Quan điểm chi tiêu, tài chính trong hôn nhân vốn được xem là điều khó nói đối với nhiều cặp đôi. Không những vậy, đối với những cô vợ lấy chồng có mức thu nhập cao còn thường bị gắn mác “được chồng nuôi”. Nhiều người cho rằng, đây là định kiến cổ hủ và không còn phù hợp trong thời buổi hiện đại bởi ngày nay, hầu hết các cô gái đều lựa chọn độc lập tài chính, có sự nghiệp riêng.
Kiếm được vài trăm triệu mỗi tháng vẫn chỉ tiêu trong mức 5-10 triệu
Bạch Diệu Linh (32 tuổi, quê Hà Nội) hiện đang sinh sống và kinh doanh tại Mỹ. Công việc của cô mang đến mức thu nhập ổn định hàng tháng. Chồng của Diệu Linh là người Mỹ, làm kỹ sư Facebook với mức lương cao ngất ngưởng lên đến 500.000USD/năm (khoảng 12 tỷ đồng/năm).
Với mức thu nhập của cả hai, Diệu Linh cho biết cả hai có thể thoải mái tự nuôi bản thân. Tuy nhiên khi đến hôn nhân, đôi vợ chồng quyết định thay vì quản tài chính của nhau, cả hai sẽ thay nhau hỗ trợ người còn lại: “Ví dụ như đợt này vì mình vừa đứng ra mua nhà ở Việt Nam, nên chồng mình là người chi trả cho toàn bộ chi phí sinh hoạt, nhưng chúng mình vẫn có thể tiết kiệm 90% thu nhập mỗi tháng” .
Cũng với quan điểm này, Diệu Linh khẳng định bản thân cô không phải người thích phụ thuộc vào kinh tế của chồng. Do vậy, cô chưa bao giờ là người “được chồng nuôi” dù ông xã có mức thu nhập “khủng” so với mặt bằng chung. Hơn nữa, thói quen chi tiêu hay lối sống của Diệu Linh khá tiết kiệm và không thay đổi ngay cả khi thu nhập tăng lên.
Diệu Linh và chồng có "chiến lược" chi tiêu dài hạn, cực kỳ rõ ràng dù thu nhập "khủng"
“Dù mình có ở nhà, không làm gì, không có thu nhập hàng năm trời để chồng mình hỗ trợ thì anh cũng luôn rất sẵn lòng. Nhưng khi ta để bản thân phụ thuộc vào người khác thì ta sẽ phải đánh đổi rất nhiều thứ. Bí quyết của mình để cân đối các khoản thu chi cho hợp lý là không thay đổi cách thức chi tiêu hay lối sống, ngay cả khi thu nhập thay đổi. Những năm đầu mình lập công ty, khi bắt đầu có bước thành công, có những tháng mình kiếm vài trăm triệu thì mình vẫn chi tiêu trong khoảng 5-10 triệu/tháng” , Diệu Linh chia sẻ.
Thu nhập của chồng CEO cao nhưng vợ vẫn chia trách nhiệm tài chính rõ ràng
Chị Trịnh Thúy Hương (đến từ Quảng Ninh, hiện đang sinh sống và làm việc ở TP Hồ Chí Minh) công tác trong lĩnh vực mỹ phẩm cao cấp, làm đẹp, trang sức và marketing với mức thu nhập tốt. 20 năm kết hôn với chồng người Pháp, chị Thúy Hương cho biết cả hai luôn có quan điểm rõ ràng trong mọi khoản chi tiêu. Theo chị Hương, ông xã người Pháp có thu nhập cao hơn chị rất nhiều nhưng điều đó không có nghĩa là khi "lấy chồng Tây" thì mặc nhiên có quyền "ngồi mát ăn bát vàng".
Ngay từ trước khi tiến tới hôn nhân và cho đến hiện tại, cả hai vợ chồng đều thẳng thắn bày tỏ về các vấn đề tài chính với nhau. Cặp đôi luôn công khai thu nhập của nhau và dùng chung tài khoản phục vụ cho chi tiêu cá nhân cũng như các nhu cầu của gia đình. Không nhất thiết phải rạch ròi “tiền anh - tiền tôi” nhưng minh bạch tài chính là quan điểm sống giúp chị Thúy Hương và chồng Tây hạnh phúc suốt 20 năm.
Bên cạnh đó, vợ chồng chị Hương có những "giao kèo", phân công vai trò cụ thể, không ai là người chỉ "cho" và chắc chắn cũng không có ai chỉ biết "nhận".
Chị Hương cho hay: “Mình phân công nhiệm vụ: Con học trường Pháp thì anh lo toan các kiểu từ nhập trường, dạy con học đến học phí cho tiện. Gu anh tinh tế sành điệu hơn mình nên đồ chơi, quà Noel, quà sinh nhật cho con và bạn của con anh cũng là người phụ trách. Tụi mình sống ở Việt Nam, nên khi mua nhà, xe cộ gì mình đứng tên cho an toàn và nhanh nhất, giấy tờ, thủ tục mình lo. Tiền mua nhà anh sẽ chi vì thu nhập anh cao hơn vợ nhiều” .
Gia đình hạnh phúc của chị Hương và chồng người Pháp
Bù lại, chị Thúy Hương dù bận rộn với công việc, sự nghiệp riêng nhưng vẫn chu toàn việc nhà từ nấu nướng, dọn dẹp, chuẩn bị quần áo khi chồng đi công tác... “ Mình biết làm sao để sắp xếp cuộc sống, và chắc chắn phải nhờ chồng rất nhiều trong việc nuôi dạy con, và trong cuộc sống, mình không ôm hết được. Nhưng vợ chồng mình luôn phân chia làm sao để làm tốt nhất sở trường của mỗi bên” , chị Hương chia sẻ.
Vợ kỹ sư thu nhập 12 tỷ/năm bật mí lý do chi tiêu tiết kiệm:
Thứ nhất, khi thu nhập tăng mà lối sống của ta cũng tăng theo thì kiếm bao nhiêu tiền cũng không đủ. Ngay cả bạn kiếm tiền tỷ mỗi tháng mà mua đồ hiệu, du lịch sang chảnh thì kiểu gì cũng hết.
Thứ hai, mục đích cuối cùng cho việc tiết kiệm, giảm chi tiêu không phải là để chắt chiu cả đời mà là để có sự tự chủ trong thời gian về sau.
Công thức tính là nếu 4% khối tài sản của bạn lớn hơn chi phí sinh hoạt hàng năm thì bạn chỉ cần sống bằng lãi suất thụ động từ tài sản thôi mà sẽ không bao giờ tiêu đến khoản vốn. Vì sau này khi có con mình muốn dành nhiều thời gian cho việc nuôi nấng con, nên mình muốn tích góp nhiều nhất có thể để sau này tự chủ hoàn toàn về thời gian.
Thứ ba, đây là lý do quan trọng nhất - định luật về lãi suất kép. Định luật này cho thấy, yếu tố quan trọng không kém số tiền bạn kiếm được chính là thời gian. Tức là bạn bắt đầu tiết kiệm càng sớm thì tài sản dành dụm được càng lớn.
Đừng nghĩ những khoản nho nhỏ mình tiêu thì cũng không ảnh hưởng đến tương lai, mà khi tiết kiệm sớm và thường xuyên ta có thể tích tiểu thành đại và chính những khoản nho nhỏ đó sẽ là chỗ dựa của ta về sau.