Lựa chọn từ bỏ công việc văn phòng và bắt đầu lập nghiệp ở một nơi xa quả thực là quyết định đúng đắn của những người trẻ này tính cho đến thời điểm hiện tại. Không chỉ gạt bỏ được những ồn ào chốn công sở, khói bụi nơi thành phố, mà cuộc sống và thu nhập của họ giờ đây cũng ổn định hơn khi bỏ phố lên rừng, ra đảo làm chủ!
Dân ngân hàng bỏ phố về đảo mở quán ăn: Sau 2 năm, mở 2 tiệm
Hơn 10 năm bỏ đảo ra đất liền làm việc, Phạm Hoàng Khang (27 tuổi, Phú Quý) quyết định quay trở về quê hương để lập nghiệp vì bản năng muốn kinh doanh, học làm chủ thôi thúc anh chàng. Từng làm ngân hàng, nghề tay trái là môi giới bất động sản, cuộc sống và công việc ổn định nhưng cũng không đủ để níu chân chàng trai trẻ tiếp tục ở phố.
Bỏ việc văn phòng về đảo - đây hoàn toàn không phải quyết định bồng bột, mà là cả một quá trình tích lũy kinh nghiệm, vốn sống cũng như tiền bạc để có can đảm về quê. Khang cho biết, dù khi quay lại đảo Phú Quý có rất nhiều khó khăn phải đối mặt, nhưng cho đến hiện tại mọi thứ đều dần đi vào quỹ đạo: Thu nhập ổn định và cao hơn khi còn làm văn phòng, mở được quán ăn thứ 2 chỉ sau 2 năm tự kinh doanh.
Phạm Hoàng Khang (27 tuổi, Phú Quý) và quán ăn đầu tiên cạnh bãi biển
Mô hình kinh doanh Hoàng Khang lựa chọn là kết hợp cắm trại - cà phê - BBQ tại đảo Phú Quý. Cũng không đơn phương độc mã lập nghiệp, Khang cho biết anh cùng kết hợp với một số người bạn để triển khai dự án nhanh - gọn - lẹ hơn.
Khởi điểm nền móng của quán ăn đầu tiên là một ngôi nhà cũ nát, xung quanh không có ai kinh doanh buôn bán gì. Đó cũng là khu vực đón gió nên gió rất lớn, cứ 7 - 8h tối là nhiều nhà đóng cửa tắt đèn tối om. Nhưng hiện tại, sau một quá trình cải tạo và xây dựng, nơi đây đã biến thành một quán ăn đông đúc khách du lịch đến và trải nghiệm. Tất cả được đón nhận bởi vì những tính toán kỹ lưỡng từ khi bắt tay vào làm: Chuẩn bị tiền vốn, thuê mặt bằng, lên ý tưởng thiết kế, vận hành. Phải có kế hoạch thật chi tiết thì việc kinh doanh mới có thể nhanh chóng mang lại kết quả.
Hiện trạng trước và sau của quán ăn
Khang chia sẻ, tiền vốn hùn chung cùng bạn bè để mở quán hoàn toàn là tiền tiết kiệm tích lũy được khi còn ở đất liền. Số tiền sửa sang tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng, trong đó thuê mặt bằng 10 triệu đồng/năm, còn lại là vật liệu cải tạo, thi công, chuẩn bị nguồn hàng và duy trì kinh phí vận hành quán.
Cặp đôi bỏ phố lên Đà Lạt xây homestay: Thu nhập cao hơn nhưng tiết kiệm vẫn vậy
Bạn trai làm thiết kế nội thất, đàng gái làm thiết kế thời trang - Ai cũng có "gu" riêng nên những trói buộc ở phố thị không trói nổi đôi chân và tâm hồn tự do của cặp đôi trẻ này. Đó chính là cặp đôi Ngọc Hạnh (24 tuổi, Bình Thuận) và bạn trai sinh năm 1994. Cả hai đã quyết định lên Đà Lạt mở homestay từ 4-5 năm trước.
Cặp đôi Ngọc Hạnh (24 tuổi, Bình Thuận), bạn trai sinh năm 1994
Thời điểm homestay khai trương, cặp đôi chưa chuyển lên Đà Lạt sinh sống mà chỉ thuê người quản lý thay. Đến tháng 3/2022, Hạnh mới nghỉ công việc văn phòng ở TPHCM, cùng bạn trai chuyển hẳn lên Đà Lạt sinh sống, chính thức tự tay vận hành homestay và xây dựng cuộc sống mới.
Khi mở homestay, tổng số tiền đầu tư rơi vào khoảng 500 triệu, đây đều là số tiền tiết kiệm cô và bạn trai gom góp được. Ngoài ra, Hạnh chia sẻ thêm cần chuẩn bị ít nhất 6 tháng tiền chi phí vận hành homestay nữa thì mới có thể nằm trong vùng an toàn.
Sửa sang chỉn chu nhà cửa, đón tiếp những vị khách đầu tiên tính cho đến thời điểm hiện tại, Hạnh đưa ra tính toán của mình: “So với công việc văn phòng trước đó, thu nhập của chúng mình khi mở homestay tăng lên rất nhiều. Đổi lại mình cũng chi lớn hơn vào hoạt động kinh doanh, nên tính ra khoản tiết kiệm hàng tháng cũng tương tự khi ở TPHCM. Song nhìn chung, chúng mình đều vui với những thứ đang có", cô nàng cũng cho biết chi phí sống ở đây cũng khá đắt đỏ, trung bình cặp đôi chi khoảng 8 triệu đồng/tháng cho nhu cầu cơ bản. Số còn lại thì tiết kiệm và đầu tư ngược lại cho homestay.
Cuộc sống sau khi bỏ phố lên rừng rất chill
Cuộc sống hiện tại với Hạnh có thể nói là "vừa đủ", khi mà mọi thứ cô nàng làm đều đúng đam mê, sở thích: "Mình có nhiều thời gian chăm sóc bản thân, ăn uống lành mạnh, vận động nhiều, có thời gian tìm hiểu, thực hiện sở thích cá nhân. Về công việc, may mắn vì tất cả những việc cần làm cho homestay đều nằm trong sở thích. Ngoài ra bạn trai theo chuyên ngành thiết kế nội thất nên khi hai đứa cùng làm với nhau thì rất hợp, mọi thứ thuận lợi. Có những vị khách ở homestay ưng ý còn đặt tụi mình thiết kế nhà”, Hạnh tâm sự.
Áp lực văn phòng, bỏ phố về Mộc Châu: Mở homestay, làm vườn
Linh Phạm (29 tuổi, Mộc Châu) quả thực đã phải đồn hết sự dũng cảm của mình để từ bỏ công việc văn phòng, về quê thuê một nhà kho cũ nát để tự làm - tự chill. Cuộc sống của một dân văn phòng trước đó đã khiến Linh cảm thấy mệt mỏi, áp lực và dần mất đi sự vui vẻ trong cuộc sống. Vì thế, đây là lý do lớn nhất để cô nàng dọn về Mộc Châu ở.
Linh Phạm (29 tuổi, Mộc Châu)
Thời điểm bỏ phố về rừng, Linh Phạm dùng toàn bộ số tiền tiết kiệm của mình, khoảng 300 triệu để hoàn thiện một căn homestay trong mơ. Đến nửa cuối năm 2022, sau một quá trình dài cải tạo, công sức của Linh cùng em trai, đội ngũ thi công ở quê nhà đã biến đống đổ nát thành căn homestay thơ mộng và đón những lượt khách đầu tiên. Ai cũng tận hưởng khoảng không gian yên bình mà Linh nỗ lực vun vén.
Hiện trạng trước và sau của căn homestay ở Mộc Châu
Mục đích ban đầu mở căn homestay của Linh “trước hết là để có nơi sống, sau đó mới là kiếm tiền”. Nhưng cho đến hiện tại, nguồn thu nhập mà homestay mang lại đã tốt hơn rất nhiều, lượng khách đón tiếp cao điểm theo mùa cũng giúp Linh có cuộc sống ổn định hơn cả về vật chất lẫn tinh thần so với lúc còn làm văn phòng. Mức chi tiêu ở quê cũng không đắt đỏ như ở thành phố, vậy nên số tiền tiết kiệm cũng có phần nhỉnh hơn so với lúc xưa.
Một căn homestay có khu vườn đang dần phủ xanh, xinh đẹp và mộng mơ vừa đủ, khiến tâm hồn Linh Phạm được chữa lành sau những áp lực của cuộc sống phố thị trước đây!