Tiền có mua được hạnh phúc không?
Câu hỏi này đã trở thành một thách thức đối với các nhà khoa học trong nhiều thập kỷ, và vẫn còn rất lâu để chúng ta có thể đưa ra một câu trả lời cuối cùng mà không gây tranh cãi. Sau một số lượng lớn các nghiên cứu đã được thực hiện, điều rõ ràng nhất cho đến thời điểm này là mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc rất phức tạp.
Quan sát từ thực tế cuộc sống và từ nghiên cứu đều cho thấy rằng khi bạn đang gặp khó khăn về tài chính, việc kiếm được nhiều tiền sẽ dẫn đến sự gia tăng đáng kể về mặt hạnh phúc. Sự căng thẳng đến từ việc thiếu hụt tiền bạc gây ra sự khốn khổ, đồng thời ảnh hướng đến sự khôn ngoan khi đưa ra quyết định nào đó.
Tuy nhiên, trong trường hợp bạn có mức thu nhập ổn định - trên 75.000 USD/năm (tương đương 1,7 tỷ đồng) theo một nghiên cứu trước đây - nó dường như cũng chỉ giúp ích cho một số người và một số khía cạnh nhất định để tạo nên hạnh phúc.
Tất cả những kết quả này đem đến sự hấp dẫn cho việc nghiên cứu khoa học. Nhưng trên thực tế, nó có ý nghĩa gì đối với những người bình thường đang vất vả mỗi ngày để kiếm từng đồng?
Mặc dù những nghiên cứu về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc luôn thay đổi liên tục, nhưng ít nhất vẫn có một nghiên cứu gần đây hướng dẫn cho bạn phải làm sao để tối đa hóa hạnh phúc của mình thông qua cách tiêu tiền.
Trải nghiệm quan trọng hơn vật chất
Câu trả lời phổ biến nhất cho câu hỏi “tiêu tiền như thế nào để hạnh phúc?” là tập trung vào trải nghiệm hơn vật chất. Chúng ta thường có xu hướng làm quen với việc nâng cấp tài sản của mình khá nhanh, ví dụ như mua một chiếc TV lớn hơn hoặc một chiếc xe ô tô đẹp hơn. Điều đó có nghĩa là những trải nghiệm hồi hộp khi được mua đồ mới sẽ nhanh chóng mất đi, đến một lúc nào đó, việc mua thêm đồ cũng chẳng khiến ta cảm thấy phấn khích nữa.
Ngược lại, những trải nghiệm như đi du lịch đến một vùng khác, tham gia các lớp học và gặp gỡ những người thân yêu sẽ để lại cho ta những kỷ niệm mà chúng ta có thể tưởng nhớ trong suốt quãng đời còn lại.
Không chỉ vậy, việc lập kế hoạch cho những trải nghiệm cũng phần nào mang đến niềm vui ngay cả khi ta chưa thực hiện việc đó. Tại một hội nghị chuyên đề về mối quan hệ giữa tiền bạc và hạnh phúc, nhà nghiên cứu Amit Kumar có nói:
"Những người chờ đợi một trải nghiệm về mặt tinh thần thường có tâm trạng và cách cư xử tốt hơn những người chờ đợi điều tốt đẹp về mặt vật chất".
Quan điểm này không có gì sai. Rất nhiều bằng chứng và nghiên cứu cho thấy việc tập trung vào sự giàu có cùng của cải vật chất khiến con người cảm thấy trống rỗng và không hài lòng. Mặc dù vậy, một nghiên cứu mới đã bổ sung thêm khía cạnh khác cho câu hỏi trên.
Mục tiêu sống là câu trả lời then chốt
Trong nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Tâm lý xã hội Anh, các nhà khoa học đã yêu cầu 452 tình nguyện viên tham gia khảo sát mô tả về chuyến mua sắm gần đây của họ, không tính các chi phí tiêu dùng hàng ngày như hóa đơn điện, nước hoặc thức ăn.
Ngoài ra, các tình nguyện viên cũng được yêu cầu tự đánh giá mức độ hài lòng và hạnh phúc mà việc mua sắm đó mang lại cho họ, cũng như mức độ phù hợp của nó đối với mục tiêu bên ngoài (kỳ vọng của người khác) và mục tiêu bên trong (ước mơ của bản thân).
Kết quả, “các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng khi việc mua hàng càng phục vụ cho mục tiêu bên trong của con người, thì bản thân họ càng cảm thấy hạnh phúc. Nói cách khác, một người cảm thấy hạnh phúc nhất khi chi tiền cho thứ quan trọng đối với cá nhân họ”.
Nghiên cứu này không phủ nhận ý kiến trải nghiệm quan trọng hơn vật chất, vì rõ ràng điều này là đúng. Nhưng đồng thời nó cũng khẳng định rằng việc dùng tiền để đưa bản thân đến gần hơn với mục tiêu sống nội tại mới là điều hạnh phúc nhất.
Ngoài ra, Olaya Moldes Andrés - nhà tâm lý học thuộc Đại học Cardiff, đồng thời cũng là một trong những tác giả thực hiện nghiên cứu - khuyên rằng chúng ta nên tạm dừng lại để dành một chút thời gian suy nghĩ về lý do và cách tiêu tiền của bản thân. Andrés cho rằng nếu con người cố gắng chi tiền để gây ấn tượng với người khác hoặc xây dựng hình tượng trong mắt mọi người (nói cách khác là thực hiện mục tiêu bên ngoài), thì việc tiêu tiền có lẽ sẽ không mang lại hạnh phúc xứng đáng.
Vì thế, vào lần nhận lương tiếp theo, hãy dành một phút để suy nghĩ về các mục tiêu của mình. Tìm ra những gì bạn muốn trong cuộc sống và biết sử dụng tiền để đưa bản thân đến gần hơn với mục tiêu đó là cách tốt nhất để “mua hạnh phúc bằng tiền”.