“Đàn ông Việt vô tri - vẫn thương vợ yêu vợ nhưng thực ra không hề galant, như một thói quen ăn gì cũng chê ai nấu cũng chê, không mở cửa xe, không xách đồ hộ, nói gì cũng quên. Không phải kiểu người tệ, nhưng khi xét tiêu chí galant tự nhiên thấy họ không được điểm nào”.
Không cần phải ngẫm nghĩ nhiều, tôi thấy nó đúng ngay. Bởi vì ba tôi chưa từng là một người đàn ông galant. Ba với mẹ cứ suốt ngày hằm hè nhau như kiểu hồi xưa ai ép cưới không bằng. Ba nổi cọc vì mẹ hay dọn đồ của ba đi nơi khác khiến ba tưởng nó mất rồi, tỉnh bơ bỏ đi nhậu khi mẹ vừa kho xong nồi cá sông ba thích, khen lấy khen để mấy cô chẳng biết là ai trên TV xinh mà chẳng biết bữa đó mẹ diện chiếc áo mới con mua tặng hay vừa nhuộm lại mấy cọng tóc bạc ở mang tai…
Ba không galant với mẹ nhưng lại rất chiều con gái, điều đó làm cho đôi lúc tôi lung lay: Hay ba mình cũng từng là một người đàn ông tinh tế, lãng mạn? Đến một giai đoạn nào đó trong cuộc hôn nhân, nó tự nhiên biến mất. Đó là lúc nào thì chịu.
Cái vỏ xù xì của ba chỉ được lột xuống, để lộ ra tình thương, qua những biến cố thử thách chà ai dám trông chờ, như kiểu tai nạn nọ kia cần người chăm sóc, nhập viện cần thăm nuôi, quán xuyến công việc trong ngoài những ngày không có mẹ.
Thôi nói về ba tôi, nói về những người đàn ông của tôi đi!
Tôi từng hẹn hò với nhiều kiểu người. Có kiểu giàu sụ, công tử bóng bẩy đồ đó. Nửa đêm ở lại nhà tôi, anh ra bỗng đòi ăn mì. Tôi nấu. Khi ngồi xuống chuẩn bị ăn, ảnh hỏi: Sao em không lấy bát đũa cho anh? Tôi không trả lời và đó là câu hỏi cuối cùng của anh ta lọt vào tai tôi.
Cũng có một kiểu đàn ông thế này. Anh ta là bậc thầy ông tổ galant. Nhiều khi anh khiến tôi nghĩ hay anh đồng giới với mình vì… anh hiểu mình quá!
Ví như có lúc tôi mua sắm online, tiện tay gửi ảnh, tôi hỏi: Anh thấy chiếc váy này xinh không? Ảnh cực kỳ nghiêm túc cho nhận xét: xinh nhỉ? Nhưng anh sợ nó dài đó, đi thử không? Rồi anh chở tôi đi xem chiếc váy đó thật. Thử xong, anh cũng kiểu rất tâm đắc: Ơ xinh nhỉ, em mặc hợp á, anh mua cho nhé.
Chưa hết!
Người đàn ông đó chở tôi đến một cửa hàng khác, phải đứng ngoài đường chờ vì quá đông nhưng vẫn kiểu dõi theo tôi. Vừa thấy tôi bước ra, xăng xái hỏi: Em có mua được gì không? Nãy anh thấy em lấy bộ hồng nhìn xinh á, thử có vừa không?
Kết cục, chúng tôi chia tay, lý do không tiện kể. Sao nhỉ? Có những người đủ galant, đủ hoàn hảo, đủ để tâm tới bạn nhưng rốt cuộc không là của bạn.
Tôi thấy đàn ông đa dạng lắm!
Có những người như ba tôi hay anh trai đòi bát ăn mì, thì vẫn có các cụ 70, 80 tuổi không một ngày nào quên mất sự galant. Những ông chú, ông bác mặc kệ chân giãn tĩnh mạch vẫn ròng rã nghiêng xe đến gần chạm đất cho vợ khệnh khạng bước xuống, bóc tôm xé thịt từ bữa cơm cho tới tiệc tùng còn nhuần nhuyễn hơn các cháu bây giờ vẫn nhiều lắm.
Câu chuyện về người bố galant của đứa nhân viên do chính nó kể cho tôi nghe còn làm tôi cảm động suýt muốn có chồng.
Ông già có sui gia rồi vẫn để ý vợ từng li từng tí. Bố nó luôn chủ động nạp tiền điện thoại cho vợ, không cần nhắc không cần nhờ, ròng rã suốt bao nhiêu năm đấy. Mẹ nó chỉ việc nghe gọi, không quan tâm đến thứ gì khác. Có hôm, mẹ nó đi đại hội đại biểu gì đó, bố nó âm thầm đi sắm luôn sợi dây chuyền vàng cho mẹ đeo đi cho oách. Mẹ đi chợ, bố luôn lấy sẵn nón bảo hiểm treo cổ xe. Đi chơi bóng chuyền, mẹ quên dép chỗ sân vận động thế là đến tối bố tình cảm đèo vợ lên lấy về, chẳng cằn nhằn một câu. Đừng nghĩ họ cặp vợ chồng hưu trí thị thành gì gì nhé, họ sống ở nông thôn, nơi mà ai cũng nghĩ sự galant hay quan tâm nhau giữa các cặp vợ già là thứ gì đó hiếm xảy ra.
Rõ ràng, tuổi tác không hề chi phối sự galant, nhận thức quyết định nhiều hơn. Nhận thức đó hình thành càng trẻ thì người phụnữ ở bên cạnh càng hạnh phúc.
Có lần, tôi đem thắc mắc của mình về sự galant hỏi một người anh đồng nghiệp đã có gia đình: Đàn ông galant với vợ là dấu hiệu cho thấy họ yêu vợ nhiều hơn những người không thể hiện điều đó?
Người đó trả lời thế này:
“Theo anh, yêu thương là một trạng thái tâm lý. Còn galant nó là thể hiện bề ngoài. Galant ít hay galant nhiều cũng không liên quan gì đến yêu thương ít hay yêu thương nhiều, tùy vào cách diễn đạt ngôn ngữ yêu của mỗi anh chồng thôi.
Anh có một đứa em đồng nghiệp, nó là kiểu đàn ông chắc là chưa đạt tiêu chuẩn galant trong mắt phụ nữ đâu; nhưng hội đàn ông bọn anh rất nể nó ở chỗ từ chối đi nhậu, cafe với bạn bè để đi siêu thị với vợ, con. Đa phần thời gian cuối tuần của nó là ở nhà dạy cho con học. Nó chấp nhận làm luôn cả giờ nghỉ trưa để được tan làm sớm đi đón con nếu ông bà bận, tắm con… Bọn anh vẫn nửa thật nửa đùa bảo: “Thằng Sơn nó là kiểu đàn ông có đốt đuốc đi tìm cũng khó thấy”.
Đồng ý là Sơn làm những việc đấy trước nhất vì thương con, nhiêu đó chưa đủ để nói là thương vợ nhưng cũng thấy được tấm lòng vun vén gia đình của nó”.
Nghe đến đây, tôi hỏi tiếp: Nếu galant không liên quan đến mức độ yêu thương vậy có thể ôm hy vọng những người đàn ông đang chẳng có tí galant nào vẫn có thể là những tượng đài yêu vợ thương con trong tương lai không?
Anh đáp như một chuyên gia tâm lý:
“Nếu tôn vinh đàn ông theo kiểu ấy là em dễ chấp nhận giá trị thấp để làm hư đàn ông bọn anh. Bọn anh vốn đã không hề được rèn dạy về sự galant khi còn nhỏ, toàn lớn lên vì sĩ diện mà tự thể hiện. Tức là mất hẳn đi cái gốc, chỉ có phần ngọn nên rất hay… quên bài. Hoặc to tát hơn nữa là yêu thương mà chẳng biết cách thể hiện.
Hễ là đàn ông, thì ai cũng có cái máu galant. Chỉ là nó có thể hiện với em hay không hay em có đủ tinh tế để khơi lên cái sự đàn ông ấy của nó hay không.
Có một sự thật, sau khi kết hôn phần lớn sẽ dần xao nhãng việc thể hiện và cho rằng đó là những thứ màu mè không cần thiết sau khi kết hôn. Nhưng nếu phụ nữ các em bớt ỉm im rồi giận hờn trách móc, thay vào đó biết cách nhõng nhẽo chút xíu: Anh ơi, anh em bóc hộ em con tôm này đi, cái túi xách sao hôm nay nặng quá, anh ơi, mở cửa hộ em… thì bọn anh chắc chắn sẽ hoá anh hùng liền, không ai từ chối đâu. Em từng nghe qua câu 'phụ nữ càng biết đòi hỏi, đàn ông càng biết chiều chuộng' chưa?”.
Tôi thầm nghĩ bụng: Sao mình cũng biết đòi nhiều thứ mà bồ mình vẫn chưa biết chiều nhỉ????