Trong khi Quang Linh Vlog dành thời gian ở Việt Nam, đồng đội của anh ở Angola vẫn miệt mài làm việc. Team trang trại có lẽ là hoạt động tích cực nhất khi liên tục thử nghiệm thả cá, nuôi vịt đẻ, nghiên cứu nuôi thỏ... để tận dụng đất rộng và nhân lực tại farm.
Ở Angola đang là mùa khô, người dân địa phương chủ yếu tập trung vào chăn nuôi. Mùa này, không nhiều người trồng trọt, do đất xốp và thoát nước lớn, để tưới tiêu cho cây rất vất vả mà có thể không đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Nông trại của Quang Linh phải thu hoạch khoai tây sớm
Nhưng team Quang Linh lại "ngược đời", vẫn duy trì trồng khoai tây. Theo anh Thế, quản gia của trang trại chia sẻ, khi ít người trồng, khoai tây sẽ hiếm hơn và được giá hơn.
"Nếu trồng đúng mùa mưa, sản lượng phải gấp 2 - 3 lần như thế này, nhưng khoai trồng trái mùa nên chỉ được ít thôi. Mùa này thời tiết khắc nghiệt, ban ngày nóng, ban đêm lạnh, đêm ngoài nông trại chỉ khoảng 10 độ, có khi xuống 6 độ, cây khoai tây bị quăn đọt, một số cây bắt đầu khô rồi. Sợ cây chết nên phải cho công nhân thu hoạch sớm hơn dự tính 1 tháng mọi người ạ", một trợ lý của Quang Linh Vlog tiết lộ.
Có khoảng vài tấn khoai được thu hoạch, trong đó 70 sọt đủ tiêu chuẩn thương phẩm
Chưa đạt độ tăng trưởng tối ưu, khoai tây trái mùa ở Quang Linh farm không đều củ, có củ to cỡ nắm tay người lớn nhưng có củ nhỏ chỉ bằng quả trứng vịt. Tuy nhiên tổng lượng thu hoạh cũng khá ổn, được khoảng 5 tấn.
Sau khi thu hoạch, các công nhân của trang trại sẽ phân loại khoai tây: Củ to và nhỡ đem bán, củ nhỏ giữ lại làm giống cho mùa sau và chia cho bà con làm giống. Những củ bị dập hay bị cuốc vào sẽ được team trang trại chia nhau và chia cho các công nhân về ăn.
Những củ nhỏ và nhỡ dùng làm giống cho mùa sau
Đồng đội của Quang Linh vui vẻ cho biết, sau khi thu hoạch khoai tây, họ sẽ xới đất và trồng một hoa màu khác vào vụ sau, ví dụ như khoai lang. Ở Angola hay ở Việt Nam, họ vẫn áp dụng đúng nguyên tắc "khoai ruộng lạ, mạ ruộng quen" để đảm bảo hiệu quả canh tác.
Ngoài thời tiết khắc nghiệt, đất ở Angola cũng thuộc dạng khô, hao nước tưới nên team Quang Linh farm đang nghiên cứu trồng thêm một số cây ưa hạn, ưa nắng như thanh long, mía, ổi, chuối...
Nhiều loại cây chịu nắng được thử nghiệm trồng tại Quang Linh farm
Sau khi phân loại khoai tây, có 70 sọt đủ tiêu chuẩn được xuất bán. Số lượng không quá nhiều nên họ mang đi bán buôn ở chợ huyện, thu hồi vốn lân đạm và phục vụ chi phí mùa sau. Điều thú vị là chợ ở đây dù bán buôn hay bán lẻ cũng không cân ký mà ước lượng theo mớ. Dù team nông trại đã xếp sẵn khoai vào sọt ở nhà, đến chợ các chị vẫn xếp lại, dồn khoai cho đầy tràn rồi mới tính là một sọt.
Khoai được dồn đầy ắp rồi mới tính là 1 sọt
Có người hài hước nói, cách xếp khoai có lời cho người mua này hơi giống kiểu một chục có 12 - 14 trái (thay vì 10 trái) của người dân miền Tây Nam Bộ. Tính ra, hai chàng trợ lý của Quang Linh mang đi 70 sọt khoai nhưng chỉ bán được chừng 45 - 50 sọt, do cách dồn đặc biệt.
Ở chợ Angola, người ta bán thực phẩm theo mớ chứ không cân ký
Một phần do giống khoai team Quang Linh trồng là khoai tây vỏ hồng, mỏng tang, ruột vàng, phần vì hai anh chàng phụ việc bán hàng khá mát tay, thương lái đến mua khoai khá đông. Họ chỉ bán hơn 1 tiếng là hết xe khoai. Dù vậy số tiền thu về cho cả vụ (không tính phần khoai làm giống và chia lại cho bà con) chỉ 250.000 Kwanza, tức là khoảng 730 nghìn đồng tiền Việt - một con số khá khiêm tốn.
Việc mua bán xôm tụ nhưng tiền thu về khá khiêm tốn
Nguồn: Quang Linh Vlogs - Cuộc Sống ở Châu Phi