Khi nhắc đến nghề tiếp viên hàng không, nhiều người thường nghĩ đến lối sống hào nhoáng mà công việc này mang lại. Mức lương hấp dẫn, cơ hội đi du lịch ngay trong khi làm việc cùng nhiều ưu đãi khác. Song ở mặt khác, tiếp viên hàng không đối mặt với không ít vấn đề như những trận bạo lực hay hàng nghìn chuyến bay bị huỷ bỏ vì đại dịch.
Susannah Carr, 31 tuổi, đã theo nghề này từ năm 2015. Trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, Susannah Carr đã chuyển sang làm nhà tư vấn cho cô dâu. Năm 2021, cô quyết định quay trở lại với công việc phục vụ trên bầu trời.
Tuy nhiên, Carr thừa nhận rằng cô cảm thấy lo lắng khi trở lại nghề vì cô đã chứng kiến không ít đồng nghiệp của mình bị khách đối xử tồi tệ.
Dẫu vậy, các hãng hàng không vẫn nhận được hàng nghìn lượt đăng ký ứng tuyển mỗi khi có đợt tuyển dụng.
Công việc có nhiều sức hút
Nhiều tiếp viên hàng không nói rằng công việc này giúp họ gặp gỡ được nhiều người. Đáng chú ý, không phải ngày làm việc nào cũng giống nhau. Thêm vào đó, việc được đến những địa điểm mới, dù trong thời gian ngắn, cũng là điểm cộng của nghề này.
Carr cho biết một khi tiếp viên hàng không đạt thâm niên, họ sẽ "mở khoá" được một số đặc quyền nhất định. Họ có thể tăng thời gian bay để kiếm thêm hoặc làm việc ít giờ hơn để nghỉ ngơi. Ngoài ra, họ còn có tiếng nói hơn trong việc chọn thời gian và địa điểm bay tới.
Các tiếp viên hàng không thường có thể bay miễn phí, ngay cả khi họ không làm việc. Tuy nhiên đặc quyền này phụ thuộc vào tình trạng chỗ ngồi.
Sara Nelson, chủ tịch quốc tế của AFA, cho biết công việc này đang trao quyền cho nhân viên. "Khi bạn lên đó, đó là máy bay của bạn. Bạn phải tự thiếp lập không khí làm việc và không có người quản lý đứng ngay bên cạnh bạn. Bạn đang mặc bộ đồng phục thể hiện sự lãnh đạo".
Không hào nhoáng như mọi người thường nghĩ
Cục Thống kê Lao động Mỹ cho biết mức lương trung bình của tiếp viên hàng không vào giữa năm 2021 là 61.640 USD/năm. Nhóm 10% người lương thấp nhất kiếm được 37.020 USD/năm. Trong khi đó, 10% cao nhất là 81.400 USD/năm.
Dù vậy, cây viết của Washington Post vẫn đánh giá đây là mức lương khởi điểm thấp. Đặc biệt, con số này còn thấp hơn nữa tại các nhà cung cấp dịch vụ trong khu vực. Các tiếp viên hàng không mới vào nghề có rất ít quyền kiểm soát lịch trình của họ.
"Rất nhiều người mới vào nghề và nghĩ rằng mọi thứ sẽ thật tuyệt. Họ bị sốc văn hoá và nhận thấy rằng họ không có cuộc sống riêng", Nas Lewis - cựu tiếp viên 9 năm kinh nghiệm - cho biết.
Trong năm đầu làm việc, tiếp viên tân binh có thể gặp khó khăn khi cố gắng thích nghi với yêu cầu thể chất, không khí có áp suất và đối phó với các bệnh lý như bệnh tai trong, hô hấp hay say máy bay.
"Mọi người đều ốm trong năm đầu đi làm", Sara Nelson nói. Ngay cả những người dày dặn kinh nghiệm, họ vẫn có những khó khăn riêng. Ảnh: AirlineCareer.
Hàng nghìn tiếp viên hàng không, bao gồm cả Carr, đã đình công để yêu cầu hãng hàng không giải quyết vấn đề gián đoạn hoạt động. Carr cho biết tình trạng thiết hụt nhân sự khiến một số tiếp viên phải đợi hàng giờ để có chỗ ngủ, cắt giảm giờ nghỉ ngơi giữa các ca làm.
Abbie Unger, cựu tiếp viên hàng không có 5 năm kinh nghiệm, đã ngừng bay khi cô có con đầu lòng. Cô luôn trải qua cảm giác hồi hộp khi khoác lên mình bộ đồng phục và thực hiện công việc. Song công việc của cô cũng bao gồm dọn dẹp bãi nôn của hành khách.
Ngoài ra, tiếp viên hàng không còn có thể đối mặt với nỗi cô đơn khi liên tục làm việc xa gia đình và bạn bè. Nas Lewis, người thành lập tổ chức vì sức khoẻ tâm thần của cộng đồng tiếp viên hàng không Thairapy, cho biết nhiều nhân viên đã gửi tin ấn danh phàn nàn về vấn đề này. Họ còn nói về tình trạng kiệt sức, làm việc không đều và trầm cảm.
Bên cạnh những thực tế đó, Lewis vẫn yêu công việc tiếp viên hàng không. "Chúng tôi yêu những địa điểm mà chúng tôi bay đến và sự linh hoạt của nghề".
Tiếp viên hàng không có thể đối mặt với sự cô đơn do thường xuyên làm việc xa người thân. Ảnh: Reader's Digest.
Một trong những nghề được thèm muốn
Theo cuộc điều tra dân số năm 2019 do Hiệp hội Tiếp viên Hàng không Mỹ (AFA-CWA) thực hiện, 45% thành viên công đoàn có ít nhất một bằng đại học. Nhưng các hãng hàng không chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp cấp 3 hoặc tương đương.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không cho biết họ nhận được rất nhiều sự quan tâm mỗi khi có đợt ứng tuyển. Thậm chí, việc trở thành tiếp viên của hãng Delta Air Lines còn khó hơn là vào Đại học Harvard - nơi có tỷ lệ trúng tuyển năm nay là khoảng 3,2%.
Hãng Delta còn cho ra chương trình đào tạo tiếp viên hàng không, gọi đây là "một trong những công việc được thèm muốn nhất trên thế giới". Hãng dự kiến sẽ tốt nghiệp gần 4.300 tiếp viên hàng không - con số lịch sử - trong khoảng thời gian quý 3 năm ngoái đến cuối năm nay. Năm sau, hãng dự kiến tốt nghiệp 4.000-6.000 tiếp viên hàng không.
Hay hãng Southwest Airlines cho biết họ đã tuyển dụng và đào tạo hơn 3.000 tiếp viên hàng không trong năm nay. Con số kỷ lục này nâng tổng số lượng tại hãng lên hơn 18.500 người, nhiều hơn số nhân viên trước khi đại dịch bắt đầu.
"Công việc này vẫn rất cạnh tranh dù trình độ cơ bản khá thấp", Unger nói.