Nhiều người luôn e ngại bày tỏ quan điểm sau khi kết hôn vì sợ bị nhận xét. Nhưng đôi khi, bí quyết để dễ sống tại nhà chồng chính là sự giãi bày!
01
Thương vừa mới lên xe hoa không lâu. Tết năm nay là lần đầu tiên cô ăn Tết nhà chồng nên cực kỳ lo lắng. Cô dân miền Nam, lấy chồng đất Bắc nên càng lo. Tính Thương không giỏi ăn nói, bởi vậy dù sống chung với bố mẹ chồng nhưng hai bên cũng không gắn kết nhiều.
Thương đi làm ở công ty, nhiều người kết hôn lâu năm toàn "dọa" cô: "Năm đầu ăn Tết nhà chồng buồn nhỉ" hoặc "nghĩ đến cảnh Tết mà lạnh cả sống lưng". Bởi vậy, khác với mọi năm xúng xính váy áo, năm nay, Thương sợ Tết.
Bình thường, cô ít khi tâm sự hay chuyện trò với bố mẹ chồng. Cả nhà ăn cơm với nhau, Thương cũng hay im lặng. Cô sợ mình vụng ăn nói, càng nói càng sai thì sẽ sinh ra xích mích trong gia đình. Bởi vậy dù đã kết hôn một thời gian, cô vẫn cảm thấy cực kỳ lạc lõng trong gia đình chồng.
Hải - chồng Thương cũng nhiều lần khuyên bảo vợ nên cởi mở hơn với gia đình. Im lặng sẽ chỉ khiến cô càng khó hòa nhập mà thôi. Tuy nhiên Thương không làm được, cứ rón rén, chỉ sợ làm mất lòng bố mẹ.
Năm nay đón Tết nhà chồng, còn hơn 2 tháng nữa nhưng cô đã lo đến mất hồn. Nhiều lúc nằm ngủ, cô cứ nghĩ rằng bản thân mình có vẻ như chưa sẵn sàng làm dâu, chưa sẵn sàng lấy chồng. Thương vẫn muốn về nhà ngoại ăn Tết, muốn thoải mái để khỏi bị "Tết ăn mình" nhưng cô chẳng dám nói thành lời khi đối diện với bố mẹ chồng.
Tranh minh họa.
02
Những ngày này, dù chưa Tết nhưng cô đã liên tục hỏi han mọi người quà cáp Tết thế nào, cỗ bàn ăn Tết ra sao. Nghĩ phong tục mỗi nhà một khác, Thương rón rén hỏi Hải để có gì còn chuẩn bị trước.
Nhìn thấy vợ như thế, Hải ngán ngẩm. Anh nói thẳng rằng nhà mình ăn Tết cực kỳ đơn giản nhưng Thương không dám nghe, chỉ sợ anh xúi dại để nhỡ đâu có chuyện thì mẹ chồng con dâu lại xích mích.
Một hôm nọ, cô vừa đi làm về vào nhà đã thấy mẹ chồng lúi húi nấu cơm. Thấy con dâu, mẹ chồng cô đã bắt đầu lân la nói chuyện rồi kể về trải nghiệm ngày xưa về nhà chồng. Có vẻ như đã được Hải nhờ từ trước nên bà chủ động. "Được lời như cởi tấm lòng", Thương cũng hỏi han về việc gia đình chồng ăn Tết, quà cáp thế nào, có điều gì cần để ý không...
Cứ như thế, suốt 1 tuần liền, mẹ chồng con dâu đã nói chuyện và giãi bày đủ thứ với nhau, Thương nói về nỗi băn khoăn về việc lần đầu ăn Tết nhà chồng, rụt rè nói đến việc muốn về nhà ngoại vào chiều mùng 2 mà mãi chưa dám mở lời.
Mẹ chồng cô cũng bật cười, nói thẳng: "Con thích gì phải nói, rụt rè khiến cho mẹ con xa cách chẳng hiểu ý nhau rồi lại thêm ấm ức. Ngày xưa mẹ cũng như con, sau nãy quen rồi mới biết hóa ra ngay từ đầu mình nói thẳng bản thân muốn gì, nghĩ thế nào thì đã dễ sống hơn". Thương và mẹ cũng dần trở nên thân thiết hơn từ cô dám nói.
Tranh minh họa.
Hôm nay, đang làm việc ở công ty, cô nhận được tin nhắn lạ từ mẹ: "Mùng 2 Tết con muốn bay chuyến 2 giờ chiều hay 6 giờ chiều để về bên ngoại?".
Đọc tin nhắn mà Thương bất ngờ, mẹ chồng hỏi để làm gì, chẳng lẽ nhà chồng có truyền thống đặc biệt nào đó vào mùng 2 Tết. Cô hỏi lại thì bà đáp: "Mẹ đặt vé máy bay cả nhà mình hôm đó vào chúc Tết ông bà thông gia luôn. Để mẹ trả tiền vé nhé. Năm đầu con về làm dâu, Tết xa nhà đẻ chắc chắn cũng nhiều tâm trạng nên mẹ chốt luôn mùng 2 nhà mình qua chơi nhà con luôn, cứ quyết định vậy nhé".
Thương nghe mà hạnh phúc ngập tràn. Tự nhiên cô không còn sợ Tết nữa. Nếu không có những cuộc trò chuyện và thoải mái giãi bày với mẹ chồng thì có lẽ, cô cứ ôm nỗi lo lắng này mãi và nỗi sợ Tết thường trực từ bây giờ cho đến hết cái Tết đầu tiên ở nhà chồng.
03
Nhiều người khi về làm dâu luôn bị nằm lòng tư tưởng: "Nếu không khiến mẹ chồng yêu thì hãy để mẹ chồng phải sợ mình". Bởi vậy, họ có cách tiếp cận với bố mẹ chồng đôi khi không được phù hợp lắm.
Nhiều nàng dâu rất ít khi giãi bày với mẹ chồng. Họ tự đặt mình vào thế khó, tự nghĩ ngợi ra rất nhiều phương án tiêu cực để rồi lo lắng. Họ không nghĩ rằng tất cả những phập phù bất an đó đều có thể được giải quyết nếu như mình mạnh dạn lên tiếng, mạnh dạn bày tỏ quan điểm và mạnh dạn nói ra suy nghĩ của mình.
Đôi khi, làm dâu thật dễ dàng nếu như chúng ta biết cách giãi bày những tâm tư của bản thân. Bố mẹ chồng cũng chẳng thể nào hiểu ý con cái được tất cả mọi thứ. Để đến khi hai luồng suy nghĩ, hai luồng tư tưởng khác biệt giữa hai bên nảy sinh, sau đó rất dễ xảy ra va chạm bởi ai cũng chắc nịch với tư tưởng: "Con/mẹ cứ nghĩ là...".
Tranh minh họa.
Nhiều người con dâu sống xa lạ trong gia đình chồng. Họ không biết tìm đến cầu nối lớn trong mối quan hệ đó chính là sự giao tiếp. Im lặng và né tránh, không muốn giãi bày thì khiến đối phương chẳng thể nào hiểu nhau. Để rồi sau đó đôi khi những mâu thuẫn đáng tiếc xảy đến chỉ vì sự không thấu hiểu đó.
Tết là một sự kiện lớn đối với những người về làm dâu. Nhưng các nàng dâu mới cũng đừng tự gây áp lực lên chính mình vì những suy đoán về cách ăn Tết của nhà chồng. Đôi khi, chỉ cần nhưng cuộc trò chuyện để nói rõ lòng nhau, các nàng sẽ thật sự biết rằng "Tết yêu phết" là có thật.