Trước thềm cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 11 tới đây tại Mỹ, TikTok được cho là sẽ trở thành nền tảng tập trung hàng loạt thông tin sai sự thật và thiếu căn cứ, giống hệt Facebook và Twitter trước đây.
Những thông tin này đang xuất hiện tràn lan và thu hút một lượng lớn lượt xem trên TikTok - nền tảng với hơn một tỷ người dùng tích cực trên toàn cầu mỗi tháng. Một số video kêu gọi người dân đi bỏ phiếu vào tháng 11 tới còn đan xen các thông tin sai lệch về vụ tấn công Điện Capitol hồi đầu năm ngoái. Những tin đồn thất thiệt về làn sóng bùng phát dịch COVID-19 vào mùa thu này cũng nhằm mục đích cản trở người Mỹ đi bỏ phiếu.
Việc lan truyền thông tin sai lệch khiến TikTok phải vật lộn với nhiều vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt, tương tự, hay thậm chí là nghiêm trọng hơn những gì mà Facebook và Twitter phải đối mặt trong nhiều năm. Nguyên nhân là bởi các video và âm thanh khó kiểm duyệt hơn nhiều so với văn bản thông thường, nhất là khi chúng còn được chèn thêm những giọng nói bị chỉnh sửa, bóp méo khó nghe.
Trước đó, nhiều câu hỏi đã được đặt ra xoay quanh vấn đề bảo mật dữ liệu người dùng nước ngoài của TikTok sau khi giám đốc điều hành Chew Shou Zi thừa nhận nhân viên của mình đã xóa các giao thức bảo mật nội bộ có thể truy cập thông tin người dùng tại Mỹ, bao gồm cả video và nhận xét công khai. Tại Mỹ, người đứng đầu Ủy ban Truyền thông Liên bang Brendan Carr cũng đã công khai yêu cầu Apple và Google xóa TikTok khỏi các cửa hàng ứng dụng do lo ngại rủi ro an ninh quốc gia.
“Với những video có thời lượng cực ngắn và bị giới hạn về mặt văn bản, người dùng không có đủ không gian và thời gian để bàn luận đúng đắn về các vấn đề chính trị”, Kaylee Fagan, nhà nghiên cứu tại Shorenstein Center của trường Harvard Kennedy nói.
Việc lan truyền thông tin sai lệch khiến TikTok phải vật lộn với nhiều vấn đề liên quan đến quyền tự do ngôn luận và kiểm duyệt
Trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2020, TikTok nhìn chung vẫn chỉ được coi là một ứng dụng giải trí dành cho những người trẻ tuổi. Tuy nhiên, chỉ sau chưa đầy 2 năm, TikTok đã trở thành nền tảng mà người Mỹ dành ra trung bình 82 phút mỗi ngày, nhiều gấp 3 Snapchat, Twitter và gấp đôi Instagram hay Facebook, theo công ty phân tích ứng dụng Sensor Tower. Chính vì vậy, mạng xã hội này dần trở thành nơi các vấn đề chính trị được đem ra bàn luận, nhất là bởi những KOLs, người có tầm ảnh hưởng.
Đáp lại, phía TikTok lên tiếng cam kết hạn chế những thông tin sai lệch. Trong nửa cuối năm 2020, nền tảng này đã xóa gần 350.000 video chứa những nội dung vô căn cứ và bị thao túng về các cuộc bầu cử. Ngoài ra, bộ lọc của nền tảng cũng giữ 441.000 video chứa những phát ngôn sai lệch.
“Chúng tôi chịu trách nhiệm đảm bảo tính an toàn cho nền tảng và cả các cuộc bầu cử một cách nghiêm túc nhất,”, đại diện TikTok cho biết. “Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư vào bộ phận kiểm duyệt để chống lại các thông tin sai lệch”.
Tuy nhiên, Odanga Madung, một nhà nghiên cứu thuộc Tổ chức phi lợi nhuận Mozilla mới đây lại cho rằng TikTok đã thất bại trong thử nghiệm thực tế đầu tiên ở châu Phi. Nền tảng này đã phải vật lộn giải quyết những thông tin sai lệch trước thềm cuộc bầu cử tổng thống hồi tuần trước ở Kenya.
“Thay vì rút kinh nghiệm từ những sai lầm của các nền tảng lão làng hơn như Facebook và Twitter, TikTok lại đi theo vết xe đổ của họ’’, Madung nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng chính thiết kế giao diện của TikTok đã vô hình chung biến nó trở thành “nơi sinh sôi” của những thông tin sai sự thật. Các video có thể dễ dàng bị thao túng và xuất bản lại, đăng tải cùng nội dung bị đánh cắp hoặc nội dung gốc. Ngoài ra, các video hài hước gây cười cũng dễ khiến thông tin bị hiểu sai, trong khi dữ liệu về thời gian xuất bản không được hiển thị rõ ràng trên ứng dụng dành cho thiết bị di động.
Trong quý đầu tiên của năm 2022, hơn 60% video chứa thông tin sai lệch đã được TikTok gỡ bỏ. Năm ngoái, một nhóm các chuyên gia về hành vi từng làm việc với TikTok cho biết, nỗ lực đính kèm cảnh báo vào các bài đăng chứa nội dung không an toàn đã làm giảm 24% lượt chia sẻ trên nền tảng.
Các nhà nghiên cứu cho rằng thông tin sai lệch vẫn sẽ xuất hiện trên TikTok nếu nền tảng này tiếp tục không tiết lộ dữ liệu gốc của các video hoặc chia sẻ thông tin chi tiết về các thuật toán của nó.
“Ít nhất với Facebook và Twitter chúng tôi nhìn thấy một số sự minh bạch nhất định, còn TikTok thì hoàn toàn không. Do không thể truy cập dữ liệu, chúng tôi không biết nội dung nào đang bị treo, nội dung nào đã bị gỡ xuống. Nó hoàn toàn không rõ ràng, và chúng tôi không thể đánh giá bất cứ điều gì’’, Filippo Menczer, một giáo sư về tin học và khoa học máy tính nhận định.
Theo: The New York Times