Giáo sư Haldane (71 tuổi) là nhà khoa học người Anh. Ông nhận bằng tiến sĩ tại trường Đại học Cambridge và chọn làm việc tại Đại học Princeton (Mỹ) từ năm 1990. Ông được biết đến với nhiều đóng góp cơ bản cho vật lý, vật chất cô đặc bao gồm lý thuyết về chất lỏng Luttinger, lý thuyết về chuỗi spin một chiều, lý thuyết về hiệu ứng hội trường lượng tử phân đoạn.
Ông là một trong ba nhà khoa học nhận giải thưởng Nobel Vật lý 2016 cho "những phát hiện lý thuyết về những biến đổi trạng thái topo và các trạng thái topo học của vật chất". Bộ ba nhà khoa học khám phá ra những bí ẩn của "vật chất lạ". Công trình tiên phong của họ mở ra cánh cửa vào một thế giới chưa được biết đến, nơi vật chất có thể có những trạng thái mới và khác thường. Họ đã sử dụng những biện pháp toán học tiên tiến để nghiên cứu các trạng thái vật chất khác thường như siêu dẫn, siêu lỏng hoặc những màng từ mỏng. Nghiên cứu được kỳ vọng ứng dụng trong tương lai ở cả ngành khoa học vật liệu và điện tử học.
GS Ducan Haldane (phải) và người thầy có sức ảnh hưởng trong sự nghiệp nghiên cứu của ông - nhà Nobel Vật lý 1977 Philip Anderson. Ảnh:Princeton University
TS Trần Thanh Sơn, Phó giám đốc Trung tâm ICISE, cho biết, ngoài GS Ducan Haldane, hội nghị còn quy tụ các nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực vật liệu lượng tử. GS Đàm Thanh Sơn Huy chương Dirac 2018 đến từ Đại học Chicago (Mỹ) cũng tham dự sự kiện.
Ông sẽ cùng với các chuyên gia trình bày báo cáo khoa học, thảo luận các khía cạnh lý thuyết và thực nghiệm của vật liệu lượng tử. Ông còn có bài giảng đại chúng về các tính chất tô pô của vật liệu tại Quy Nhơn và Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH), với chủ đề "Vật chất lượng tử tô-pô, vướng víu lượng tử, và cuộc cách mạng lượng tử lần hai".
Hội nghị nêu bật những phát triển gần đây trong nghiên cứu các tính chất cân bằng và không cân bằng của các vật liệu lượng tử mới như: trạng thái tô-pô của vật chất, hệ hai lớp xoắn, vật liệu từ tính, dichalcogenide kim loại chuyển tiếp, chất siêu dẫn, và các hiện tượng lượng tử trong hệ trung mô. Các khía cạnh liên quan đến công nghệ của những chủ đề này cũng sẽ được chia sẻ.
Theo TS Trần Thanh Sơn, hội nghị là nơi tạo cơ hội kết nối những người nghiên cứu trẻ với các nhà khoa học dày dạn kinh nghiệm trên thế giới. Tại đây sẽ có sự giao lưu văn hóa giữa các nhà khoa học gốc Á (đặc biệt là Việt Nam) và trên thế giới, từ đó tạo khả năng hợp tác, phát triển các kết quả nghiên cứu về vật lý mới có tác động và thúc đẩy lĩnh vực vật liệu lượng tử.
Đây là lần thứ 18 chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" được Hội Khoa học Gặp gỡ Việt Nam thực hiện. Hội do GS Trần Thanh Vân sáng lập năm 1993 với mong muốn hỗ trợ quê hương trong lĩnh vực khoa học và giáo dục. Chương trình "Gặp gỡ Việt Nam" trở thành điểm gặp gỡ và giao lưu khoa học, thu hút hàng trăm nhà khoa học danh tiếng trên thế giới đến bàn luận về các nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực vật lý hạt, thiên văn và nano, trong đó đã có 16 lượt nhà khoa học từng được giải Nobel.