Mang ô che chỗ ngồi để tránh camera
Cô Trương, 33 tuổi là 1 người phụ nữ sống ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Vào tháng 10 năm 2013, cô Trương nộp đơn xin việc vào 1 công ty tài chính và được mời về làm việc. Tại đây, người phụ nữ này đã dồn nhiều công sức, tâm huyết làm việc và được thăng tiến lên chức phó phòng tài chính.
Ngày 24/6/2019, công ty triển khai lắp đặt nhiều camera độ phân giải cao tại khu vực làm việc, hành lang, phòng họp,… Thế nhưng cô Trương không hài lòng với việc này. Cô cho rằng những chiếc camera gần chỗ ngồi có thể xâm phạm sự riêng tư nên không thoải mái làm việc. Sau đó, người phụ nữ họ Trương quyết định mang 1 chiếc ô nhỏ đi làm. Tác dụng của chiếc ô này chính là che chắn để cô Trương né được camera giám sát.
Cô Trương là phó phòng nên cần nghiêm túc tuân thủ những chính sách mà công ty đưa ra. Thế nhưng đối mặt với quy định mới, cô Trường dường như phớt lờ, tiếp tục dùng ô ở nơi làm việc để “bảo vệ sự riêng tư”.
Khắp văn phòng đều có camera giám sát khiến cô Trương không thoải mái. Ảnh minh họa: Internet
Sau đó, phía công ty đã cảnh cáo cô Trương 2 lần với mong muốn cô không mang ô ra che chắn nữa. Thế nhưng người phụ nữ 33 tuổi vẫn quyết định cầm ô đến chỗ làm 10 ngày liên tiếp. Tới ngày 17/7/2019, công ty chấm dứt hợp đồng lao động của cô Trương với lý do vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Họ cho rằng người này làm việc không minh bạch, nếu không thì không có lý do gì phải sợ camera giám sát. Hơn nữa, hành vi của cô đã ảnh hưởng tiêu cực đến các nhân viên khác trong công ty.
3 lần ra tòa đòi tiền bồi thường
Không đồng tình với quyết định của ban lãnh đạo công ty, cô Trương quyết định nộp đơn kiện ra tòa. Cô đòi công ty phải bồi thường thiệt hại 335.000 NDT (khoảng 1,1 tỷ đồng) vì đã xâm phạm quyền riêng tư của mình.
Ban đầu, tòa sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu của cô Trương và bác bỏ yêu cầu bồi thường. Thế nhưng người này không đồng ý, tiếp tục kháng cáo.
Lần thứ 2, tòa án cấp cao cho rằng việc công ty lắp đặt camera giám sát trong văn phòng không có gì sai. Camera giám sát cũng không ảnh hưởng tới quyền riêng tư của bất kỳ nhân viên nào. Vì thế, tòa sẽ không hỗ trợ bồi thường khi cô Trương bị công ty chấm dứt hợp đồng lao động.
Yêu cầu bồi thường của cô Trương bị tòa bác bỏ. Ảnh minh họa: Internet
Vẫn không hài lòng với kết quả, người phụ nữ 33 tuổi đã nộp đơn lên tòa án tối cao để xin xét xử lại. Tòa cho rằng tranh chấp trong vụ kiện này xoay quanh 2 vấn đề chính:
Một là, công ty lắp đặt camera giám sát tại văn phòng có xâm phạm quyền riêng tư cá nhân hay không. Mục đích lắp đặt camera giám sát của công ty là để đảm bảo an toàn cho con người, tài sản tại nơi làm việc. Họ chỉ trang bị camera tại phòng làm việc, phòng họp, hành lang,… còn phòng thay đồ, nhà vệ sinh dĩ nhiên không có camera. Vì vậy, động thái này không có gì sai trái.
Hai là, cô Trương có vi phạm kỷ luật lao động hay không. Người lao động có nghĩa vụ chấp hành kỷ luật lao động trong công ty. Thế nhưng người phụ nữ này thậm chí còn phớt lờ nhắc nhở từ phía ban lãnh đạo, tiếp tục mắc lỗi nên bị sa thải là điều bình thường. Việc phó phòng tài chính yêu cầu công ty bồi thường do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là thiếu cơ sở, các tòa án đều công nhận điều này.
Căn cứ theo Điều 3, Khoản 2 Bộ luật Lao động (Trung Quốc): Người lao động phải hoàn thành nhiệm vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, chấp hành kỷ luật lao động và đạo đức nghề nghiệp. Vì vậy, người lao động phải chịu sự giám sát, quản lý của người sử dụng lao động, lắp đặt camera là một phương tiện để quản lý.
Theo Điều 4 Bộ luật Lao động (Trung Quốc): Người sử dụng lao động phải xây dựng các nội quy, quy định phù hợp với pháp luật để bảo đảm cho người lao động được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ. Vì vậy, công ty lắp đặt camera giám sát cũng để đảm bảo an toàn cho nhân viên và giữ gìn tài sản cho công ty.
Sau nhiều lần đòi bồi thường, cô Trương đành ngậm ngùi ra về mà không nhận được bất kỳ đồng tiền nào.
Theo Toutiao