Quy tắc ứng xử nơi công cộng sau ồn ào ở rạp chiếu phim: Trả tiền dịch vụ không có nghĩa được làm tất cả những gì bạn muốn

Dù là ở những nơi công cộng hay trên mạng xã hội, cũng cần phải có cách hành xử cho phù hợp.

Quyền riêng tư là sự tôn trọng

Rạp chiếu phim hay các không gian khác như trung tâm thương mại, cửa hàng, quán ăn… từ lâu luôn được hiểu là nơi công cộng, cung cấp các dịch vụ cần thiết cho nhu cầu ăn uống, mua sắm, giải trí... Và ai cũng có quyền được sử dụng dịch vụ nếu đã bỏ tiền ra chi trả cho dịch vụ đó.

Tuy nhiên, một khi đã đi đến những nơi công cộng, bạn phải chấp nhận rằng mình bình đẳng và ngang hàng với mọi người khác. Dù đã trả tiền để sử dụng dịch vụ, không có nghĩa là bạn được phép làm những gì mình muốn mà không quan tâm đến cảm xúc của những người xung quanh. Thông qua những ồn ào về cách hành xử tại rạp chiếu phim, nhiều người cũng đã có dịp ngẫm lại về cách ứng xử sao cho khéo léo và tinh tế tại nơi công cộng.

Nói về cách hành xử tại rạp chiếu phim, John Nguyễn (32 tuổi) chia sẻ: “Quyền riêng tư tại rạp chiếu phim theo mình nghĩ đó là sự tôn trọng. Mình tôn trọng mọi người xung quanh và mọi người cũng nên tôn trọng mình. Không làm phiền người khác. Nếu cảm thấy không dễ chịu thì được quyền lên tiếng”.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng sau ồn ào ở rạp chiếu phim: Trả tiền dịch vụ không có nghĩa được làm tất cả những gì bạn muốn - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Cũng theo John, những hành động khiến người bản thân anh và nhiều người khác khó chịu tại rạp chiếu phim là bị người ngồi sau đạp ghế, gác chân lên ghế ngồi của mình.

My Lê (23 tuổi) thì cho rằng: “Điều khiến mình khó chịu đó là nói chuyện to, gây ồn ào ở nơi công cộng. Làm vậy sẽ gây ảnh hưởng người khác, khiến mọi người mất tập trung, ảnh hưởng đến trải nghiệm nhất là khi xem phim”.

Đồng quan điểm, một khán giả giấu tên bổ sung: “Thêm nữa là nếu người khác ngồi chỗ của mình thì mình cũng khó chịu”, cô bạn nói.

Những người có tiền hay giới siêu giàu luôn mong muốn được tận hưởng sự riêng tư trong không gian yên tĩnh, tránh đi sự nhòm ngó hoặc những ánh mắt soi mói. Vì vậy, họ thường bỏ một khoản tiền lớn để bao trọn rạp chiếu phim hoặc một nơi kín đáo ở nhà hàng sang trọng. Nhưng với đại đa số, nhất là các bạn trẻ muốn giải trí sau giờ làm việc học tập căng thẳng, họ không đặt nặng đến sự riêng tư khi đến nơi công cộng. Họ chỉ cần thấy vui với lựa chọn của mình là được.

Ngọc Mai (20 tuổi) nêu ý kiến: “Theo mình thì rạp chiếu phim là nơi công cộng. Nếu cần quyền riêng tư thì nên về nhà xem phim”.

Bạn Thái Tin (19 tuổi) cho biết: “Rạp chiếu phim là nơi được mở ra để phục vụ nhu cầu của mọi người, giúp thư giãn, xả stress… sau thời gian học tập và làm việc căng thẳng. Nên nếu nói là riêng tư thì không hẳn, không phải là riêng tư cho riêng một người nào đó”.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng sau ồn ào ở rạp chiếu phim: Trả tiền dịch vụ không có nghĩa được làm tất cả những gì bạn muốn - Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Còn Anh Thư (22 tuổi) quả quyết: “Mình thấy quyền riêng tư là tùy vào mỗi người, không có đúng hay sai, chỉ là cách nhìn vấn đề của mỗi người đều khác nhau. Hiện tại phần lớn giới trẻ có nhiều thời gian, nhu cầu của họ chỉ là được xem phim, thư giãn chứ không quá đề cao sự riêng tư. Họ có thể không cần riêng tư, nhưng người nổi tiếng thì ngược lại”.

MXH không phải là nơi để kết án bất cứ ai, người xem cũng cần tỉnh táo

Song song với câu chuyện ứng xử ở nơi công cộng là câu chuyện ứng xử trên mạng xã hội. Bên cạnh những điều tích cực từ MXH, thì giới trẻ dần hình thành một thói quen không mấy tốt đẹp, đó là đăng đàn tố nhau mỗi khi gặp chuyện gì không hài lòng. Đôi khi một tình huống hiểu lầm lại bùng nổ và làm “dậy sóng” mạng, thậm chí gây nên một cuộc khủng hoảng truyền thông khiến các “nhân vật chính” gặp không ít rắc rối.

Gần đây còn có cả một vụ đăng ảnh người khác lên phê phán hành động kém văn minh nơi công cộng nhưng chính chủ mới là người bị phê bình ngược vì… đăng ảnh người khác lên MXH khi chưa có sự đồng ý của họ. Rốt cuộc, ai mới là người kém văn minh?

Tuấn Phạm (29 tuổi) cho rằng: “Thật ra chuyện này rất bình thường. Có thể việc chụp ảnh người khác rồi đăng tải lên mạng là đang vi phạm quyền riêng tư nhưng hiện tại nhiều người vẫn còn mơ hồ lắm, cứ bức xúc thì mình lên mạng viết status thôi”.

Trong khi đó, Bảo Anh (23 tuổi) thì nghĩ rằng mọi người đừng nên để cảm xúc nóng giận nhất thời chi phối.

“Mình nghĩ người tố cũng là người sai. Dù đối phương có đúng hay không thì hành động phốt cũng là nhất thời, thiếu suy nghĩ. Kiểu bị cảm xúc chi phối quá. Đó có thể chỉ là góc nhìn của người đó và không suy nghĩ vấn đề theo nhiều chiều hướng dẫn đến nhận định sai lệch. Còn việc chụp hình và chỉ đích danh thì càng không đúng”.

Quy tắc ứng xử nơi công cộng sau ồn ào ở rạp chiếu phim: Trả tiền dịch vụ không có nghĩa được làm tất cả những gì bạn muốn - Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, Ngọc Mi (33 tuổi) cũng chia sẻ: “Mình nghĩ một khi đăng bài tố thì ai cũng nghĩ mình là nạn nhân. Trong khi đó, vấn đề nào cũng cần tìm hiểu rõ ràng và nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Người đăng bài cũng phải suy nghĩ kỹ vấn đề này khi đăng đàn sẽ tác động trực tiếp đến ai, nghiêm trọng như thế nào. Còn đối với người xem cũng cần phải tỉnh táo để tiếp thu thông tin, có cái nhìn trung dung để tránh việc phán xét người khác, gây ra những ảnh hưởng xấu không đáng có.

Việc chụp hình người khác nơi công cộng, mình nghĩ rằng mọi người chưa nhận thức đúng về việc bảo vệ hình ảnh cá nhân. Chụp hình khi chưa xin phép người khác rõ ràng là vi phạm luật. Cho nên hãy cẩn thận và có trách nhiệm trong từng câu chữ trên MXH vì đó không phải là chốn để bạn tìm công lý, mà cũng không phải là nơi để bạn kết án bất cứ ai mà bạn tự cho rằng họ sai”.