Bóng rổ - một bộ môn thể thao không còn quá xa lạ, đặc biệt là với giới trẻ hiện nay. Rất nhiều người đã chọn chơi bóng rổ vì nó giúp rèn luyện sức khoẻ, giải trí. Bên cạnh những giải đấu chuyên nghiệp, mà nổi nhất hiện nay là VBA, thì nhiều bạn trẻ cũng tự thoả mãn đam mê bóng rổ của mình bằng cách lập nhóm và thuê sân để chơi. Nó cũng dần phổ biến như việc một nhóm bạn thuê sân để chơi cầu lông hay bóng đá.
Người tham gia có thể là bất cứ ai, đến từ bất kỳ ngành nghề nào, điểm chung giữa họ là: Mê chơi bóng rổ! Không nhất thiết người chơi phải đến sân vào cuối tuần, khi cả nhóm chơi thống nhất được giờ giấc với nhau, họ linh động đặt sân và chơi luôn.
Chúng tôi đến với câu lạc bộ học đường nằm trên đường Hoàng Diệu, Phú Nhuận, TP.HCM vào một tối thứ thứ Ba. Sân đông. Một nhóm bạn tầm mười mấy người đang có một buổi thi đấu bóng rổ tại đây.
Trải nghiệm một buổi thuê sân chơi bóng rổ của nhóm bạn trẻ TP. HCM
Không khí trên sân chơi không khác gì trận đấu giải
Bước vào sân bóng rổ, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là bầu không khí sôi nổi không khác gì một buổi thi đấu chuyên nghiệp. Không gian rộng cộng với âm thanh huỳnh huỵch của trái bóng cam đập xuống sàn, chạm vào bàn tay rồi đập lên rổ, khiến tất cả người có mặt dành toàn bộ sự tập trung vào "đội quân" chuyền bóng. "Tinh thần máu lửa", "không biết mệt mỏi"... là những cụm từ chính xác để mô tả những gì diễn ra trên sân chơi.
Có mặt trên sân lúc này là Linh Lưu (29 tuổi) - một nhiếp ảnh gia tự do, khá nổi tiếng trên MXH. Linh Lưu là fan cứng của quả bóng cam. Không chỉ thường xuyên có mặt trong hàng ghế khán giả những giải đấu chuyên nghiệp, cậu còn duy trì được những buổi chơi bóng rổ đời thường cùng hội bạn hết sức máu lửa.
Cậu dành 3 buổi/ tuần để chơi bóng. Trong đó sẽ có một buổi nhóm của Linh chơi trên sân ngoài trời và bắt ngẫu nhiên người tham gia, 2 buổi còn lại sẽ chơi cố định sân trong nhà, và "thói quen này đã được tụi mình giữ suốt 2 năm nay, sinh hoạt rất đều vào tối thứ 3 và thứ 5 hàng tuần" - Linh Lưu chia sẻ.
Mỗi buổi chơi bóng rổ thường sẽ diễn ra theo những trình tự cơ bản như: "Mỗi buổi chơi thường sẽ có 4 đội. Lúc mới tới mọi người khởi động và chia đội theo trình độ, vì trình độ mỗi người khác nhau, rất đa dạng. Khi bắt đầu chơi thì sẽ có 2 đội vào trước, 2 đội kia ở ngoài bắt trọng tài và cứ luân phiên như vậy cho tới khi hết giờ" - Linh Lưu cho hay.
Điều đáng ngạc nhiên là trong buổi chơi bóng rổ này, người chơi không chỉ là "cầu thủ" mà còn đảm nhận luôn vai trò trọng tài. Họ am hiểu từ cách chơi, kỹ năng trên sân bóng rổ cho tới quy luật của người làm trọng tài.
Một phần tư góc sân là những hàng ghế khán đài trải dài để người chơi ngồi nghỉ hoặc dành cho khán giả. Chi phí mà người chơi phải bỏ ra để thuê sân không quá cao, nếu đi nhiều người, trung bình nằm trong khoảng 50K/ người đối với sân trong nhà và 10K - 15K/ người đối với sân ngoài trời.
Gặp không ít những chấn thương nhưng vẫn yêu bóng rổ theo một cách riêng
Theo dõi mọi người thi đấu trên sân chúng tôi cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh họ va chạm và bị ngã, từ đó hiểu rằng bất kỳ bộ môn thể thao nào khi chơi cũng đều khó tránh khỏi những chấn thương, và với bóng rổ cũng không ngoại lệ. Một bộ môn cần tốc độ và có tính va chạm như bóng rổ, không ít người đã gặp chấn thương từ nặng tới nhẹ.
Linh Lưu cho rằng chơi bóng rổ chỉ để vui và giải trí thôi nhưng gặp chấn thương cũng khá nhiều: "Mỗi lần gặp chấn thương thì anh em trong nhóm thường chia sẻ kinh nghiệm khắc phục như thế nào, cần phải lưu ý gì, hoặc nếu nghiêm trọng quá thì cùng đưa nhau đi bệnh viện luôn.
Mình đã từng bị đứt dây chằng đầu gối, nhưng người làm mình như vậy lại vô tình là đồng đội của mình. Lúc đấy thì cả hai cũng đều không biết làm sao, chỉ biết bắt tay và đưa nhau đi viện. Đó là một kỷ niệm 'dở khóc dở cười' của mình khi gặp chấn thương".
Mai Nhật Hào (sinh viên Đại học Rmit) - thành viên của đội bóng rổ trường Rmit cũng đã từng gặp chấn thương nghiêm trọng và phải tạm gác lại ước mơ: "Mình bị đứt dây chằng vào năm 2019, lúc mà đang tập luyện cho đội tuyển Quốc gia. Mình đã không mổ, không phẫu thuật mà theo vật lý trị liệu. Mình đã phải mất 1 năm trị liệu để có thể chơi lại bình thường như bây giờ".
Tuy mỗi người chơi bóng rổ ít nhiều đều sẽ gặp những chấn thương nhưng niềm yêu thích và đam mê bóng rổ vẫn luôn cháy trong họ. Vực dậy sau chấn thương, có người còn tiếp tục chơi hay thậm chí mở hẳn một cửa hàng giày bóng rổ.
Đỗ Lưu Huỳnh là người có câu chuyện đặc biệt như thế!
"Thời đấy mới vào Sài Gòn, mình thích bóng rổ lắm nên đã đi tìm mua giày bóng rổ để phục vụ cho bộ môn này. Tuy nhiên mình lại mua phải một đôi giày giả và lúc đấy mình thấy rất buồn. Mình hiểu được đôi giày đóng vai trò quan trọng như thế nào trong bóng rổ, mình muốn đem đến cho các bạn trẻ những đôi giày chất lượng nhất nên đã quyết định mở cửa hàng".