Nàng dâu Hà Nội ăn Tết tại Đức: Chồng tất bật gói nem, mẹ chồng chủ động làm một việc cực truyền thống!

"Hai vợ chồng cùng con trai đi chợ châu Á, chọn những thứ cần cho mâm cỗ đón Tết Việt Nam như bánh chưng, vỏ nem, đậu xanh…", Vân Anh kể.

Tết có lẽ là một điều thật sự thiêng liêng trong lòng những người con xa quê. Với các cô gái Việt lấy chồng ngoại quốc, đôi khi chuyện thật sự ăn Tết ở xứ người sẽ rất khó khăn. Sự khác biệt về văn hoá, lối sống với gia đình chồng có thể khiến các nàng dâu Việt không có một cái Tết trọn vẹn.

Nàng dâu Hà Nội ăn Tết tại Đức: Chồng tất bật gói nem, mẹ chồng chủ động làm một việc cực truyền thống! - Ảnh 1.

Chàng rể Tây thích thú với Tết Việt

Vân Anh 29 tuổi, là một cô gái Việt Nam cưới chồng ngoại quốc. Chồng cô là Michael, 34 tuổi, người Đức. Hiện cặp đôi đang sinh sống và làm việc tại thành phố Karlsruhe, Đức.

Năm nay là năm thứ 10 Vân Anh không đón Tết ở Việt Nam. Gia đình lại có thêm thành viên mới nên cô quyết định làm một cái Tết có thật nhiều bản sắc Việt chào đón năm 2024.

"Mọi năm khi chưa có em bé, hai vợ chồng mình cũng ăn Tết nhưng theo kiểu đơn giản nhất. Mình nấu những món Việt Nam, có nem rán, bánh chưng rồi cùng ăn với nhau. Khi đó hai vợ chồng xin nghỉ việc, xem các chương trình Tết trên tivi. Đương nhiên mình cũng rất nhớ nhà, nhớ Việt Nam, nhớ cảm giác đi chợ hoa, ngửi mùi hương trầm. Năm nay vì mình đã có em bé Việt Anh nên bắt đầu nghĩ đến việc làm Tết thật chỉn chu, có đủ từ chuyện trang trí nhà cửa, mâm ngũ quả, nấu xôi, mua bánh chưng hay nấu những món ăn Việt", Vân Anh chia sẻ.

Nàng dâu Hà Nội ăn Tết tại Đức: Chồng tất bật gói nem, mẹ chồng chủ động làm một việc cực truyền thống! - Ảnh 2.

Vân Anh cùng con trai Việt Anh đón Tết 2024.

Michael - chồng Vân Anh là một người rất thích văn hoá Việt Nam. Thậm chí có những năm vì Vân Anh bận rộn, anh còn nhắc nhở phải cố gắng chuẩn bị mâm cỗ Tết vì đó là nét truyền thống lâu đời. Năm nay, khi vợ muốn chuẩn bị ăn Tết đúng nghĩa, Michael đồng ý ngay và còn cùng vợ lên kế hoạch chuẩn bị.

Cô chia sẻ: "Mình đã tìm mua vật dụng trang trí trước cả tháng để kịp chuyển đến. Ví dụ như chữ dán, giấy trên tường, hoa Tết hay những đồ treo nhỏ xinh với ngụ ý may mắn đầu năm… đều được lựa chọn và đặt mua sớm. Cả khăn trải bàn mình cũng đặc biệt tìm mua một chiếc chỉ để dành cho Tết. Đến việc nấu ăn, mình cũng nghiên cứu và chuẩn bị kỹ càng. Hai vợ chồng cùng con trai đi chợ châu Á, chọn những thứ cần cho mâm cỗ đón Tết Việt Nam như bánh chưng, vỏ nem, đậu xanh… Các loại này đều chỉ có ở chợ châu Á. Thú thật là vì những sự chuẩn bị tất bật này mà mình cũng phần nào cảm nhận lại được cảm xúc về Tết Việt Nam dù đang ở nước Đức xa xôi".

Cả gia đình cùng nhau mua sắm đón Tết.

Chồng Vân Anh không giỏi nấu nướng nhưng anh lại rất nhiệt tình trong việc giúp vợ dọn dẹp nhà cửa, trang trí đồ. Hơn nữa, có thể không tốt trong việc vào bếp nhưng Michael lại học được cách cuốn nem rất tốt và cực kỳ hào hứng, tất bật với nhiệm vụ này.

Cô chia sẻ thêm: "Chồng mình đặc biệt thích món bánh chưng và nem rán. Ngay lần đầu tiên mình làm cho anh món nem khi cả hai quen nhau là anh đã nghiện rồi. Sau đó anh học gói nem và đến bây giờ thì đã là một "tay cuốn nem" cực giàu kinh nghiệm, làm đẹp như người Việt Nam vẫn làm.

Về bánh chưng thì nhiều khi mình chưa kịp chụp ảnh anh đã bóc ra để ăn vì thèm quá. Michael còn bảo rằng sau này con lớn thì cả nhà sẽ cùng nhau quây quần làm bánh chưng, chuẩn bị những cái Tết đủ đầy và đậm đà bản sắc Việt hơn nữa. Dù mình lấy chồng Đức, sinh sống tại đây nhưng chồng mình luôn luôn nói vợ phải dạy cho con nhiều thứ về quê hương của mẹ. Đón Tết thế nào, Tết có những gì sẽ là bài học đầu tiên mà con được học về quê hương Việt Nam".

Chồng Vân Anh làm món nem rán cực khéo.

Mẹ chồng chủ động mặc áo dài để cùng đón Tết

Gia đình chồng Vân Anh cũng rất hứng thú với ngày Tết truyền thống. Mẹ chồng Vân Anh đã từng tìm hiểu về ngày này, xem tivi và xem những điều thú vị trong việc chuẩn bị Tết của người Việt Nam. Ở Đức, Noel là ngày lễ lớn nhất bởi vậy khi biết Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt, mẹ chồng cô đã rất để ý tìm hiểu.

"Năm nay vợ chồng mình đã mời mẹ chồng sang ăn Tết cùng. Lúc mời mình cũng không có nhắn nhủ hay dặn dò gì nhưng hôm sang, mẹ đã chủ động mặc một chiếc áo dài. Nét "rất truyền thống Việt Nam" này khiến mình bất ngờ vô cùng. Không chỉ như thế, dù mẹ chồng theo đạo Thiên Chúa nhưng lúc mình cúng Tết bà cũng đến cúng bái trước mâm cỗ một cách rất thành tâm và thành kính. Còn trước đó, cũng có năm bà sang nhà mình để cùng cuốn nem, giúp con làm cỗ Tết", Vân Anh chia sẻ thêm.

Nàng dâu Hà Nội ăn Tết tại Đức: Chồng tất bật gói nem, mẹ chồng chủ động làm một việc cực truyền thống! - Ảnh 5.

Cùng gia đình chồng quây quần bên mâm cỗ Tết.

Xa quê lâu năm, Vân Anh rất nhớ những khoảnh khắc sum vầy họp mặt của gia đình, họ hàng và bạn bè vào mỗi dịp năm mới. Cũng có những món ăn đặc trưng quê hương mà cô thèm chứ không thể mua được nguyên liệu mà nấu lại. Hơn nữa, nếu mua được món ăn đó mà không được ăn trong không khí se lạnh của tiết trời Hà Nội, thoang thoảng mùi hương trầm xung quanh thì cảm giác về Tết cũng chưa được trọn vẹn, đủ đầy.

"Nhiều lúc mình hay kể với chồng rằng nếu về ăn Tết sẽ đi thăm người này người kia, họ hàng đến nhà rồi chúc nhau điều tốt đẹp. Ngoài ra, chuẩn bị cho Tết còn có việc cúng ông Công ông Táo, thả cá chép ra sông… Những việc đó mình đều kể cho chồng và rất muốn thực hiện nó giống nhất có thể tại Đức", cô cho hay.

Nàng dâu Hà Nội ăn Tết tại Đức: Chồng tất bật gói nem, mẹ chồng chủ động làm một việc cực truyền thống! - Ảnh 6.

Cỗ Tết Việt trên đất Đức.

Cũng theo cô gái Hà Nội này thì sau khi có con, cô lại càng chú trọng về những ngày lễ truyền thống của quê hương hơn nữa. Con trai cô sinh ra ở Đức nhưng mang một nửa dòng máu Việt. Bởi vậy Vân Anh rất mong chờ sớm được đồng hành cùng con trong việc chuẩn bị và thực hiện các ngày lễ trong năm như ở Việt Nam. Không chỉ Tết Nguyên Đán mà còn có Tết thiếu nhi, Tết Trung Thu… Việc cùng nhau mua sắm, trang trí nhà cửa, thờ cúng hay ăn những món truyền thống vào các ngày lễ sẽ giúp các con hiểu thêm về văn hoá của quê hương mẹ.

"Mình xa quê 10 năm, lỡ 10 cái Tết Việt rồi. Gia đình mình cũng đang ấp ủ kế hoạch về quê ăn Tết, có thể là năm sau sẽ thực hiện. Khi đó thì không chỉ đón Tết Hà Nội, gặp mặt họ hàng và bạn bè mà bọn mình còn có thể đi Đà Lạt, Sa Đéc hay Măng Đen… để ngắm mùa hoa Việt Nam đẹp nhất", Vân Anh tiết lộ thêm.

Nàng dâu Hà Nội ăn Tết tại Đức: Chồng tất bật gói nem, mẹ chồng chủ động làm một việc cực truyền thống! - Ảnh 7.

Vân Anh vẫn mong mỏi một ngày cùng gia đình chồng đón Tết Việt cùng bố mẹ mình ở Việt Nam.

Đúng là dù có đi đâu xa, những người con Việt Nam vẫn luôn biết cách đón Tết sao cho ý nghĩa và đậm đà bản sắc nhất.

Chúc mừng năm mới và chúc cho gia đình Vân Anh có một cái Tết bình an, hạnh phúc!