Hiện tại sự việc vẫn chưa có hồi kết. Trong lúc chờ đợi người trong cuộc, cộng đồng mạng và chính các nhân viên văn phòng cũng nhìn nhận lại vấn đề trên và có những quan điểm riêng của mình.
Mất thiện cảm với công ty là thực tế không thể chối bỏ
Đọc bài đăng của công ty H. từ sáng sớm khi có người chia sẻ vào một nhóm trao đổi thông tin việc làm nhân sự, chị Mỹ Anh (nhân viên ngân hàng, Hà Nội) đã rất bất ngờ bởi thấy các tài khoản, có cả bạn bè của mình thi nhau vào bình luận bức xúc thay công ty. "Mình hiểu là mọi người sẽ có sự đồng cảm khi đọc đến việc công ty bị thiệt hại, bởi mình làm trong lĩnh vực ngân hàng nên càng thấu hiểu được, để có những dữ liệu quan trọng là sự nỗ lực cả một thời gian dài của tập thể".
"Tuy nhiên, đến lúc nhìn thấy mọi người kêu rằng lại là gen Z và dùng một số lời khiếm nhã để công kích 2 bạn nhân viên đó, mình không đồng tình chút nào. Thậm chí, mình mất thiện cảm và nghi ngờ công ty nhiều hơn khi chỉ đích danh và công khai cả hình ảnh, facebook cá nhân. Mình tự hỏi, những lời công ty H. nói rằng chỉ muốn đưa ra để các công ty khác lấy làm bài học, có thật sự chỉ một mục đích như vậy, hay là đang muốn kết thúc luôn sự nghiệp của 2 nhân viên trẻ?".
Bạn Đinh Linh (nhân viên kinh doanh, Hải Phòng) nói: "Ngay từ khi nhìn thấy bài đăng, chụp rõ trang cá nhân của hai bạn, lại còn ghi cụ thể trường đại học nữa là mình không muốn tương tác bất cứ điều gì rồi. Nhưng qua đây, mình cũng xếp công ty này vào danh sách loại trừ. Nói thẳng ra, nếu có thất nghiệp mình cũng không thể cắn răng mà chọn công ty như thế này được".
"Thú thật là trong những lúc quá bức xúc, muốn bùng nổ, mình cũng chớm nghĩ trong đầu sẽ làm một vố như vậy. Tiếc là mình có lá gan hơi bé và cũng trước mắt lo ảnh hưởng tới cơm áo gạo tiền của bản thân nhất.", Thanh Hải (nhân viên nội dung tại TP HCM) bày tỏ.
Đến thời điểm hiện tại, bài đăng của công ty H. đã thu về hơn 40K lượt tương tác, 21K lượt bình luận, 12K lượt chia sẻ, cho thấy câu chuyện đã bị đẩy đi quá xa. Mặc dù vậy, chính bên "khởi xướng" vấn đề vẫn chưa cho mọi người một lời giải thích xác đáng.
Thay vì hùa theo hiệu ứng đám đông để công kích sai lầm của hai bạn nhân viên cũ, đã có những ý kiến vặn ngược lại những sai lầm của công ty H. Một số bình luận chẳng những đặt "dấu chấm hỏi" về việc để nhân viên đã nghỉ được 2 tháng truy cập được vào dữ liệu được cho là quan trọng, mà còn đăng thông tin cá nhân lên để “bóc phốt” khi chưa phân xử pháp lý.
"Sao mà truy cùng diệt tận thế người tuyển dụng lao động? Công ty có thể kiện lên pháp luật mà, công khai trực tiếp danh tính của các bạn trẻ thì có hơi không có lương tâm trách nhiệm với người lao động không khi lấy số đông mạng để tấn công 2 bạn. Trong khi đó số đông mạng cũng không thể hiểu rõ ai đúng ai sai vì chỉ người trong cuộc mới thật sự hiểu rõ vấn đề".
"Càng ngẫm càng thấy hai bên đều hành xử cảm tính. Thời mới vào nghề mình cũng vì tức giận mà đưa cả danh tính mấy nhân viên làm việc không vừa ý lên, may quá bây giờ không thế nữa. Và hơn hết, mình nhận ra rằng khi nhân viên có vấn đề, một phần lớn do khâu tuyển dụng, chính là bản thân mình bất ổn sẵn, chứ chưa trách đến người khác".
Ảnh minh họa. Pinterest
Để bảo toàn được cả tài sản chung lẫn mối quan hệ thì cẩn thận một chút chẳng thừa
Anh Lê Quý Cường (giám đốc Marketing, Hải Phòng): "Xét về khía cạnh nào đó, mình chắc chắn công ty này được cả nước biết tới với vụ lùm xùm chứ không phải vì sản phẩm đặc trưng. Cá nhân mình thấy mất thiện cảm với công ty như vậy hơn là quan tâm đến hai bạn nhân viên kia. Giờ mình sợ chẳng dám làm với những bên như vậy, lỡ làm gì sai họ bóc phốt lên, cả công sức xây dựng bấy lâu đi tong hết thì sao?"
"Đặc thù ngành nghề của mình, trong bộ phận sẽ có các bạn Freelancer hay thực tập, cộng tác viên part time, mình luôn áp dụng một số quy tắc để hạn chế, đảm bảo không xảy ra các sự cố đáng tiếc trong công việc". Và anh Cường cho rằng, những quy tắc này đa số các quản lý văn phòng đều nắm được và nên áp dụng vào công việc:
Thứ nhất, luôn luôn tạo nhiều bản sao, lưu dữ liệu ở ít nhất 2 nơi và có riêng kho dữ liệu cho các đầu việc, các bạn freelancer, cộng tác viên.
Thứ hai, suy xét trước khi "trao quyền", kể cả quyền truy cập dữ liệu lẫn quyền hành trong công việc.
Thứ ba, cái này mặc dù dựa vào lòng tin giữa con người với nhau là chính nhưng là người quản lý, luôn phải lường trước được mọi hậu quả, sự cố có thể xảy ra, nên sẽ xóa hết quyền hạn ngay khi thỏa thuận để nhân sự nghỉ việc.
Thứ tư, cũng là điều nên coi trọng nhất, trong quá trình làm việc, dù là bên nào cũng nên cố gắng không căng thẳng, trao đổi đàng hoàng. Mặc dù ràng buộc bằng cách ký Hợp đồng lao động nhưng phải làm sao để đi làm vui vẻ gắn bó vì văn hóa, môi trường chứ không chỉ vì vài ba dòng trên giấy tờ. Trong lúc làm việc, khích lệ cũng có mà chỉ ra lỗi sai cũng có. Nhưng "không có lửa thì sao có khói", mỗi bên cứ cố gắng từ phía mình trước.