Luôn giữ khoảng cách trong các mối quan hệ, cái giá mà tôi phải trả là mất đi 1 THỨ trân quý của cuộc đời

Tôi luôn có sự hoài nghi và khoảng cách trong tất cả các mối quan hệ.

Hồi trung học, ngày nào cũng chơi bóng chung với đám bạn. Như thế thì sao, chúng tôi có thân thiết không? Nếu đến một ngày, tôi không còn thích bóng chuyền, chúng tôi không bàn luận về những trận đấu. Vậy thì có còn gọi là thân thuộc nữa không?

Trên mạng xã hội, một bạn nam có ý với tôi. Tôi tự hỏi, bản thân tôi có gì hay mà được người ta yêu thích? Vốn dĩ thì ngay cả tôi cũng không thích chính mình. Những đứa bạn giỏi giang hơn tôi, họ làm bạn với tôi, tôi nghĩ rằng bản thân chẳng có gì để họ chơi cùng cả, có thể chỉ vì phép xã giao lịch sự mà thôi.

Thậm chí, tôi còn cho rằng hết 90% các mối quan hệ, có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Ở giai đoạn nào đó trong cuộc sống, khi bạn cần một giá trị và sự hồi đáp của một mối quan hệ, tôi chỉ là vừa lúc xuất hiện đúng thời điểm, thế rồi trở thành bạn đồng hành. Nhưng nếu không phải là tôi thì cũng có người khác đến thay thế, đúng không?

Vậy nên, tôi lúc nào cũng duy trì thái độ lạnh nhạt và giữ khoảng cách trong các mối quan hệ. Từ nhỏ tới lớn không nhớ ngày sinh nhật của bất cứ ai, luôn đứng ở thế thụ động để người khác tự định nghĩa về mức độ thân quen.

Luôn giữ khoảng cách trong các mối quan hệ, cái giá mà tôi phải trả là mất đi 1 THỨ trân quý của cuộc đời - Ảnh 1.

Tôi quen với việc tách ra khỏi đám đông. Ví dụ như lúc xuống nhà đổ rác, khoảng cách từ cổng chính và cổng phụ của chung cư đến bãi đổ rác là như nhau, nhưng nếu đi hướng cổng chính thì chắc chắn sẽ gặp ban quản lý khu và chú bảo vệ, đương nhiên không thể tránh một vài câu chào hỏi. Vì vậy, để không phải tiếp xúc với người khác, tôi chọn cách đi ra bằng cửa phụ.

Đi tàu điện cũng vậy. Tôi luôn chọn chỗ vắng mà ngồi, nếu không thì đành chịu. Trên tai lúc nào cũng đeo tai nghe, để không bị phân tâm vào thế giới xung quanh.

Tôi từng ở nhà mười mấy ngày liền không ra khỏi cửa. Chỉ thỉnh thoảng ra vì muốn hít thở hóng gió một chút để không bị bí bách.

Từng đọc được trên mạng tin tức một họa sĩ qua đời ở nhà nhưng tận mấy ngày sau mới có người phát hiện. Tôi nghĩ, nếu đổi lại là tôi thì thời gian đó có lẽ sẽ dài hơn. Tôi thường không chủ động đi duy trì các mối quan hệ. Trong các buổi xã giao, tôi không phải là người đưa ra ý kiến. Tôi cứ như mất hết sự nhiệt huyết với mọi thứ vậy, nhưng lại không hoàn toàn muốn tách biệt với xã hội.

Trong những trường hợp cần phải an ủi hoặc chúc mừng, tôi vẫn sẽ là một sự tồn tại không hình không dạng. Có lẽ vì không giỏi giao tiếp và ngại bộc lộ tình cảm, tôi lúc nào cũng là một thái độ "chung chung", không hơn không kém.

Tôi thường ăn cơm ở một tiệm gần nhà. Ăn nhiều cũng thành quen, cô chủ thấy ngày nào tôi cũng tới tiệm lúc 7-8 giờ tối, đang lúc vắng khách, bèn đến nói chuyện hỏi han vài câu. Mấy lần sau cũng như thế, tôi đành không đến tiệm đó nữa, vì chỉ muốn ngồi ăn yên tĩnh một mình, không thích nói chuyện. Đến hiện tại, mỗi khi về nhà đi ngang qua tiệm, tôi đều cố gắng bước nhanh để khỏi gây chú ý.

Luôn giữ khoảng cách trong các mối quan hệ, cái giá mà tôi phải trả là mất đi 1 THỨ trân quý của cuộc đời - Ảnh 2.

Có lẽ bạn sẽ nói tôi "máu lạnh", là lạnh lùng. Nhưng cũng không hẳn vậy.

Vài ngày trước, đi ăn ở KFC, tôi đã mua hẳn một phần rất đắt (so với mức sống của tôi) cho hai mẹ con đi bán vé số. Trên đường đi làm, nhìn thấy cụ bà đang mang đồ nặng, tôi cũng chạy đến giúp. Thậm chí khi thấy mấy chú công nhân làm việc vất vả, mấy cô quét rác trong gió lạnh, tôi cũng thấy buồn và thương cảm, thấu hiểu sâu sắc sự khổ cực của mọi người vì cuộc sống chẳng hề dễ dàng. Cũng không phải hoàn toàn vô tâm, lạnh lùng nhỉ!

Đối với những người mắc chứng sợ xã hội mà nói, điều đáng ghét nhất ở họ chính là: Nếu bạn không liên lạc với tôi, thì bỗng chốc bạn sẽ phát hiện, tôi như thể đã bốc hơi khỏi thế gian. Sự im lặng và bị động khiến mối quan hệ dần bế tắc. Cái giá mà tôi phải trả là ít bạn bè, ít người tâm giao, nói chung là ít mối quan hệ có giá trị - thứ trân quý mà có lẽ ai cũng muốn sở hữu. Đi đi về về một mình, nhiều lúc cũng thấy buồn vì cô đơn.

Thật ra, tôi cũng đang tập cởi mở hơn, rèn luyện bản thân hòa đồng một chút. Không vì cố gắng để kết thân với mục đích nào đó, chỉ là muốn mình có thêm trải nghiệm cuộc đời, may mắn thì tìm được tri kỷ…

*Trên đây là bài chia sẻ trên nền tảng Zhihu của một nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi sống ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc)

Nguồn: Zhihu