Món "Pizza Việt Nam" được yêu thích ở Thái Lan
Lê Đình Duy (29 tuổi, quê ở Phú Quốc, Kiên Giang) kết hôn với Nisa (quốc tịch Thái Lan) hơn 2 năm. Cặp đôi hiện đang sống ở tỉnh Surat Thani, miền Nam Thái Lan. Vợ chồng Duy và Nisa có một kênh YouTube với gần 470 nghìn lượt theo dõi. Những video về cuộc sống ở Thái Lan của cả hai luôn nhận được rất nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, Nisa có khả năng nói tiếng Việt khá tốt khiến khán giả xem kênh thích thú.
Gần đây, vợ chồng Duy và Nisa đã thử tìm hiểu và bán bánh tráng nướng, đặc sản Việt Nam ở trường học và các khu chợ Thái Lan.
Cặp đôi Duy và Nisa sở hữu kênh YouTube với gần 470 nghìn lượt theo dõi.
Duy chia sẻ, món bánh tráng nướng được người Thái Lan biết đến khoảng vài năm nay. Do một người Thái Lan sang Việt Nam du lịch, đã được ăn thử và ấn tượng với món ăn này nên học hỏi công thức đem về bán. Ở xứ chùa Vàng, món bánh tráng nướng được gọi với cái tên là Pizza Việt Nam, rất nhiều người yêu thích món ăn đường phố này.
Vợ chồng Duy, Nisa cùng mẹ vợ của Duy đã lên mạng học cách làm bánh tráng nướng. Ba mẹ con cũng phải thử nghiệm nhiều lần mới thành công. Món bánh tráng nướng khi sang Thái Lan cũng có những nguyên liệu cơ bản như ở Việt Nam, song tùy nơi, mọi người biến tấu đi một chút. Duy và Nisa thì vẫn chọn những nguyên liệu chính: Bánh tráng, bơ, trứng gà, thịt băm, ruốc, thanh cua, ngô, hành lá, hành khô, phô mai,...
Duy và Nisa tìm hiểu cách làm bánh tráng nướng Việt Nam và đem bán ở trường học, các khu chợ Thái Lan.
Việc kinh doanh của cả hai rất thuận lợi khi món "Pizza Việt Nam" được nhiều người Thái yêu thích.
Đặc biệt, Duy dùng loại bánh tráng nghệ, gửi từ Việt Nam sang để tạo điểm nhấn cho món ăn của mình. Duy tự tin nói, ở Thái Lan không ai có loại bánh tráng này.
Ngày đầu tiên, Duy và Nisa bán món bánh tráng nướng ở trường học, nơi mẹ vợ của Duy cũng bán những món ăn vặt như khoai tây chiên, gà chiên,... Hai vợ chồng nghĩ rằng ngày đầu tiên, có lẽ họ chỉ bán được khoảng 5-6 chiếc. Không ngờ, những em học sinh rất yêu thích món này, hai vợ chồng bán được hơn 20 chiếc bánh tráng nướng với giá 20 baht/chiếc (khoảng 14 nghìn đồng).
“Nếu còn nguyên liệu thì có thể chúng mình còn bán được hơn con số 20, nhưng vì nghĩ không bán được mấy nên hai vợ chồng chuẩn bị ít nguyên liệu quá”, Duy nói.
Khách xếp hàng chờ mua bánh khiến hai vợ chồng làm không kịp trở tay.
Mẹ của Nisa (phía sau bên trái ảnh) ra chợ hỗ trợ các con bán hàng.
Bán vài tiếng, thu nhập tiền triệu
Những ngày sau, vợ chồng Duy và Nisa mở rộng, bán ở nhiều khu chợ khác nhau. Khi bán cho học sinh, hai vợ chồng để giá mềm hơn một chút. Còn bán ở các khu chợ, món bánh tráng nướng bình thường là 30 baht/chiếc (khoảng 21 nghìn đồng), bánh tráng nướng phô mai là 35 baht/chiếc (khoảng 25 nghìn đồng) và bánh tráng double phô mai là 40 baht/chiếc (khoảng 28 nghìn đồng). Tất nhiên, giá cao hơn cũng đi kèm với việc nhân bánh sẽ nhiều hơn.
Hình ảnh vợ chồng Duy đội nón lá, bán món ăn đặc sản Việt Nam thu hút đông đảo người dân ở các khu chợ. Khách ăn xong thấy ngon liền đồn khắp chợ, mọi người dồn về xếp hàng mua bánh khiến vợ chồng Duy và Nisa nướng bánh “không kịp thở”, làm luôn chân luôn tay mới kịp bán. Có những hôm, mẹ vợ phải hộ tống Duy và Nisa đi bán bánh để hỗ trợ cặp đôi.
Duy rất thân thiết với mẹ vợ.
Mỗi ngày, Duy và Nisa bán khoảng vài tiếng. Doanh thu từ việc bán bánh tráng nướng của hai vợ chồng thường xấp xỉ 2.000 baht (khoảng 1,4 triệu đồng). Đây là con số không nhỏ, nằm ngoài tưởng tượng của vợ chồng Duy.
Hiện tại, ngoài bánh tráng nướng, cả hai còn bán thêm món bánh xèo cũng khá đắt hàng. Hai vợ chồng dự định sẽ bán hàng một thời gian ở các chợ để gây dựng thương hiệu. Khi có điều kiện, cặp đôi sẽ mở quán bán các món ăn đặc sản Việt Nam ở Thái Lan.
Nguồn: Duy Nisa