"Không phải ai cũng xứng đáng với sự lương thiện của bạn"
Nhà văn Trung Quốc, Mạc Ngôn từng nói: "Người khi đã thấu hiểu thế sự ở đời phải biết không được nuông chiều bất cứ ai. Không được dễ dãi với người, càng dễ càng hỗn xược; không được nhường người, càng nhường càng lấn tới; không được kỳ vọng, càng trao niềm tin càng lạnh lẽo tâm can. Không phải ai cũng xứng đáng với sự lương thiện của bạn".
Lời tuy thô, nhưng thật! Có lẽ những ai trải nghiệm đủ nhiều ở xã hội ngoài kia mới hiểu thấm thía nhất.
Đôi khi càng chú ý đến một người, càng xem họ là "vấn đề", càng dễ bị chà đạp lên sự tôn nghiêm, thậm chí ảnh hưởng lòng tự trọng.
Tuy nhiên, bản chất của mỗi người đều có phần lương thiện, dù ít dù nhiều. Chúng ta có thể không dễ dãi với bất cứ ai, nhưng cũng không thể bỏ qua sự tồn tại của họ.
Mặc dù lòng người khó đoán, ngoài kia đầy rẫy sự hung hiểm, nhưng cuộc sống không thể thiếu đi sự nhân từ và tình người.
Thật ra, hầu hết điều người khác làm với bạn, đều là được bạn "đồng ý" ở một góc độ nào đó, trực tiếp hoặc gián tiếp. Cũng giống như khi người khác lần đầu làm điều xấu bạn, nếu như bạn vạch sẵn ranh giới để họ nhận ra "bản thân không dễ bị hà hiếp", thì khả năng lần sau họ làm điều tương tự gần như không còn.
Đôi khi, sống quá lương thiện, thứ bị làm cho cảm động chỉ có bản thân, ngược lại còn để người không có ý tốt thừa cơ. Đây mới là điều đáng sợ nhất!
Con người quá mức thiện lương thì dễ chịu tổn thương. Mà muốn sống thoải mái thể diện một chút, thì phải có tấm lòng như Bồ Tát, cũng phải có móng vuốt sắc bén như sư tử để tự bảo vệ mình.
Lắm lúc, thực sự hy vọng mình là kiểu người khó hòa hợp, có thể không cần phải lấy lòng ai. Đặc biệt là kiểu người đơn giản, không cần rào trước đón sau, người khác đối xử với mình như thế nào, bản thân sẽ đối xử với họ như thế đó. Sống với nguyên tắc này chưa chắc đã xấu.
"Hãy rèn luyện bản thân trở nên mạnh mẽ hơn"
Một số người, cảm thấy mọi thứ bạn làm là điều hiển nhiên. Bất kể là mối quan hệ nào, ngay cả bạn bè thân thiết hay người thân gia đình cũng phải "có qua có lại". Nếu người đã không biết ơn, thì tốt nhất nên tránh xa, càng xa càng tốt.
Ở chung với nhau đủ lâu, có đôi khi sẽ lộ ra bản tính. Bạn cho rằng đối phương đã thay đổi, kỳ thật có thể không phải là thay đổi, mà là "mặt nạ rớt xuống".
Ngẫm lại cuộc sống, thời gian chảy trôi, ngay cả sắt cũng sẽ rỉ sét, huống chi là lòng người - thứ rất dễ bị lay động này.
Vì vậy, hãy rèn luyện bản thân trở nên mạnh mẽ hơn, mài giũa năng lực kiếm tiền, đồng thời hãy sống lương thiện một cách thông minh. Có như vậy, mới bớt đi vài phần thị phi, ít rước họa vào người.
Trong xã hội ngoài kia, vấn đề có thể sử dụng mồ hôi để giải quyết thì không nên sử dụng nước mắt; thứ có thể giải quyết bằng tiền thì không nên động chạm đến ân nghĩa tình người. Nếu có thể giải quyết vấn đề của chính mình, đừng làm phiền đến người khác.
Trên thực tế, tất cả áp lực của chúng ta đều đến từ "không biết đủ và thỏa mãn". Điều chỉnh tâm lý, âm thầm nỗ lực, chậm mà chắc, tìm kiếm sự ổn định để tiến tới.
Khi đã minh bạch nhiều điều thay vì nói "không nên dễ dãi với người khác", chi bằng "buông tha chính mình". Nhìn thấu thế sự để có thể buông bỏ gánh nặng tự tìm về, bao gồm cả bản thân và người khác.