Đặng Gia Vượng, (sinh ra tại huyện Kiềm Giang, Trùng Khách, Trung Quốc), từ một cậu bé nghèo trở thành chuyên gia nuôi bò nổi tiếng trong huyện. Năm 2018, anh trở về quê lập nghiệp, công việc mà anh lựa chọn là nuôi bò, trải qua gần 5 năm chuyên tâm và làm lụng, anh được huyện trao cho danh hiệu "kỹ thuật viên nông nghiệp đặc biệt". Trên con đường chăn nuôi bò, anh không chỉ làm giàu cho mình mà còn dẫn dắt mọi người cùng làm giàu bằng những việc làm thiết thực của mình.
Về quê lập nghiệp, phát triển ngành chăn nuôi
Đặng Gia Vượng năm nay 35 tuổi, là một chàng trai nông thôn kiên cường. Khi còn đi học trung học cơ sở, cả cha và mẹ đều bỏ anh mà đi. Sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, anh theo những người dân làng gần đó đến Tứ Xuyên để làm thợ mộc và thợ sửa ống nước. Trong công việc, anh được nhận xét là người chịu khó, trong cuộc sống, anh được khen ngợi là người ấm áp, tốt bụng, được đồng nghiệp và sếp vô cùng yêu mến.
Sau đó, Đặng Gia Vượng gặp người phụ nữ, sau này chính là vợ anh. Cả hai cùng chí thú làm ăn, nhưng mãi vẫn bị cái nghèo đeo bám, nên anh đã cùng vợ trở về quê hương để phát triển. Khoảng thời gian mới về quê, số tiền anh kiếm được từ công việc bán thời gian chỉ đủ trang trải chi phí sinh hoạt, không thể tiết kiệm được nhiều, vì vậy anh bắt đầu nghĩ cách tăng thu nhập cho gia đình.
Sau một thời gian suy nghĩ, anh quyết định phát triển nghề chăn nuôi, đầu tiên anh chọn chăn nuôi lợn, do thị trường không tốt nên anh đã bán đàn lợn nuôi được một năm, số tiền bán lợn được cũng chỉ đủ trang trải cho gia đình.
Năm 2018, Đặng Gia Vượng nhìn thấy triển vọng tốt từ việc chăn nuôi bò và quyết định chuyển sang chăn nuôi loài vật này, anh đã đầu tư hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng 300 triệu đồng) và mua 10 con bò.
"Nuôi bò vất vả hơn nuôi lợn rất nhiều, mỗi ngày phải dành ra rất nhiều thời gian để đi cắt cỏ." Đặng Gia Vượng nói với các phóng viên rằng trong vài năm chăn nuôi vừa qua, anh thường thức dậy lúc 5 giờ sáng. Sáng nào cũng vậy, đến 11 giờ tối mới lên giường đi ngủ. Vì lên núi cắt cỏ, tay chân anh thường xuyên bị đâm trầy xước, vết thương cũ chưa lành, vết thương mới đã lại xuất hiện.
Mặc dù vất vả, anh vẫn nhất quyết kiên trì với sự ngoan cường của mình. Với sự chăm sóc và nuôi dưỡng cẩn thận của anh, số bò trong chuồng hiện nay đã tăng từ 10 con lên 52 con.
Không ngừng học hỏi, phát triển kĩ năng
Phương pháp chăn nuôi bò theo thụ thai tự nhiên trước đây dễ dẫn đến giao phối cận huyết, ảnh hưởng đến sức sản xuất của đàn gia súc. Để thay đổi tình trạng này, Đặng Gia Vượng đã nghĩ đến việc tự nhân giống gia súc, không ngừng cập nhật giống, nâng cao chất lượng sinh trưởng của gia súc.
Anh tìm hiểu được rằng công nghệ của tỉnh Cát Lâm trong lĩnh vực này tương đối phát triển và đã chi hơn 10.000 nhân dân tệ (khoảng 30 triệu đồng) để học về công nghệ chăn nuôi này.
Sau đó, Đặng Gia Vượng bắt đầu thực hành những kiến thức đã học, may mắn thay, công nghệ được áp dụng thành công và cả 10 con bò đều được phối giống thành công.
Nhờ kỹ thuật chăn nuôi ngày càng thuần thục và nhờ cả sự thân thiện, tốt bụng của mình, Đặng Gia Vượng trở nên nổi tiếng trong ngành, rất được lòng khách hàng, anh còn được họ giúp giới thiệu thêm khách hàng. Cho đến nay, Đặng Gia Vượng đã thụ tinh nhân tạo cho hơn 200 con bò, và kiếm được 300 nhân dân tệ (khoảng 1 triệu đồng) cho mỗi con.
Không quên lý tưởng ban đầu - dẫn dắt hàng xóm cùng trở nên giàu có
Kể từ khi công việc có bước phát triển, Đặng Gia Vượng đã thuê những lao động nhàn rỗi xung quanh để giúp anh làm chuồng bò, cắt cỏ và cho bò ăn, nhiều người dân làng đã làm việc ở đây trong một thời gian dài. Vào mùa bận rộn, hơn 30 công nhân làm việc trên cánh đồng mỗi ngày để giúp làm cỏ và bón phân. Có 6 công nhân làm việc ở đây mỗi ngày, trong đó có 2 người cho gia súc ăn và 4 người cắt cỏ.
"Tôi già rồi khó kiếm việc làm. Nếu làm ở đây, tôi có thể kiếm được 1.200 đến 1.400 nhân dân tệ (khoảng 4.5 triệu đồng) mỗi tháng, cộng với thu nhập từ những công việc lặt vặt khác. Như vậy là đủ lo cho gia đình." Chú Trương, một người làm việc trong trang trại, nói với phóng viên.
Suốt gần 5 năm qua, đàn gia súc do Đặng Gia Vượng nuôi hầu như không bao giờ phải lo chuyện tiêu thụ, tổng thu nhập từ số gia súc bán được là hơn 200.000 tệ mỗi năm (khoảng 600 triệu đồng), việc chăn nuôi gia súc đã thực sự khiến cuộc sống của gia đình anh trở nên "tươi đẹp".
Từ chỗ không biết chăn nuôi trở thành một chuyên gia chăn nuôi gia súc, Đặng Gia Vượng đã chăm chỉ không ngừng học hỏi về kiến thức chăn nuôi, không ngừng sàng lọc và cập nhật giống, trở thành một "chuyên gia" trong ngành.
"Bạn phải làm việc chăm chỉ, tự tin và kiên trì trong công việc." Đây là câu mà Đặng Gia Vượng thường nói, và đó cũng là sự đảm bảo cơ bản để anh làm, yêu thích và xuất sắc trong công việc của mình. Ngày nay, nhờ những kỹ năng tuyệt vời của mình, anh đã được Ủy ban Nông nghiệp và Nông thôn huyện Kiềm Giang thuê với tư cách là "kỹ thuật viên nông nghiệp đặc biệt". Anh sẽ sử dụng kỹ năng của mình để giúp đỡ nhiều dân làng hơn và giúp hồi sinh các vùng nông thôn của Kiềm Giang.