Sống chung có thực sự giúp dân văn phòng giảm áp lực tài chính?

Nhiều dân văn phòng chọn sống “2 mình” thay vì 1 mình để có người chia sẻ gánh nặng về kinh tế.

Đồng lương công sở một mức mãi chẳng tăng, mà tình hình lạm phát ngày càng cao, khiến chuyện chi tiêu gặp nhiều “trục trặc”. Nhằm giảm áp lực về kinh tế, nhiều bạn trẻ chọn sống “2 mình” (sống chung với bạn trai hoặc bạn thân), để cùng nhau chia sẻ gánh nặng về chi tiêu thường ngày, những mối lo, bận tâm trong cuộc sống. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn sống riêng, dù chi tiêu 1 mình lúc nào cũng đắt đỏ hơn.

Hiểu hơn về cách dân văn phòng san sẻ chuyện tài chính, Lê Nhi (26 tuổi, Hà Nội, Du lịch) và Hồ Thùy (23 tuổi, Nghệ An, Nhân viên kinh doanh) đã đưa ra những quan điểm mang tính chất xây dựng rất riêng.

Cùng lắng nghe những chia sẻ đến từ 2 dân văn phòng chính hiệu này nhé!

Sống 1 mình lúc nào cũng đắt hơn sống 2 mình

Thời lạm phát, nhiều dân văn phòng chưa có sự ổn định về kinh tế, mà chi phí sinh hoạt hàng ngày tại các thành phố lớn lại không dễ chịu chút nào. Vậy nên, sống chung cùng bạn trai/vợ/chồng/bạn thân là một cách làm hiệu quả để giảm bớt các loại chi phí (tiền nhà, điện, nước, wifi,...) - khi mỗi bên chỉ cần bỏ ra một nửa số tiền so với khi sống 1 mình.

Sống chung có thực sự giúp dân văn phòng giảm áp lực tài chính? - Ảnh 1.

Lê Nhi (26 tuổi, Hà Nội) cho biết, từ khi đặt chân lên Hà Nội để học tập và làm việc, cô nàng mới chỉ ở 1 mình trong vòng 1 tháng, nhưng lại khiến Nhi cảm nhận thấy nhiều sự thay đổi: “Dù chỉ mới sống 1 mình thời gian ngắn, mình nhận thấy rõ sự khác biệt trong chuyện chi tiêu: Chi phí sinh hoạt cao hơn, tốn kém vì ăn ngoài khiến sức khỏe không được đảm bảo, lại tốn thêm tiền thuốc thang,... Nói chung là nhiều chi phí phát sinh vì trước đó mình luôn sống chung cùng người khác.

Ở 1 mình nhiều lúc lười nấu nướng, thay bằng những bữa cơm ngoài nhiều hơn, nên tiền ăn uống cao hơn rất nhiều. Nấu 1 bữa cơm cho 1 người ăn bao giờ cũng tốn kém hơn khi nấu cho 2 người. Đơn cử như việc mua bó rau, 1 người ăn không hết thì để hư, cũng chẳng ai bán nửa bó rau cả. Nhưng việc ở chung thì tiền đó chia đôi, vừa không lãng phí đồ ăn mà còn tiết kiệm. Đấy chỉ là những chi phí lặt vặt nhỏ nhất, còn vô số những chi phí khác đi kèm cũng được giải quyết như thế.

Khi sống cùng bạn bè, những chi phí chung như tiền nhà, điện, nước,... đều được chia đôi, khoản tiền vốn dĩ dùng để sinh tồn chỉ cần chi 1 nửa. Còn khoảng thời gian sống cùng bạn trai, thì tất cả chi phí đó do bạn trai mình trả, mình thì lo chuyện ăn uống của cả 2 và chi tiêu lặt vặt, nên cuộc sống khá ổn. Thậm chí số tiền tiết kiệm hàng tháng cũng được tăng lên. Ngoài ra, nếu cuộc sống gặp vấn đề gì trục trặc, cả 2 có thể san sẻ cùng nhau để đưa ra hướng giải quyết tốt nhất”.

Sống 1 mình, hãy cân nhắc chuyện chi tiêu thật kỹ

Hồ Thùy (23 tuổi, Hà Nội) đưa ra quan điểm dưới góc nhìn của người không hợp chuyện sống “2 mình”: “Khi sống chung, tiền nhà, điện, nước... sẽ tiết kiệm hơn vì có người để ‘cưa đôi’. Nhưng tiền ăn, chơi thì sẽ tốn kém hơn, vì khi hai người ở với nhau sẽ mang tính cộng hưởng, hay rủ rê, hay bày soạn, ăn hết mình chơi hết mình. Chưa kể vì là ở chung với nhau, đồ dùng của chung nên mọi người thường sẽ có xu hướng hoang phí, dẫn đến tốn kém hơn. Ví dụ lúc ở một mình, tiền điện chỉ có 400k là cao nhất, ở chung lúc nào cũng 600k-700k/người vì mọi người có suy nghĩ chia tiền nên không có trách nhiệm lắm.

Sống chung có thực sự giúp dân văn phòng giảm áp lực tài chính? - Ảnh 2.

Có lẽ không hợp với việc sống chung, nên mình chọn ở riêng, nhưng vấn đề là phải biết cách cân đối chi phí. Vì lương văn phòng bao giờ cũng tăng chậm hơn so với lạm phát. Khi ở riêng, mình cần phải có tính chủ động và trách nhiệm hơn với số tiền chi tiêu hàng tháng. Bởi nếu không biết tiết kiệm, chi tiêu không có chừng mực, thì bản thân sẽ dễ rơi vào cảnh túng thiếu, khó nhờ cậy ai vì ở 1 mình. Ai cũng sẽ thích sự an toàn trong tài chính, thế nên sống 1 mình lâu sẽ phải tìm cách điều chỉnh chi tiêu cho hợp lý, ít nhất là không tới mức hết tiền cuối tháng. Khác hoàn toàn so với lúc ở chung vì nếu tiêu hết tiền có thể ỷ lại vào bạn trai, bạn gái, bạn cùng phòng,....

Sống một mình, tất cả mọi thứ là của bản thân nên sẽ có xu hướng giữ gìn và tiết kiệm hơn, từ điện, nước hay ăn uống. Bởi tất cả đều là lợi ích cho bản thân, phần lớn mọi người đều coi trọng lợi ích của mình hơn là lợi ích chung mà, phải không?”.

Tuy vậy, Thùy cũng chia sẻ thêm, rằng chuyện sống chung rất có lợi mỗi khi có vấn đề về sức khỏe, đau ốm. Hoặc ít nhất là sẽ không cảm thấy quá cô đơn khi sống ở thành phố lớn, vì luôn có người trò chuyện cùng và san sẻ về mặt tinh thần.

Nếu không muốn sống chung, hãy cố gắng “kiếm thêm tiền”

Ngoài vấn đề tài chính, việc sống chung còn đồng nghĩa với việc bạn sẽ mất đi 1 phần sự riêng tư trong cuộc sống. Rất nhiều điều bạn cần chia sẻ cùng nhau: như việc nhà, nấu ăn, sử dụng đồ chung hoặc riêng,...

Việc sống chung đôi khi cũng gây ra nhiều khó khăn như tài chính không rõ ràng, phải chấp nhận những thói quen không tốt, đôi khi xảy ra tranh cãi, không được tự do,... Vậy nên, dù nhận thấy sống chung giúp làm giảm áp lực tiền nong, Lê Nhi vẫn chia sẻ thêm: “Nếu thuộc tuýp không thích sống chung dù là bạn trai hay bạn thân, và chỉ muốn ở 1 mình, bạn phải chấp nhận việc sẽ phát sinh nhiều khoản chi tiêu hơn. Giống thời điểm mình bắt đầu ở 1 mình. Lợi ích việc ở chung là có thể giảm được những khoản cần chia đôi tiền, nhưng cộng dồn các khoản cũng chỉ vài triệu. Thay vì bắt buộc phải tìm người ở cùng, thì bạn hãy cố gắng kiếm bù số tiền đó để cuộc sống thoải mái nhất”.

Sống chung có thực sự giúp dân văn phòng giảm áp lực tài chính? - Ảnh 3.

Nguyễn Biển (Hà Nội) hiện đang sống chung cùng bạn gái cũng tán thành quan điểm của Nhi Lê: “Bạn gái mình thì có tính tiết kiệm, nên những gì có thể dùng chung thì dùng chung. Mình thấy điều đó cũng ổn, mua ít đồ vừa tiết kiệm tiền vừa có thể hạn chế đồ đạc nhiều trong nhà.

Chuyện sống chung có thể giúp bạn tiết kiệm chuyện chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày như các khoản chi tiêu thiết yếu. Nhưng! Chuyện sở thích thì không. Ví dụ như tụi mình, đều có sở thích chung là ăn uống và xem phim. Hễ cứ có món ăn nào đang nổi tiếng là phải kéo nhau đi ăn thử, phim nào hay thì sẽ đi xem. Rồi có những chuyến đi du lịch chung, chỉ để đến nơi đó ăn ngon rồi về, hoặc thay đổi không gian mới. Và khoản chi phí này sẽ giao động tùy tháng, có tháng sẽ vượt mức chi tiêu vì tiệc tùng nhiều, và có tháng thì ngược lại. Vậy nên ở chung chỉ có hiệu quả tiết kiệm, khi 1 trong 2 biết cách tính toán và cân đối chi tiêu. Có lẽ vì tâm lý mình còn trẻ, lại đang kiếm ra tiền, thế nên tụi mình tiêu pha khá nhiều cho những nhu cầu hưởng thụ của bản thân. Vì thế, nếu nói rằng sống chung giúp dân văn phòng tiết kiệm hơn về tài chính, có lẽ chỉ đúng trên 1 phương diện nào đó thôi!”.