Mạch Thị Thùy Khanh (SN 1996, ở TP HCM ), hiện đang là cơ phó của hãng hàng không Pacific Airlines, thành viên của Vietnam Airlines. Vốn là sinh viên Trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, nhưng khi ra trường, Khanh quyết định rẽ hướng sang ngành phi công. Sau khoảng thời gian học tập tại một trường phi công ở trong nước, cô bạn tiếp tục sang Mỹ du học. Năm 2021, Khanh học huấn luyện loại máy bay Airbus A320 tại Airbus Asia Training Centre ở Singapore và trở thành cơ phó hãng Pacific Airlines khi 25 tuổi.
Cơ phó Mạch Khanh.
Quyết định theo đuổi giấc mơ chinh phục bầu trời
Năm 18 tuổi, khi đứng trước thử thách phải chọn ra ngã rẽ phù hợp cho bản thân, Mạch Khanh vẫn “loay hoay” chưa định hướng được mình sẽ chọn học ngành nghề gì ở Đại học. Vốn là một cô gái thích vẽ vời nên Khanh đã quyết định học ngành Thiết kế đồ họa của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM.
Khi còn đi học tại trường Đại học Kiến trúc TP.HCM, Khanh đã từng thử trải nghiệm công việc đúng ngành học, nhưng công việc đó không đem lại cho cô bạn sự hứng thú. Khanh cho biết, bản thân muốn làm một nghề, công việc mà không phải đem việc về nhà và có thời gian dành cho bản thân. Trong quá trình tìm hiểu xem nghề nào phù hợp với mình, Khanh thấy phi công là một trong những sự lựa chọn hợp lý nhất.
Mạch Khanh chia sẻ: “Phi công là một nghề đáp ứng được những nhu cầu như không phải chạy deadline, có thời gian dành cho bản thân, mang lại thu nhập ổn định... Ngành mà trước kia tôi theo học thì rất nhiều deadline. Bởi thế, tôi muốn làm phi công vì muốn được tự do, không phải chạy deadline. Trước đó, tôi cũng chưa từng nghĩ mình hợp với phi công nhưng sau khi tìm hiểu từ từ những yêu cầu để trở thành phi công cũng không phải quá khó với mình”.
Năm 2018, khi tốt nghiệp Đại học Kiến trúc TP.HCM, Khanh quyết định học một khóa huấn luyện lý thuyết phi công cơ bản trước khi du học nước ngoài. Sau khi hoàn thành khóa học lý thuyết, cô bạn lên đường sang Mỹ du học.
Trên hành trình học để trở thành phi công, Khanh cho biết, vấn đề tài chính cũng là một khó khăn với cô bạn và gia đình. Mạch Khanh chia sẻ: “Không phải ai làm phi công cũng có khả năng tài chính dồi dào. Tôi được gia đình hỗ trợ rất nhiều về mặt tài chính. Tiền học để trở thành phi công cũng là số tiền lớn, lên đến tiền tỷ, một mình ba mẹ thì không đáp ứng được hết nên huy động cả gia đình. Để chứng minh cho người thân biết mình làm được, tôi phải học thử các bước nhỏ, trước khi học đến những bước tính tiền tỷ”.
Nữ cơ phó cho biết, thời điểm mới học phi công, cô bạn thử từng bước nhỏ không tốn quá nhiều tiền trước trước, nếu thấy bản thân đủ khả năng, phù hợp thì tiếp tục theo đuổi, còn nếu không được thì dừng lại. Và khi thử học thì thấy hợp, Khanh quyết định đi tiếp.
Theo Khanh, bất kỳ khó khăn nào cũng có khả năng giải quyết. Hiện giờ đã là một cơ phó, nhìn lại hành trình trở thành phi công của mình, Mạch Khanh thấy đó là một chặng đường nhiều may mắn, thuận lợi chứ không dễ dàng. Bởi trong quá trình đi học, đã có nhiều người bỏ ngang vì việc học để trở thành phi công tương đối khó với nhiều yêu cầu khắt khe, mang tính đặc thù. Nhưng Khanh không cho phép bản thân bỏ cuộc, kiên trì đi từng bước, học từng thứ, làm tới cùng. Vì khoản tiền mà gia đình đầu tư vào việc học của cô bạn là quá lớn.
Trở thành một nữ phi công không quá khó
Nhớ lại cảm giác lần đầu tiên ngồi trên khoang lái, điều khiển máy bay, Mạch Khanh hào hứng chia sẻ: “Khi lái chiếc máy bay nhỏ lúc học cất cánh được lên, tôi thấy chắc mình thuộc về bầu trời này rồi, lựa chọn của mình là đúng, không sai. Nhiều lúc tự động viên, tôi cũng thấy tự hào vì mình nhỏ bé như vậy mà lái được con chim sắt lớn như vậy” (cười).
Tính đến thời điểm hiện tại, đã 4 năm Mạch Khanh học và làm phi công, cô bạn cho biết, khi nhìn thấy máy bay trên bầu trời vẫn ngước lên nhìn và có sự yêu thích nhất định.
Theo Khanh, để trở thành một phi công, cần đáp ứng được một vài yếu tố sau: “Yếu tố đầu tiên là sức khỏe. Yếu tố thứ hai là kiến thức, kỹ năng. Ngoài ra, cần có tính tiếp thu, lắng nghe biết tiếp thu và học hỏi, không được bốc đồng. Bên cạnh đó cần có tài chính, nếu không có tài chính thì không thể làm phi công được. Tôi nghĩ trở thành phi công không quá khó đâu. Mọi người nghĩ nó khó vì chưa biết đủ nhiều thông tin”.
Là một nữ phi công, Khanh gặp phải những rào cản nhất định, đặc biệt là suy nghĩ phi công là ngành cho nam giới của nhiều người. “Nhiều người vẫn không tin con gái có thể trở thành phi công cũng là một áp lực nhỏ với tôi. Nhưng tôi không quá đặt nặng vấn đề này, mọi người nói gì thì nói, mình cứ làm tốt việc của mình. Nghề phi công, nam giới làm được thì nữ giới cũng làm được”, nữ cơ phó bộc bạch.
Bên cạnh đó, Khanh còn là chủ nhân của kênh youtube “From Khanh” được nhiều bạn trẻ yêu mến. Cô bạn cho biết, quyết định trở thành phi công và làm kênh youtube cá nhân là 2 trong số những quyết định đúng đắn nhất.
“Tôi chưa bao giờ hối tiếc việc học phi công, vẫn thấy đó là một trong những lựa chọn đúng đắn nhất. Quyết định đúng đắn tiếp theo là dám mở kênh YouTube. Bởi tôi vốn là người từng sợ ống kính, người lạ. 2 quyết định này giúp tôi thay đổi được chính mình, có được thêm nguồn thu nhập, mở mang được nhiều thứ”, Mạch Khanh nói thêm.
Khi được hỏi liệu bản thân có chút tiếc nuối nào không khi không bắt đầu học phi công sớm hơn từ năm 18 tuổi, Mạch Khanh thẳng thắn chia sẻ, với cô, năm 22 tuổi mới thật sự là thời điểm phù hợp. “Học ở năm tốt nghiệp đại học mới hợp lý với tôi. Lúc tôi 18 tuổi, tôi cũng không định hướng được rõ ràng mình nên học gì. 4 năm học Đại học là thời gian để tôi lớn lên, trải nghiệm cuộc sống và biết mình thích cái gì. Và sau cùng, tôi đã biết mình thích gì sau 4 năm đó”, nữ cơ phó chia sẻ.
Là một nữ phi công được nhiều người biết đến, Mạch Khanh muốn gửi gắm đến nhiều bạn trẻ đang ấp ủ giấc mơ trở thành phi công đặc biệt là các bạn nữ lời nhắn nhủ: “Hãy tin là mình làm được. Nếu thấy những tiêu chí về sức khỏe, tiền bạc, kiến thức, niềm tin, động lực có đủ thì mình bắt đầu thôi”.
Ảnh: NVCC