Nhân viên tắt điện thoại sau giờ làm bị sếp sa thải, vài tháng sau công ty phải tạm đóng cửa vì 1 lý do

Vì lỡ “đánh mất” nhân sự cứng của công ty, ông chủ Trung Quốc liên tục gặp phải rắc rối trong việc điều hành và quản lý nhà máy.

*Dưới đây là bài chia sẻ của tác giả Lưu Quân, được đăng trên trang 163.com (Trung Quốc).

Tôi 31 tuổi, hiện mới nghỉ công việc đã gắn bó suốt 5 năm và đang tìm kiếm một môi trường làm việc mới. Chỗ làm cũ của tôi là một nhà máy sản xuất nhỏ ở Thâm Quyến. Tại đây, tôi cùng người đồng nghiệp là anh Lý chịu trách nhiệm sửa chữa, bảo trì hệ thống máy móc của nhà máy. Vì có tay nghề cao hơn nên anh Lý thường đảm nhận xử lý những “ca” phức tạp hơn.

Vào một ngày cuối tháng 7 năm nay, anh Lý vừa đến công ty thì được ông chủ gọi vào văn phòng hỏi chuyện. Cụ thể vào 17h40 hôm trước, sếp tôi có gọi điện cho anh Lý vì có việc gấp cần xử lý. Tuy nhiên, sau khi tan làm vào lúc 17h30, anh ấy đã tắt điện thoại nên không nhận được cuộc gọi trên.

Lúc đó, thiết bị điều khiển chính của nhà máy gặp trục trặc khiến toàn bộ hệ thống máy móc phải ngừng sản xuất. Phần việc này chỉ anh Lý mới có thể khắc phục. Tuy nhiên vì không liên lạc được với anh nên việc sản xuất của nhà máy đã bị trì trệ trong suốt một đêm, gây tổn thất khá lớn.

Cũng vì việc này mà ông chủ của chúng tôi đã rất tức giận, yêu cầu cắt thưởng và trừ lương của anh Lý trong tháng sau để làm gương cho toàn bộ nhân viên. Không những thế, ông chủ còn cảnh cáo anh Lý rằng sẽ đuổi việc nếu còn có thái độ vô trách nhiệm như vậy.

Nhân viên tắt điện thoại sau giờ làm bị sếp sa thải, vài tháng sau công ty phải tạm đóng cửa vì 1 lý do - Ảnh 1.

Ảnh minh họa: Intetnet

Mặc dù đã xin lỗi ông chủ vì sự việc trên, song anh Lý thấy những điều mà sếp là không đúng nên đã giải thích lại:

“Thưa sếp, tôi rất lấy làm tiếc vì sự việc hôm qua. Tuy nhiên sự việc xảy ra sau giờ làm, việc tôi tắt điện thoại và không nhận được cuộc gọi của sếp không thể gọi là vô trách nghiệm được. Tôi được trả lương 20.000 NDT cho số giờ làm việc ở nhà máy và luôn cố gắng làm tròn bổn phận nhân viên của mình. Còn thời gian sau giờ làm là thời gian riêng tư của tôi, sẽ thật vô lý nếu anh trừ lương và dọa đuổi việc khi tôi không thể làm việc vào lúc đó”.

Cho rằng nhân viên có lỗi nhưng không nhận sau mà còn “bật” lại mình, ông chủ của tôi đã quyết định sa thải anh Lý ngay lập tức: “Đến phòng tài chính nhận lương rồi rời ngay đi. Ở đây tôi không cần những nhân viên như cậu".

Sau khi anh Lý nghỉ việc, ông chủ liền tăng lương cho những thợ máy còn lại như tôi để mọi người tích cực làm việc. Tuy nhiên, nước đi này của sếp không giải quyết được vấn đề còn tồn đọng. Theo đó, những công việc mà anh Lý từng đảm nhận không có ai thay thế nên việc vận hành máy móc của nhà máy bị trì trệ theo.

Thấy tình hình không ổn, chỉ 1 tuần sau đó, ông chủ đã thuê 1 kỹ thuật viên về để “lấp đầy” vị trí còn trống. Người mới này sẵn sàng làm thêm giờ sau khi hết giờ làm, nhưng đòi hỏi sếp phải thưởng thêm 3.000 NDT cho mỗi lần tăng ca. Sau khi tính toán, nhận thấy mức lương tăng ca mà nhân viên này “đòi hỏi” còn cao hơn tiền thuê người ngoài về để sửa chữa nên ông chủ đã không đồng ý.

Sau đó, nhà máy lại tiếp tục đăng tin tuyển dụng. Lần này ông chủ tôi muốn tìm một người có thể làm việc 24/24 cho công ty. Đồng thời, người này nếu có thể đảm nhiệm nhiều công việc cùng một lúc sẽ được nhận mức lương hậu hĩnh 35.000 NDT. Tuy nhiên sau 1 thời gian dài chẳng có ai ứng tuyển, ông chủ đã rất lo lắng khi tình hình hoạt động của nhà máy bắt đầu đi xuống trầm trọng.

Trên thực tế, việc anh Lý rời đi đã gây ra tổn thất nặng nề cho nhà máy. Anh ấy không chỉ là một nhân viên kỹ thuật có tay nghề cao, giàu kinh nghiệm, mà còn rất nhiệt tình trong công việc. Ngày trước đội thợ máy của tôi có tất cả 5 người, tuy nhiên sau khi 2 nhân viên khác nghỉ việc, ông chủ không tuyển thêm người nên một mình anh Lý đã đảm nhiệm luôn công việc của 2 người đấy. Khi đó, dù lương chỉ tăng lên có 2.000 NDT nhưng anh Lý chưa bao giờ kêu ca.

Có lẽ vì sự việc trên đã quá sức chịu đựng của người đàn ông này, do đó anh ấy mới quyết định nghỉ công việc đã gắn bó với mình suốt nhiều năm qua.

Nhân viên tắt điện thoại sau giờ làm bị sếp sa thải, vài tháng sau công ty phải tạm đóng cửa vì 1 lý do - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Intetnet

Không tuyển được kỹ thuật viên mới, nhà máy chúng tôi gặp rất nhiều rắc rối. Các vấn đề về thiết bị liên tục xuất hiện. Tôi và đồng nghiệp còn lại trong nhóm cũng phải liên tục bảo trì máy móc nên ông chủ chỉ có thể thuê người ngoài sửa chữa thiết bị. Tuy vậy, kỹ thuật viên bên ngoài chỉ chữa “triệu chứng” chứ không chữa bệnh tận gốc nên việc máy móc xảy ra lỗi vẫn lặp đi lặp lại.

Không còn cách nào khác, ông chủ đành phải liên lạc lại với anh Lý để thương lượng và mời anh về làm việc lại cho công ty. Tuy nhiên, anh Lý đã tìm được chỗ làm mới nên một mực từ chối thiện ý của sếp cũ. Lúc này, sếp tôi mới bắt đầu ân hận vì trong lúc nóng giận đã sa thải một nhân viên giỏi, để giờ công ty phải lâm vào cảnh khốn đốn.

2 tháng sau đó, nhà máy phải tạm đóng cửa để cải tổ. Tôi cũng xin nghỉ công việc đã gắn bó nhiều năm này để đi tìm cho mình một chân trời mới. Thực chất, câu chuyện của anh Lý cũng đã cho tôi nhìn thấy những vấn đề còn tồn đọng trong công ty của mình. Bản thân tôi thấy rằng nếu cố gắng bám trụ ở môi trường làm việc này cũng không phải là một cách hay.

Kết cục này xảy ra với công ty là tất yếu khi người lãnh đạo không linh hoạt trước những rắc rối gặp phải và quan trọng là không xử lý tốt trong mối quan hệ giữa sếp và nhân viên. Sau này khi tìm cho mình một môi trường làm việc mới, tôi sẽ xem xét cả những khía cạnh này để có thể chọn cho mình một bến đỗ an toàn và phù hợp hơn.

Theo 163.com