Với chủ đề lớn của chương trình Ngày Quốc tế Thanh niên 2022 của Liên Hợp Quốc (International Youth Day 2022) về việc “đối thoại giữa các thế hệ và làm sao để mọi người gắn kết hơn”, triển lãm đã khai thác đề tài “bữa cơm gia đình” qua cái nhìn của những người trẻ.
Bộ tranh “Bữa cơm nhà” của tác giả Lê Nguyên Kha, với ý nghĩa gần gũi, thể hiện sự gửi gắm và tiếp nhận các giá trị truyền thống của các thế hệ thành viên trong gia đình
Triển lãm “Về nhà ăn cơm” được Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội và Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá (UNESCO) tại Việt Nam đồng tổ chức. Triển lãm là nơi trưng bày gần 30 tác phẩm được vẽ qua nhiều chất liệu khác nhau. Đây không chỉ đơn giản là một triển lãm về đồ ăn mà còn là nơi các tác giả kể những câu chuyện đằng sau những món ăn đó. Những tác phẩm tại triển lãm “Về nhà ăn cơm” gợi cho người xem những cảm xúc khác nhau về bữa cơm gia đình.
Triển lãm được chia thành 2 không gian gồm món ăn và mâm cơm. Bước vào phòng trưng bày, người xem sẽ cảm thấy như được trở về với căn bếp thân thương của gia đình. Không gian triển lãm hết sức đặc biệt khi các tác phẩm được bày biện trên bàn ăn, có lồng bàn và bát đũa bên cạnh, giống như một bữa cơm gia đình hàng ngày.
Tác phẩm “Chừa cơm” của tác giả Trần Tiểu Sương (chất liệu cắt dán), với lời tâm sự: “Mình may mắn có gia đình luôn bao bọc và ủng hộ những chuyện mình làm, nhưng mình lại có chân đi, luôn muốn chạy nhảy bên ngoài nhiều hơn. Những hôm mình đi tới khuya, về luôn thấy bố mẹ phần cơm cho mình”.
Với không gian trưng bày thứ 2, những mâm cơm quen thuộc sẽ hiện lên dưới nét vẽ tỉ mỉ của các tác giả. Không chỉ gói gọn trong một món ăn mà ở đây, mỗi mâm cơm sẽ là một cảm xúc, thể hiện sự ấm áp và gần gũi của các thành viên trong gia đình.
Tác phẩm “Nhớ” của tác giả Nguyễn Vũ Duy Nghi (chất liệu pixel art), dựa trên những ký ức tuổi thơ của chính tác giả về những bữa cơm quây quần bên gia đình
Một số tác phẩm tại triển lãm:
Tác phẩm “Súp bí đỏ”, tác giả Đinh Kiều Dương (chất liệu Digital), kể câu chuyện xúc động về cách các thành viên trong gia đình học cách thấu hiểu cảm xúc của nhau và yêu thương nhau bằng những điều quan tâm nhỏ nhặt nhất.
“Vùi na trong thùng gạo” của tác giả Phong với tạo hình 3 quả na ở 3 thời kỳ, tượng trưng cho 3 thế hệ trong 1 gia đình giao nhau tại “điểm chạm” là những bữa cơm gia đình.
Tác giả Lê Phương Thảo với tác phẩm “Tết của người Hà Nội”, mong muốn có thể giúp mọi người, đặc biệt là những người đang ở xa gia đình có thể nhớ về những giây phút ấm áp, quây quần bên mâm cơm ngày Tết.
Tác phẩm “Chờ cơm” của tác giả Đỗ Mai Anh kể câu chuyện của những người con mỗi lần về thăm nhà đều được bố mẹ dọn cơm chờ sẵn, tuy những món ăn giản dị nhưng lại chứa đựng nhiều niềm vui hội ngộ.
Triển lãm “Về nhà ăn cơm” được tổ chức đến ngày 18/08 tại Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội).