Livestream bán hàng đã và đang là xu hướng. KOC hay các TikToker tranh thủ mức độ "phủ sóng" hình ảnh của mình trong cộng đồng để bán hàng chốt đơn là hình ảnh cũng đã quen thuộc. Sức hấp dẫn và khả năng kiếm tiền của nghề này lớn đến thế nào thì chỉ cần nhìn vào dàn nghệ sĩ nổi tiếng, vợ cầu thủ cho đến KOL đều đổ xô đi livestream là có câu trả lời.
Khi công việc này càng thu hút nhiều người tham gia, nhiều nhãn hàng tìm đến thì càng dễ xảy ra chuyện ồn ào. Loạt thị phi của các KOC quen thuộc với cư dân mạng như Phạm Thoại, Chuyện Nhà Linh Bí hay Võ Hà Linh là ví dụ. Và đứng trước ồn ào, mỗi người lại có một cách phản ứng khác nhau.
Phạm Thoại vẫn thản nhiên khi bị "phốt", Hà Linh đòi đối chất nhãn hàng
Vụ việc mới nhất liên quan đến Phạm Thoại - gương mặt nổi danh trong làng livestream. Cụ thể chị P. (Hà Nội) tố Phạm Thoại làm việc không có tâm, mắng khách hàng và khiến mình bị lỗ nặng khi tốn 220 triệu thuê livestream nhưng chỉ bán được hơn 100 đơn, thu về hơn 20 triệu.
Sau khi chị P. đăng đàn, Phạm Thoại làm clip phân bua và khẳng định: “Ngay thẳng mà làm thôi”. Thoại cho biết 220 triệu gồm cả tiền sự kiện và livestream, bản thân không cam kết doanh thu cho bất kỳ nhãn hàng nào. KOC này cho biết một trong những lý do khiến phiên live cũng không suôn sẻ là chị P. và nhãn hàng không đưa được deal sốc.
Phạm Thoại trong phiên livestream cho chị P.
Trước phản ứng này, chị P. tuyên bố không để sự việc chìm xuống và tiếp tục tố Phạm Thoại "có hành vi trốn thuế vì kêu tôi chuyển khoản tiền vào tài khoản cá nhân và không làm hợp đồng gì". Trong khi đó Phạm Thoại vẫn duy trì các hoạt động bình thường như livestream đều đặn và đi sự kiện.
Ngay trước sự việc của Phạm Thoại, một KOC/ TikToker khác cũng vướng ồn ào là Bích Ngọc - chủ kênh Chuyện Nhà Linh Bí. Cô bị tố quảng cáo sai sự thật một sản phẩm chức năng cho trẻ em có nguồn gốc từ Nhật Bản.
Không lâu sau khi bị tố, Bích Ngọc đã làm video cúi đầu xin lỗi cộng đồng mạng, đặc biệt là những người đã tin tưởng mình. Trong video, cô khẳng định con gái mình đã sử dụng sản phẩm từ trước rồi mới được nhãn hàng mời hợp tác. Phía nhãn hàng cũng gửi giấy tờ để cô kiểm tra còn các phát ngôn, Ngọc hoàn toàn nhận lỗi sai về mình.
Bích Ngọc - chủ kênh Chuyện Nhà Linh Bí lên tiếng xin lỗi
Dẫu vậy nhiều người vẫn bày tỏ sự thất vọng bởi đây vốn là kênh có nội dung sạch nhưng giờ đã bị thương mại hoá. Sau sự việc kênh Chuyện Nhà Linh Bí tạm dừng ra video khoảng 10 ngày và mới quay lại thời gian gần đây. Các video mới trên kênh đều là nội dung đơn thuần, không gắn quảng cáo.
Từ sự việc nhà Linh Bí, không ít người nhắc đến một gia đình nổi tiếng khác là nhà B.B. Thời gian gần đây, gia đình B.B bị cho là quảng cáo sai sự thật, nói quá về công dụng hay hiệu quả của sản phẩm để chốt đơn. Tuy nhiên phía nhà B.B chưa có bất cứ phản hồi nào về chuyện này.
Võ Hà Linh cũng là nhân vật gặp ồn ào với nhãn hàng gần đây. Đầu tháng 9, cô đăng clip review cặp dầu gội xả hãng O và nhận xét dầu gội khiến tóc nhanh bết, không cải thiện rụng tóc như quảng cáo. Tuy nhiên cư dân mạng nhanh chóng soi ra chi tiết Hà Linh dùng sản phẩm này nhưng hoá đơn mua hàng lại là sản phẩm kia, làm dấy lên nghi vấn cô dùng hàng fake, kém chất lượng để review hạ bệ hàng thật.
Hà Linh trong clip review dầu gội O
Ngay sau đó, công ty phân phối dầu gội O ở Việt Nam đăng loạt chứng cứ, khẳng định dầu gội mà Hà Linh sử dụng không phải hàng chính hãng và đang thu thập chứng cứ để bảo vệ quyền lợi pháp lý. Shop bán hàng cho Hà Linh cũng xuất hiện, thừa nhận mình có bán hàng cho Hà Linh nhưng sản phẩm mà Linh quay trong clip review thì không thể kiểm soát được.
Về phần mình, Hà Linh vẫn khẳng định mình dùng sản phẩm mua từ gian hàng chính hãng, đã check QR code sản phẩm, sẵn sàng đối chất trực tiếp nếu công ty cần. Đến hiện tại, sự việc giữa Hà Linh và dầu gội O đã lắng xuống nhưng vẫn để lại nhiều thắc mắc vì dân tình không biết nên tin tưởng bên nào.
KOC, TikToker “lấn sân” chốt đơn đang “ngáo quyền lực”, cuối cùng người thiệt vẫn là khách hàng?
Phạm Thoại show “bảng thành tích chốt đơn khủng” để ra giá và không cam kết doanh thu với nhãn hàng; những người bênh vực Phạm Thoại cho rằng vì nhãn hàng “thiếu kiến thức, không hiểu tệp khách hàng của mình” nên mới book sai KOC dẫn đến thiệt hại. Chưa bàn đến vấn đề kiến thức làm marketing hay ai đúng ai sai trong sự việc này thì một sự thật mà ai cũng thấy đó là: Chẳng ai vui vẻ khi thuê một người livestream về để người đó… mắng khách.
"Mắng khách ra rả" trên livestream chưa khi nào được xem là "phong cách riêng" của một KOC chuyên nghiệp. Thái độ và cách ứng xử của KOC với khách mua hàng ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh, giá trị thương hiệu.
Đã có tình huống một nhân vật livestream nổi tiếng nước bạn bị chỉ trích nặng nề khi mỉa mai khách “không mua nổi cây son thì nên xem lại chính mình” khi khách chê son đắt. Nhãn hàng sấp mặt khi "lỡ" book một KOC ăn nói "hồ đồ" như thế về bán hàng cho mình.
Nhưng ở trường hợp của Phạm Thoại, "mắng" khách bỗng trở thành một chuyện hiển nhiên. Còn với câu chuyện của Chuyện Nhà Linh Bí, trả tiền lại cho nhãn hàng và xin lỗi mong được tha thứ là xong. Nếu đặt trường hợp không có ai phát hiện ra những "quảng cáo sai sự thật" này thì sẽ có bao nhiêu người mua hàng phải lãnh hậu quả chỉ vì việc KOC cứ cầm tiền là khen lên tận mây xanh. Hay thị phi giữa Võ Hà Linh và nhãn hàng dầu gội, người mua rốt cuộc nhận được lợi gì khi follow những cuộc đấu tố qua lại này trên MXH? Thế mà họ vẫn nổi!
KOC, TikToker gặp "phốt" hay vướng thị phi sau một thời gian ồn ào lắng xuống lại quay về việc chốt đơn, kiếm tiền, bắt tay với nhãn hàng khác để "dọn sạch kho hàng"... như chưa từng có chuyện gì xảy ra. Thậm chí Phạm Thoại vẫn đi sự kiện bình thường giữalúc bị “phốt” làm ăn không có tâm. Gia đình B.B bị réo tên vì quảng cáo sai sự thật ở khắp nơi nhưng nhất định im lặng coi như không có gì xảy ra và vẫn gắn link quảng cáo kiếm tiền đều đều vì có cả ngàn mắt xem giữa những ồn ào.
Sự dễ dãi của khách hàng đang khiến một bộ phận KOC nổi tiếng “ngáo quyền lực”?
Dù là nhãn hàng lớn hay nhỏ, KOC hay TikToker lấn sân chốt đơn, những ồn ào giữa các bên tạo nên môi trường buôn bán đầy thị phi, thậm chí có thể bị lợi dụng để cạnh tranh không lành mạnh. Người mua hàng thì không thể tìm được sản phẩm tốt, người bán hàng thì không đạt doanh thu như kỳ vọng thậm chí bị lỗ, còn các KOC nếu cứ phát triển theo hướng không chuyên nghiệp thì sẽ đến lúc bị "đào thải" ra khỏi nghề hot. Lúc đó, những con số chốt đơn chục tỷ một phiên livestream hay dọn sạch kho hàng sau 1 đêm chỉ là những con số, hình ảnh không có thật đem đi "nổ" mà chẳng còn ai muốn nghe.