Chuyện tình “xuyên biên giới”
Chàng trai sống tại vùng quê thuộc Quảng Tây, Trung Quốc có tên Kanon, 32 tuổi và câu chuyện tình với cô gái ngoại quốc từng gây sốt. Lý do là vì bạn gái của anh là cô gái Ý có ngoại hình xinh đẹp, dễ thương.
Kanon tên thật là Nông Chính Hạo, sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp. Định mệnh đã cho anh gặp Menus. Trái ngược với hoàn cảnh gia đình của Nông Chính Hạo, Menus là người Ý và mẹ cô là người Nam Phi. Do công việc kinh doanh của cha cô, cô thường xuyên phải đi lại giữa Nam Phi và châu Âu. Gia đình cô có nhà ở Venice và Milan, Ý và Johannesburg, Nam Phi.
Sau một thời gian tìm hiểu, cặp đôi đã có cái kết viên mãn bằng một đám cưới. Sau khi có bé trai đầu lòng, vợ chồng Kanon đã chuyển hẳn về quê sinh sống. Anh quyết tâm làm giàu từ nơi mình sinh ra. Họ làm rất nhiều video ghi lại cuộc sống thường ngày và được nhiều người yêu thích.
Menus và hai con. Ảnh: Toutiao
Con dâu ngoại quốc nhưng sống như người bản địa
Kể từ khi gia đình chuyển về quê ở huyện Mã Sơn, Nam Ninh, Quảng Tây, Menus gần như có cuộc sống mới.
Cô thử cấy lúa để phụ giúp gia đình nhà chồng. Do chưa quen, thời gian đầu Menus còn lúng túng. Tuy nhiên đến nay, cô gái người Ý thành thạo kỹ năng cấy lúa.
Menus cho biết cô thường giúp bố mẹ trồng ngô và lúa ở nhà. Cô rất thích cuộc sống nông thôn như thế này vì nó khiến cho cô cảm thấy gần gũi với mọi người hơn. Một số người còn nói đùa rằng Menus không phải hòa nhập nữa, cô đã được “hòa tan”.
Không chỉ học việc trồng trọt, Menus còn được gia đình dạy cách chơi mạt chược. Chỉ trong một thời gian ngắn, cô gái người Ý đã hoàn toàn thông thạo trò chơi này.
Menus từng chơi mạt chược với ba người hàng xóm suốt buổi chiều. Đương nhiên, cô luôn là người chiến thắng. Ba người hàng xóm bị thuyết phục đến mức đều thốt lên: "Ngưỡng mộ!"
Nàng dâu người Ý có nhiều người bạn mới. Ảnh: Sohu
Thậm chí, Menus còn thông thạo cách dùng địu của người dân tộc thiểu số tại địa phương cô đang sinh sống. Khi mới được mẹ chồng hướng dẫn, Menus không quen với chiếc địu này, cô cũng sợ bé sẽ khó chịu. Nhưng sau khi thử đi lại, cô phát hiện đứa trẻ không hề phản đối, thậm chí còn ngủ thiếp đi thoải mái.
Nàng dâu ngoại quốc không tỏ ra rụt rè, xa cách, ngược lại cô rất hòa thuận với gia đình và hàng xóm. Người trong xóm thường bắt gặp Menus đang trò chuyện với các dì bên đường, hay lên núi cùng bọn trẻ, trên môi luôn nở nụ cười.
Cho đến nay, Menus có một “nhóm bạn thân” trong làng. Cô và những người bạn của mình thường tụ tập ở các quán ven đường và ngồi quanh cổng làng để trò chuyện khi rảnh rỗi.
Từ đó trở đi, cô bắt đầu vừa cõng con trên lưng vừa làm việc riêng. Có thể, Menus hoàn toàn đã “hòa tan” và sống như một người Trung Quốc. Sự thay đổi của cô khiến nhiều người yêu mến và ngưỡng mộ.
Tổng hợp