Gần 10 năm nay, dường như đã trở thành thói quen, mỗi sáng Dương Tiên Sinh (23 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đều ra bãi đất trống gần nhà để huấn luyện chim săn mồi.
Ngoài Sinh, còn có khoảng 4 - 5 người tham gia huấn luyện, biểu diễn kỹ nghệ thuần phục các loại chim săn mồi tại bãi đất này.
Mỗi buổi sáng Sinh cùng mọi người dành 1-2 giờ đồng hồ, vừa để cho chim luyện bay và săn mồi ngoài trời, vừa tranh thủ tập thể dục.
Nhóm của Sinh huấn luyện chim săn mồi vào buổi sáng tại một bãi đất trống ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội
"Nhóm của tôi có hơn 10 anh em đang chơi chim săn mồi nghệ thuật. Các loại chim hiện nhóm đang sử dụng là chim ưng, chim cắt, đại bàng.
Trước đây, vô tình xem trên chương trình truyền hình thấy thích thú, kích thích khi xem các loại chim săn mồi nên tôi tìm hiểu về chim và phải mất gần 1 năm mới mua được chú chim đầu tiên.
Ở Việt Nam bộ môn này chưa phát triển nên tìm mua được chim rất khó khăn, các bãi đất trống ở thủ đô còn khá ít nên việc chơi chim cũng gặp khó.
Chính vì vậy các thành viên trong nhóm phải đi xa ra ngoại thành để huấn luyện chim...", Sinh chia sẻ.
Để phục vụ việc huấn luyện chim, các thành viên trong nhóm sử dụng các thiết bị hiện đại như Flycam, định vị GPS.
Hiện tại, trung bình chú chim săn mồi của Sinh ăn hết 8.000đ/ngày.
Một chú chim có giá khoảng 800.000đ - 2.000.000đ. Tuy nhiên, bộ định vị GPS gắn trên người chim lên tới 20.000.000đ.
"Để chinh phục các loài chim dữ như chim ưng, đại bàng, chim cắt những người chơi chim phải mất ít nhất 3-6 tháng để làm quen.
Thời gian sau, chim và người huấn luyện như đôi bạn, chim sẽ nghe theo hiệu lệnh của người. Đến khi đạt đến trình độ cao, có thể thả chim bay lượn trên bầu trời và biết nghe hiệu lệnh để quay lại, hoặc tấn công con mồi theo lệnh chủ...", Sinh nói.
Nghệ thuật huấn luyện chim săn mồi bắt nguồn từ Trung Đông, du nhập vào Việt Nam khoảng 10 năm nay.
Để sở hữu những "sát thủ bầu trời", người chơi phải có giấy phép hợp pháp.
Đặc điểm nổi bật nhất của chim săn mồi là chúng có đôi mắt sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn.
Các loại chim săn mồi có khả năng lao nhanh như tên và có bản tính khá hung dữ, thiện chiến.
Để huấn luyện chim quen dần với các bài tập, ban đầu người chơi phải tìm cách "thuần tính" chúng bằng việc sử dụng những thiết bị như vòng đeo số, mũ đội đầu (hood), cầu đứng, dây da chống xoắn để cho chim bình tĩnh, biết nghe lời và bớt hung hăng.
Bên cạnh đó, người chơi còn phải sử dụng các thiết bị định vị, thiết bị huấn luyện hiện đại như Flycam, định vị GPS.
Đặc biệt không thể thiếu chuông, còi, mồi săn giả, găng tay da ba lớp...
Anh Trần Huy Hoàng (SN 1987, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) tham gia sân chơi huấn luyện chim săn mồi được khoảng 6 năm chia sẻ, chim săn mồi được người chơi mua về từ khi còn rất nhỏ để việc huấn luyện dễ dàng hơn.
Theo anh Hoàng, nuôi chim hoang dã rất khó, đòi hỏi sự kiên nhẫn cũng như phải hiểu tập tính và sở thích thức ăn của từng loài.
Trong quá trình huấn luyện, nếu người nuôi tỏ thái độ áp đặt quá mức, hay to tiếng, dọa nạt thì chim sẽ không hợp tác, không nghe theo hiệu lệnh và tự động bỏ đi mất.
Không chỉ thế, chim săn mồi vốn quen với việc bay lượn, nếu bị nhốt trong lồng quá lâu, chẳng mấy chốc chúng sẽ đổ bệnh.
Dương Tiên Sinh chia sẻ, chim cắt là loài bay săn mồi có tốc độ cao, khi chúng lao tới mục tiêu (con mồi) có thể đạt vận tốc 60km/h
Để điều phối chim săn mồi, người huấn luyện chim chủ yếu phải dùng đến thức ăn để dẫn dụ. Hằng ngày, người chơi sẽ phải cân đối lượng thức ăn chia theo tỉ lệ bằng 1/10 trọng lượng của chim.
Các loại chim ưng, đại bàng, chim cắt... là những ''sát thủ bầu trời'' được huấn luyện trong khoảng 3-6 tháng có thể nghe theo hiệu lệnh của chủ.