Giá xăng dầu, nguyên liệu tăng cao cùng với sự tắc nghẽn chuỗi cung ứng đã khiến giá cả hàng hóa tiêu dùng tăng với tốc độ nhanh kỷ lục trong những tháng vừa qua. Điều này đang gia tăng áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng ở các quốc gia trên thế giới. Trong đó, người trẻ là các sinh viên hoặc người mới đi làm, chưa có nhiều tài sản tích lũy là một trong những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Thế hệ trẻ Hàn Quốc vay nợ nhiều hơn, thu nhập thấp hơn các thế hệ trước
Đầu tháng này, Chính phủ Hàn Quốc ghi nhận giá tiêu dùng trong tháng 6 tăng nhanh nhất trong gần 24 năm. Đáng chú ý, đây cũng là tháng thứ 15 liên tiếp giá tiêu dùng ở Hàn Quốc tăng cao hơn mức mục tiêu. Chi phí ăn uống tại nhà hàng cũng ở mức cao nhất trong gần 30 năm. Chi phí này là yếu tố hàng đầu khiến người trẻ "đau ví".
Tình trạng càng tồi tệ hơn khi nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc cho thấy, giới trẻ nước này có xu hướng vay nợ nhiều hơn và kiếm được ít tiền hơn thế hệ trước. Báo cáo chỉ ra rằng Gen Z (lứa tuổi sinh từ năm 1995 đến 2012) nằm trong nhóm "dễ bị tổn thương" tài chính nhất do các diễn biến tiêu cực của kinh tế hiện nay.
"Thử thách không chi tiêu" của giới trẻ Hàn Quốc
Với xu hướng lạm phát tiếp tục cao, gần đây trong giới trẻ Hàn Quốc đang nổi lên một thử thách có tên gọi là "Thử thách không chi tiêu". Người tham gia sẽ cố gắng trải qua một khoảng thời gian cố định mà không chi bất cứ một khoản tiền nào. Vậy thử thách này có thật sự giúp họ tiết kiệm qua thời kỳ bão giá này hay không?
Mạng xã hội Hàn Quốc những ngày gần đây đang bị thu hút bởi đoạn video quay lại cảnh cô gái ngoài 30 tuổi không đi ăn hàng trong 1 tuần và chỉ nấu những bữa ăn với những nguyên liệu có sẵn trong tủ lạnh. "Thử thách không chi tiêu" đang lan rộng trong giới trẻ và họ buộc phải đạt mục tiêu không chi bất cứ đồng nào trong một khoảng thời gian nhất định hàng tháng và chứng nhận điều đó thông qua các bài đăng hoặc video.
Ví dụ, một cô gái sẽ nấu cơm mang đi làm, di chuyển bằng xe bus thay vì taxi, uống trà nhúng miễn phí ở công ty và mua cà phê bằng phiếu khuyến mại. Tổng cộng 1 tuần cô ấy sẽ tiết kiệm được gần 120.000 Won, khoảng 2 triệu đồng tiền Việt.
Theo khảo sát của kênh truyền hình MBS của Hàn Quốc, những người tham gia "Thử thách không chi tiêu" còn lách luật chơi bằng cách bán những đồ cũ không dùng đến để kiếm một khoản thu nhập bù vào số tiền đã chi ra. Một số người có thể dùng số tiền thu được này để chi tiêu tiết kiệm cho nhu cầu ăn uống cơ bản.
"Thay vì đến nhà hàng để ăn trưa thì tôi đi đến các cửa hàng tiện lợi. Ở đây cũng có nhiều món và hơn hết là giá rẻ", anh Park Jung-Woo, nhân viên văn phòng, Seoul, chia sẻ.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thế hệ trẻ Hàn Quốc không có nhiều tài sản tích lũy, lại ưu thích đầu tư vào những lĩnh vực mạo hiểm như cổ phiếu đầu cơ và tiền kỹ thuật số. Khi thị trường bất lợi, hầu bao của họ rất eo hẹp và sẽ phải chật vật đương đầu với cơn bão giá đang diễn ra này.
Giới trẻ Việt ở Nhật Bản thích ứng thời bão giá
Nhật Bản cũng không nằm ngoài cơn bão giá toàn cầu. Mặc dù ở Nhật, chi phí tiêu dùng tăng là điều gì đó tương đối lạ lẫm, bởi người dân đã quen với giá cả ổn định trong thời gian dài.
Món bánh Umaibo vẫn được gọi vui là món ăn vặt quốc dân ở Nhật Bản. Loại bánh này ra đời năm 1979, được bán với giá 10 Yen. Đến năm 2022, trải qua 43 năm, bánh Umaibo không tăng giá. Tuy nhiên kể từ tháng 6 vừa qua, món bánh được ưa thích đã tăng giá 20%, lên 12 Yen. Đây là ví dụ điển hình cho thấy giá cả tiêu dùng ở Nhật Bản ổn định như thế nào.
Lạm phát và khó khăn cung ứng đã khiến hơn 10.000 mặt hàng thực phẩm ở Nhật Bản tăng giá trung bình 13% trong năm nay. BBC mô tả những thông tin này khiến người dân Nhật Bản bị sốc.
Bão giá cũng khiến cuộc sống của người Việt Nam tại Nhật Bản gặp rất nhiều xáo trộn. Họ phải đối mặt khó khăn kép từ chi phí sinh hoạt tăng và tỷ giá đồng Yen giảm mạnh. Người lao động Việt Nam được trả bằng Yen Nhật và sẽ đổi tiền Yên sang tiền Việt để chuyển về nước. Yen Nhật giảm giá khiến lượng tiền Đồng chuyển về cho gia đình được ít hơn. Cái khó khiến họ phải tìm nhiều nhiều cách để xoay xở.
Anh Thư đã sinh sống và làm việc tại Nhật Bản trong gần 4 năm. Những ngày này, anh cảm nhận rõ áp lực từ việc giá các loại thực phẩm cho dù là hàng tươi hay đã chế biến đóng gói mang đi đều tăng đáng kể. Anh phải cân đo đong đếm nhiều hơn cho các bữa ăn hàng ngày.
"Năm trước, chi tiêu 1 tuần của em là 5.000 Yen, nhưng hiện tại giá hàng hóa tăng cao, nên cũng với 5.000 Yen như trước, em mua được ít đồ hơn. Chi phí sinh hoạt 1 tuần của em phải bỏ ra nhiều hơn so với trước", anh Phạm Đức Thư, người Việt Nam tại tỉnh Ibaraki, Nhật Bản, chia sẻ.
Đối mặt tình huống khó khăn về tài chính, nhiều người Việt trẻ ở nước ngoài đang áp dụng linh hoạt câu tục ngữ dân gian: "Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm".
"Vật giá tăng khá là nhiều, trong khi lương của em thì vẫn chưa được điều chỉnh. Thế nên là mọi chi phí em phải chắt chiu rất là nhiều, phải cân đo đong đếm lại", anh Vi Ngọc Anh, nhân viên văn phòng, Tokyo, Nhật Bản, cho biết..
"Tình hình vật giá càng ngày càng cao ở bên Nhật, cuộc sống của em rất khó khăn. Bây giờ những cuộc gặp gỡ bạn bè hay giao lưu với mọi người thì bọn em đều phải hạn chế để tiết kiệm tiền ăn và tiền chi tiêu nhà cửa bên Nhật", anh Nguyễn Quang Hiệp, nhân viên văn phòng tại Tokyo, Nhật Bản, cho hay.
Tỷ giá đồng Yen giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 20 năm có nhiều tác động bất lợi đến người lao động Việt. Nhìn chung mọi người đều có tâm lý chờ đợi đồng Yen tăng giá thì mới gửi tiền về nhà.
"Đồng Yen đang thấp quá nên mình cũng chưa gửi tiền về, khi nào Yen tăng lên thì mình sẽ gửi", chị Trần Uyên Phương, nhân viên tư vấn tuyển dụng nhân sự, Tokyo, Nhật Bản, nói.
"Trong thời điểm đồng Yen đang thấp như thế này, mình nghĩ đây là thời điểm tốt để các bạn đầu tư vào Yen, mình sẽ gom Yen lại, không gửi về vội. Đợi khi Yen tăng giá trở lại sẽ có lợi hơn", chị Đoàn Thu Quỳnh, Nhà đồng sáng lập Công ty Estate Plus, cho biết.
Mẹo quản lý chi tiêu để vượt qua thời bão giá
Để giảm bớt gánh nặng chi tiêu, chính phủ Nhật Bản đã công bố gói gói cứu trợ trị giá tới 48 tỷ USD. Trong đó khoảng 1/5 là trợ cấp tiền mặt cho những người bị ảnh hưởng nặng nề từ tình trạng giá cả tăng vọt. Mỗi gia đình thu nhập thấp có con nhỏ sẽ được nhận 360 USD, tương đương khoảng 8,4 triệu đồng.
Chính phủ Hàn Quốc cũng đang nỗ lực kiềm chế tác động tiêu cực của lạm phát. Bộ Tài chính nước này sẽ dỡ bỏ thuế nhập khẩu đối với 7 loại nguyên liệu chính trong chế biến thực phẩm như: dầu ăn, thịt lợn và bột mì. Dự kiến nhiều mặt hàng có thể giảm giá tới 20% nhờ chính sách này.
Với xu hướng lạm phát tiếp tục cao, gần đây trong giới trẻ Hàn Quốc đang nổi lên một thử thách có tên gọi là "Thử thách không chi tiêu". (Ảnh minh họa - Ảnh: Getty Images)
Trong thời điểm áp lực chi tiêu đè nặng, người Nhật Bản thường dùng 1 từ là Kakeibo trong quản lý tài chính, chi tiêu cá nhân. Bí kíp này có thể giúp bạn tiết kiệm tới 35% số tiền kiếm được hàng tháng.
Kakeibo là sổ tài khoản hộ gia đình, ghi chép thu nhập và chi phí sinh hoạt. Nó sẽ theo dõi số tiền bạn kiếm được và chi ra chênh nhau bao nhiêu một cách chi tiết. Để mục tiêu cuối cùng là tăng khoản tiền tiết kiệm của bạn.
Kakeibo dựa trên 4 câu hỏi: Bạn có bao nhiêu tiền?, Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?, Bạn cần chi các khoản thiết yếu bao nhiêu?, Khoản chi nào không thật sự cần thiết có thể cắt giảm?. Càng chi tiết bao nhiêu, bạn càng làm chủ nguồn thu nhập của mình bấy nhiêu, qua đó giúp bạn trẻ không bị bội chi và giữ lại được nhiều tiền cho các hoạt động thiết thực hơn.
Ngoài ra có một nguyên tắc chi tiêu khác rất hữu dụng và dễ nhớ mà các bạn trẻ có thể tham khảo, đó là nguyên tắc 50 - 30 - 20. Trong đó 50% thu nhập mỗi tháng sẽ dành cho nhu cầu thiết yếu, 30% chi tiêu cho các mong muốn của bản thân và 20% phải dành cho tiết kiệm. Chi tiêu thông minh rất quan trọng để đảm bảo sự ổn định tài chính, đặc biệt trong thời điểm giá cả leo thang.