Ở vùng sông nước Giang Tô (Trung Quốc), Lục Thiếu Ba - một kiến trúc sư sinh sau năm 1985, đã bước ra từ vùng nông thôn bình dị trở thành tiến sĩ kiến trúc.
Năm 2019, anh trở về quê nhà để cải tạo ngôi nhà cũ, xây dựng một tổ ấm dưỡng già cho cha mẹ. Với chi phí cải tạo chưa đến 50.000 NDT (hơn 176 triệu đồng), nơi đây đã chứng kiến 3 thế hệ cùng chung sống, cha mẹ anh nấu nướng nhiều hơn trên bếp lò, cả nhà vui cười dùng bữa dưới bóng cây.
Ảnh @yitiao
Về quê cải tạo tổ ấm
Những năm gần đây, Lục Thiếu Ba di chuyển giữa Thượng Hải, Hàng Châu và Giang Tô, nhưng giờ anh lại thường xuyên về quê để sống và làm việc.
Căn nhà vốn chỉ là một ngôi nhà nhỏ cấu trúc gỗ do ông bà nội xây dựng. Năm 1994, cha mẹ anh đã tu sửa lại căn nhà cũ và xây dựng một ngôi nhà hai tầng bằng gạch và bê tông. Vì vậy, căn nhà cũ này lưu giữ ký ức chung của ba thế hệ ông bà, cha mẹ và bản thân anh.
Ảnh @yitiao
Từ nhỏ, anh đã ấn tượng sâu sắc với hai cái cây lớn và giếng nước trong sân, cha mẹ anh cũng thích dùng bếp lò đun nước ngô, nước đậu xanh rồi ngồi bên hè ăn uống và nghỉ ngơi vào mùa hè. Thu đến, cây nguyệt quế trong sân nở hoa thơm lừng. Cây nguyệt quế được gia đình anh chuyển từ cánh đồng bên cạnh vào, còn cây bạch do ông nội trồng.
Một vài năm trước, cha mẹ đã nghỉ hưu, bếp lò đã bị bỏ hoang, mái nhà cũng bị rò rỉ nước, họ luôn mong muốn có thể làm mới lại bếp lò. Anh rất quan tâm đến nghiên cứu về nhà dân dã và muốn thiết kế một số công trình liên quan đến kiến trúc dân gian truyền thống của nông thôn.
Năm 2019, anh tình cờ nhìn thấy bức tranh "Bếp Lò" của họa sĩ Diện Văn Lương, anh bỗng chốc bị lay động, suy nghĩ về việc cải tạo mới dần nảy sinh trong đầu.
Ảnh @yitiao
Tổng chi phí cải tạo thực tế khá thấp. Gạch đỏ chủ yếu được tái sử dụng, lấy từ các lán nông trại đã được phá dỡ. Chỉ thêm vào một khu vực nhà trọ kết hợp thép và gỗ và bể nước đá xanh, tạo nên một sự tương phản màu sắc với cây xanh xung quanh.
Không ít công trình xây dựng là do bản thân và gia đình tự tay làm, như ghép thép mái che, rửa gạch cũ. Công trình cải tạo chỉ mất khoảng ba, bốn tháng, và vào tháng 10/2019, ngôi nhà đã hoàn thành.
Bếp lò, hồ cây, ô cửa nhỏ, giếng nước
Khu vực Thường Thục ở Giang Tô có tập tục cúng Thần bếp, cũng là nơi ăn uống, đa số các buổi trò chuyện nhàn nhã của gia đình cũng diễn ra ở đây, và phần lớn ký ức về gia đình trong thời thơ ấu của anh cũng liên quan đến gian bếp lò.
Ảnh @yitiao
Về mặt bố cục, anh đã loại bỏ mái nhà của kho chứa bên cạnh bếp lò, biến nó thành một sân trong nhỏ, mang lại sự thay đổi lớn.
Lối đi cũ trở thành một sân hẻm, sân lớn cũ được chia thành sân cây và sân giếng, và từ đó, bốn sân nhỏ được liên kết với nhau, xung quanh bếp lò rộng 18m².
Bức tranh trên tường bếp lò được vẽ bởi một thợ thủ công địa phương, như bức tranh có ý nghĩa may mắn của hoa mẫu đơn, "Bát Tiên quá hải".
Cửa sổ ngay cạnh bếp lò trở thành một cửa sổ kính lớn, có thể cảm nhận trực tiếp sự thay đổi của cây bạch, cây nguyệt quế và mây trên bầu trời khi nấu ăn.
Sân hẻm trước kia là một con ngõ nhỏ, nay trở thành một không gian nghỉ ngơi. Vào mùa hè, gió lùa qua, không cần bật điều hòa mà cũng có thể mát mẻ dưới bóng cây. Một góc nhỏ cũng được làm để đặt đồ, trẻ con cũng thích chơi đùa tại đây.
Ở cuối hẻm giữa ngôi nhà chính và ngôi nhà phụ, anh còn thêm một cổng gạch, tạo ra một sự phân chia nhẹ nhàng trong không gian giữa con hẻm và sân chính, cũng có thể đóng vai trò là mái hiên và cống thoát nước cho mái nhà chính. Khi trời mưa to, nước mưa giống như dòng suối chảy vào cống thoát nước của toàn bộ sân.
Ảnh @yitiao
Trong sân, giếng nước cũ được bổ sung thêm một kiến trúc nhỏ kết hợp thép và gỗ. Không gian lỗ chỗ có thể dùng để đặt cọc tre, thuận lợi cho việc giặt giũ và phơi quần áo của gia đình.
Hai cây trong sân, cây bạch đã có tuổi đời 40 năm, cây nguyệt quế cũng 20 năm. Những con chim lân cận thường xuyên ghé thăm hai cây này, thậm chí còn có chim làm tổ trên cây.
Anh thường xuyên ở trong phòng đọc sách cạnh bếp lò, nghe tiếng chim hót, nhìn bóng cây che phủ, cảm giác rất dễ chịu, hoàn toàn khác biệt so với cuộc sống tất bật ở thành phố.
Kể từ khi ngôi nhà được cải tạo lại, cha mẹ anh nấu ăn trong bếp lò nhiều hơn. Những món hấp đặc trưng của vùng Giang Tô dường như ngon miệng hơn khi được nấu trên bếp lò than củi. Hai ông bà già cũng sử dụng giếng nước, dành nhiều thời gian hơn để chăm sóc sân và cây cối, thậm chí còn muốn trồng lại rau trên mảnh đất bỏ hoang.
Anh cũng có kế hoạch trong tương lai sẽ đặt studio tại quê nhà, một mặt là nhờ vào giao thông, mạng internet hiện đại, có thể thực hiện việc làm việc tại nhà, mặt khác, cũng mong muốn sống một cuộc sống gần gũi hơn với thiên nhiên và nông thôn.
Nguồn: Yi Tiao