm sáng tạo ở các quán cà phê để trao đổi ý tưởng và lên kế hoạch truyền thông thương hiệu. Vốn làm freelance nên Tuấn được tự do chọn nơi làm việc và những "không gian di động" phù hợp với bản thân.
"Công việc đòi hỏi mình phải thường xuyên nảy ra những ý tưởng mới nên cần phải thay đổi hoặc làm mới không gian làm việc liên tục", Tuấn bày tỏ.
Với tần suất đi cà phê nhiều lần mỗi tuần, Tuấn tiết lộ, anh mất khoảng 1,5 triệu đồng mỗi tháng để "mua" không gian làm việc như ý. Thay vào đó, chất lượng công việc của chàng trai trẻ được cải thiện hơn và có năng suất cao hơn. Ngoài ra, anh còn được kết nối với nhiều người làm việc trong các lĩnh vực khác nhau để giao lưu, học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Không gian sáng tạo hấp dẫn người trẻ. Ảnh: Châu Linh
Khách "cắm rễ" ở quán cà phê, ứng xử thế nào?
Trao đổi với PV Tiền Phong , anh Bùi Quang Khánh (SN 1991), quản lý của một quán cà phê tại Hà Nội, cho biết, đối với những khách hàng ngồi nhiều giờ, nhân viên có thể gợi ý thêm bánh ngọt hoặc đồ uống để khách order thêm.
"Đây là một cách ứng xử khá văn minh và lịch sự, nếu khách không có nhu cầu dùng thêm đồ uống hay bánh ngọt, quán vẫn vui vẻ để khách ngồi tiếp tục làm việc. Hiện nay, nhiều quán cà phê mới mở cũng có phương châm tạo ra một văn phòng di động cho dân công sở và những người làm freelance. Vì thế, việc khách ngồi quá lâu cũng là một trong những bài toán khiến các quán cạnh tranh nhau trong việc "giữ chân" khách hàng", anh T. nói.
Hoặc có thể, trong tương lai, anh Khánh góp ý, các quán cà phê nên làm một khu riêng cho những khách hàng có nhu cầu học tập, làm việc với không gian, diện tích thu gọn. Từ đó, các quán sẽ có tính toán lợi nhuận phù hợp để không làm mất lòng nhiều khách hàng.
Quán cà phê cũng có tác dụng "chữa lành" với một số bạn trẻ. Ảnh: Châu Linh