Những câu chuyện đi ngược xu hướng luôn thu hút sự quan tâm của dân tình. Sẽ luôn có một câu chuyện, một lý do đặc biệt phía sau những quyết định ngược dòng số đông như thế. Việc bỏ thành phố nhộn nhịp chọn bỏ phố ra đảo sống của Nguyễn Xuân Định (sinh năm 1995, quê Khánh Hòa) là một ví dụ.
Trước khi bén duyên với đảo Phú Quý (Bình Thuận), Xuân Định vốn là một kỹ sư mảng lập trình ô tô tại một công ty công nghệ tại TP.HCM. Là một kỹ sư giỏi, công việc mang lại thu nhập ổn định song vì ấp ủ một cuộc sống bán du mục, có những chuyến đi kéo dài, không muốn tiếp tục dành đến tận 14 tiếng/ngày ở công ty, Định chọn dừng lại để bắt đầu ngao du.
Xuân Định chia sẻ: “Từ lâu mình đã luôn ấp ủ cuộc sống du lịch kéo dài kiểu bán du mục, mà ngành kỹ sư đang làm lúc bấy giờ không đáp ứng được mong muốn đó. Thế là mình tự đặt câu hỏi để dễ dàng ra quyết định: có muốn 5 năm, 10 năm sau vẫn làm kỹ sư ngày 8-14 tiếng ở văn phòng không?”.
Bên cạnh đó Định cũng nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía gia đình: “Mình hầu như không gặp bất kỳ trở ngại nào từ phía gia đình. Mình đã có được sự tin tưởng khá cao do mình đã chứng minh gia đình thấy mình có khả năng thích nghi môi trường, khả năng xoay sở tài chính. Đó là những tiêu chí quyết định việc bạn được tự do theo đuổi điều mình muốn mà gia đình không thể không chấp thuận”.
Trước khi ra đảo sống, Xuân Định không nhận thêm sự chu cấp từ phía gia đình mà hoàn toàn dựa vào tiền tiết kiệm được từ công việc kỹ sư và bảo hiểm xã hội. Đối với Định, tiền bạc không hẳn là vấn đề quá quan trọng, vì anh tới đây với một tâm thế “trụ” lại lâu dài chứ không phải đi du lịch ăn chơi ngắn hạn nên chi phí phải bỏ ra không quá cao.
Đến đảo, Xuân Định tiếp tục lao động kiếm sống, và công việc chính của Định tại hòn đảo này là hỗ trợ và hướng dẫn khách du lịch khi tới tham quan. Định phụ trách công việc dẫn tour, hướng dẫn khách lặn ngắm san hô, thăm thú cảnh đẹp dưới biển.
Định khám phá bầy cá dưới đại dương
Với công việc kỹ sư trước đây, Xuân Định kiếm được 20 triệu/ tháng. Sau khi chuyển sang công việc này, thu nhập mà Định kiếm được chỉ bằng một nửa so với trước, chỉ đủ để ăn uống và khám phá đảo. Thế nhưng hiện tại, Định vẫn rất hài lòng với cuộc sống và đặc biệt là con người nơi đây. Song song với công việc trên, Định cũng đang xây dựng thêm kênh YouTube “người Định đi lạc” để chia sẻ hành trình du mục của bản thân.
Xuân Định cho biết: “Cuộc sống trên đảo dạy mình hiểu rằng những nỗi lo trước kia của mình đều không có thật, từ nỗi lo tài chính, thực phẩm, sức khỏe cho đến gia đình. Thiên nhiên ở đảo dạy cho mình tình yêu đối với biển, san hô và những sinh vật vô cùng lạ lẫm, phong phú ở đây. Người dân trên đảo dạy mình một cách sống mộc mạc, chân tình với nhau”.
Với những điều kiện mới cần sự thích nghi, Xuân Định nhận định rằng có rất nhiều sự khác biệt giữa thành phố với hòn đảo này, đặc biệt là: “Xe máy ở đây không cần rút chìa khóa, cũng không sợ bị trộm lấy, chỉ sợ đi nhầm xe của nhau. Đến nhà cửa cũng không cần giữ hay sợ mất. Điện, nước, internet, quán xá ở đây còn phát triển và sôi động hơn ở quê mình. Con người lại rất thân thiện và luôn sẵn sàng chia sẻ thức ăn, chỗ ngủ nếu cần. Hải sản thì vô cùng rẻ và đa dạng”.
Xuân Định đã trót “phải lòng” nơi đây và dự tính sẽ kéo dài cuộc sống này trong ít nhất 1 năm nữa, hoặc kéo dài càng lâu càng tốt. Khi được hỏi nếu một ngày phải quay lại với cuồng quay thành phố, phải làm việc 14 tiếng/ ngày thì liệu Định có hòa nhập được không?
Xuân Định trả lời rất dứt khoát: “Mình có khả năng thích nghi cao nên nếu trường hợp hi hữu đó xảy ra thì mình vẫn luôn tự tạo ra những niềm vui cho bản thân và người khác”.
"Mình không dám khuyên các bạn trẻ làm ngay thứ các bạn muốn, vì mỗi hoàn cảnh mỗi khác nhau. Các bạn nên nuôi sống ước mơ của mình và vạch ra những kế hoạch để từng bước tiến tới ước mơ đó trước. Chỉ cần mỗi ngày bạn dùng 30p để nghĩ về tương lai của bạn cần làm gì, bạn sẽ dần có định hướng cho tương lai và tự nhắc nhở mình theo đuổi ước mơ của bản thân", Định khép lại cuộc trò chuyện.