Bạn dành bao nhiêu tiếng 1 ngày để lướt TikTok? Câu trả lời chắc có lẽ là… tuỳ! Nhưng chắc hẳn sẽ không phải là ít đâu. Có nhiều người dùng thừa nhận rằng họ lướt TikTok trong vô thức, nghĩa là cứ xem từ nội dung này sang nội dung khác không có chủ đích cụ thể và cũng tiếp nhận thông tin một cách gián tiếp.
Vì sự dễ dãi của một bộ phận người dùng nên thuật toán của TikTok đã đẩy vô số những clip vô nghĩa lên thành… clip đang hot nhất tại 1 thời điểm, tiếp cận với nhiều người nhất có thể. Và tác giả của những clip TikTok lên xu hướng nghĩ mình đã nổi tiếng khi sản phẩm cứ thu về hàng triệu triệu lượt xem. Họ bị thôi thúc tiếp tục cho ra những clip không có giá trị, thậm chí là “khơi mào” cho những trò gây nguy hiểm cho chính họ và người khác học theo, tạo ra những phiền hà không đáng có cho những người xung quanh.
Không quá lời khi gọi đó là “rác TikTok”. Và một số nội dung được xem là “rác" trên MXH này đã gây bức xúc đến người dùng có thể kể đến như trào lưu quay clip trên sân bay bất chấp luật lệ, tự ý ngồi trên băng chuyền hành lý tạo dáng như chiến tích hay thử đi chợ với 5.000 đồng để xem phản ứng của người bán…
"Không thể đếm xuể những người bất chấp tạo ra lối đi cá biệt"
"Mình rất ghét những nội dung tiêu cực, phản cảm và cả những trào lưu ảnh hưởng đến người khác nên thông thường mình sẽ lướt qua luôn. Còn nếu lỡ xem rồi mình sẽ để lại bình luận về quan điểm cá nhân và không bao giờ xem kênh đó nữa", Phương Anh, một "khán giả" Gen Z nói khi được hỏi về cảm nghĩ lúc xem những clip lên xu hướng có nội dung lệch chuẩn đang rầm rộ trên TikTok hiện nay.
"Khi ngày càng có nhiều nhà sáng tạo nội dung tham gia, đồng nghĩa với việc thông tin, nội dung cũng ngày càng loãng. Không thể đếm xuể những người bất chấp tạo ra lối đi cá biệt, nghĩ ra những trào lưu như ra sân bay quay TikTok, công kích nhau,... Thế nhưng mình vẫn nghĩ, làm video nhảm không phải là xu hướng, chỉ là cá biệt. Vì ngoài họ, vẫn còn rất nhiều kênh nội dung hay, bổ ích. Quan trọng, người xem bây giờ phải chọn lọc và đừng cổ xuý, tiếp tay cho những video nhảm lên xu hướng. Không có view, tự khắc họ phải dừng lại", Phương Anh nói thêm.
Phương Anh không thích những nội dung tiêu cực, phản cảm và cả những trào lưu ảnh hưởng đến người khác. Ảnh: NVCC
Nhưng trước khi khán giả "chọn lọc" để xem thì thuật toán của TikTok lại không làm tốt việc "lọc" này. Bởi, vẫn có rất nhiều nội dung được cho là hot, nổi bật, được gọi là trào lưu chỉ bởi vì người có lượt theo dõi cao trên MXH này thực hiện thì những người khác cũng "đu" theo bất chấp đúng sai.
Ví dụ như trường hợp dưới đây.
Vào ngày 1/7 vừa qua, Phan Quế Chi - một nữ tiếp viên hàng không nổi tiếng, chia sẻ cô và các đồng nghiệp rất bức xúc vì chuyến bay nào cũng phải nhắc nhở 2-3 hành khách kéo tấm che cửa sổ xuống để đặt điện thoại quay lại cảnh bầu trời trong suốt hành trình bay. Nguồn cơn của hành động này bắt nguồn từ một clip hướng dẫn của TikToker nổi tiếng sở hữu 8,9 triệu người theo dõi - L.B.
"Việc ghi hình bằng điện thoại trong một thời gian dài có thể dẫn đến cháy nổ trên máy bay", cô giải thích lý do vì sao không được đặt điện thoại trên cửa sổ máy bay rồi kéo tấm che xuống.
Sau khi vụ việc trên bị phản ánh, các TikToker lại khiến những người làm trong lĩnh vực Hàng không đau đầu vì "gây rối" trên đường bay. Đó là trường hợp khi máy bay đang di chuyển thì một nữ TikToker chạy ra và nhảy nhót. Cô thậm chí đã quay clip và tung lên TikTok khoe như một... thành tích của sự sáng tạo. Hành động này lập tức đã khiến cả đoàn bay hôm đó bị kỷ luật, có nguy cơ mất việc, còn bản thân cô gái này bỗng nổi tiếng theo hướng tiêu cực.
Hình ảnh được cắt ra từ clip TikTok khiến cộng đồng mạng phẫn nộ vì hành động bất chấp luật lệ Hàng không của nữ TikToker. Ảnh: TikTok
Chưa dừng lại ở đó, việc nhiều TikToker khác khoe clip ngồi, tạo dáng trên khu vực băng chuyền lấy hành lý trong sân bay bất chấp các luật lệ, cũng khiến nhiều người tự hỏi: Chuyện gì đang xảy ra với các "nhà sáng tạo nội dung" trên TikTok vậy?
Tất cả các hành động này sau khi được chính chủ tự khoe lên TikTok đã bị cộng đồng lên án dữ dội. Cảng Hàng không đã nhanh chóng tập hợp thông tin và báo cáo Cục Hàng không Việt Nam để xử lý theo quy định của pháp luật.
Phi Phúc (sinh năm 1999) bàn luận về vấn đề này: “TikTok bây giờ thay đổi rất nhiều, không chỉ còn là giải trí như trước đây nữa mà nhằm mục đích kiếm tiền là chính, nhiều nội dung độc hại đã xuất phát từ đây. TikTok bây giờ phải được chọn lọc nội dung kỹ càng hơn không thì sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến người xem. Các clip này rất có thể gây ám ảnh hoặc gây hiện tượng bắt chước làm theo cho vui và không nghĩ đến hậu quả về sau”.
"Cần các chế tài, quy định nghiêm khắc để hạn chế dạng nội dung này"
Chỉ với 5.000 đồng, 10.000 đồng mà có thể nấu được bữa cơm dành cho 4-5 người ăn, hết sức vô lý! Sau khi clip nấu bữa cơm 5.000 của N.T.P lên xu hướng, bên cạnh một số người xem cho rằng đây là một nội dung nhảm, không có tính thực tế cao để tiếp tục quan tâm thì cũng có không ít khán giả đã thi nhau... thử nghiệm mua hàng với số tiền trên.
Cụ thể, một chàng trai bắt chước cầm 5.000 đồng đi chợ mua thịt, đi mua đồ ăn sáng và đi mua đồ ăn vặt. Chỉ vì muốn “đu” theo trend để nhận về clip TikTok triệu view mà vô tình chàng trai này đã gây phiền hà đến cho mọi người xung quanh, đặc biệt là những người phải “hứng chịu” những hành động vô bổ đó.
Việt Hưng (24 tuổi) cũng biết đến "trò" đi chợ làm phiền người khác này. Cậu cho rằng trên TikTok hay bất cứ phương tiện truyền thông nào, bao giờ cũng có tính trái chiều. Có người ghét cay ghét đắng những video độc hại, thì cũng có người lại thấy… vui khi xem và thực hiện những trào lưu đó. Chính bởi điều này, dạng video "chả có nội dung gì" lại trở nên "có đất" để tồn tại.
"100% mình sẽ lướt qua vì đó không phải thứ mình quan tâm. Tuy nhiên, nếu nội dung nào mang tính tiêu cực, quá phản cảm hoặc đơn giản khiến mình thấy khó chịu, mình sẽ chặn hoặc báo cáo. Mình cũng biết, có nhiều bạn trẻ thích xem nội dung "xàm", "lố" để giải trí. Và dạng video này dễ lên xu hướng nhưng cũng chóng tàn, chẳng đọng lại mấy trong đầu người xem. Mình nghĩ đôi khi cũng cần các chế tài, quy định nghiêm khắc để hạn chế dạng nội dung này", Việt Hưng bày tỏ.
Có thể thấy, nội dung kém chất lượng "mọc lên như nấm sau mưa" trên TikTok. Vụ việc gây phiền hà này bị lên án chưa bao lâu thì trò vô nghĩa khác lại xuất hiện và lại có nhiều người đổ xô làm theo. Đơn cử như chuyện một hay nhiều người cùng nhau chụm đầu lại cột điện và xoay vòng theo điệu nhạc trở thành xu hướng. Không thể tìm ra được mục đích của clip TikTok này là gì!
Mặt khác, đây còn là một hành động ẩn chứa nhiều mối nguy. Vấn đề bị điện giật khi không trực tiếp chạm vào cột điện cũng rất dễ xảy ra. Đã có trường hợp một người đàn ông vô tình chạm tay vào cột sắt (được đặt kế bên cột điện) đã tử vong tại chỗ. Dù nạn nhân không trực tiếp chạm tay vào cột điện nhưng dòng điện chạy qua thanh sắt cũng có thể gây mất mạng.
Nhiều người có thể bao biện rằng: Chỉ là clip xem giải trí cho vui thôi mà, cần gì phải khắt khe về nội dung đến thế!
Nhưng, giải trí thì cũng cần có chuẩn mực và giới hạn riêng. Thu Thảo (SN 2000) bức xúc: “Mình cảm thấy những clip TikTok theo dạng này rất vô nghĩa, không đem lại thông điệp gì mà cũng không có tính chất giải trí trong đó”.
“Theo mình, hiện nay trẻ em xem TikTok khá nhiều. Chúng ta nên hạn chế cho trẻ xem hoặc chặn luôn những tài khoản chuyên làm clip nhảm vì nó có thể gián tiếp gây ra cho trẻ những tác động xấu về mặt nhận thức, gieo vào trẻ hành vi bắt chước phá hoại, nghịch ngợm thậm chí trộm cắp,... Các em vẫn chưa đủ nhận thức để nhìn nhận sự việc” - Tuyết Trinh (sinh năm 2000) chia sẻ.
Không phải một người thường xuyên sử dụng TikTok nhưng Thanh Tâm (23 tuổi) vẫn biết đến những trào lưu gây nhức nhối hiện nay bởi nó quá phủ sóng.
Cô nàng cho biết: “Thông thường mình sẽ chặn luôn để không phải xem những video có nội dung tương tự nữa. Lý do đơn giản là quá vô bổ, nhảm nhí và chả giúp ích gì cho cuộc sống của mình cũng như xã hội cả. Cá nhân mình nghĩ, TikTok cho người dùng cảm nhận rằng ai cũng có thể trở thành người sản xuất nội dung và trở nên nổi tiếng từ nó. Do vậy, sẽ có nhiều thành phần bất chấp để làm lố nhằm thu hút sự chú ý để có được cảm giác như một người nổi tiếng giả. Mình nghĩ đây là điểm khác biệt lớn nhất giữa TikTok và các MXH khác”.
Mặc dù không thường xuyên xem TikTok nhưng Thanh Tâm vẫn rất bất mãn với những trào lưu này. Ảnh: NVCC
Thanh Tâm và nhiều bạn trẻ khác thống nhất rằng cách tốt nhất để loại trừ những clip "rác" từ TikTok chính là... không quan tâm đến nó nữa.
"Nếu những video nhảm nhí này được xem và chia sẻ nhiều lần, chính cộng đồng TikToker sẽ có suy nghĩ lệch lạc và cho rằng video của mình chất lượng, có giá trị. Điều này sẽ tạo động lực cho họ tiếp tục ra thêm những video có nội dung nhảm nhí hơn nữa. Mình nghĩ cách tốt nhất để bài trừ là không quan tâm đến nó”, cô nói.