Thời thơ ấu, một tai nạn đã khiến Yang Pei mất đi hoàn toàn đôi tay. Năm 13 tuổi, cô định nhảy xuống dòng sông lạnh lẽo để kết thúc cuộc đời bi thảm. Năm 15 tuổi, cô phải chịu nhiều ánh mắt và sỉ nhục vì đi ăn xin trên đường phố . Năm 23 tuổi, cô tự học thêu thùa và trở nên nổi tiếng bằng chính đôi chân của mình.
Ở tuổi 24, cô đã dựa vào đôi chân của chính mình để xoay chuyển tình thế, mở công ty và trở thành nữ CEO. Cuộc đời của Yang Pei đầy thăng trầm, nhưng cô gái ngoan cường luôn nỗ lực chiến thắng số phận bằng chính đôi chân.
Tai nạn bất ngờ
Yang Pei sinh ra ở tỉnh Thiểm Tây vào năm 1990. Trong ấn tượng thuở nhỏ, quê hương của cô luôn là một nơi biệt lập. Yang Pei là con út trong gia đình có 4 người con nên được bố mẹ chiều chuộng. Khi còn nhỏ, cô rất nghịch ngợm, trèo cây và đào đất.
Mặc dù nghịch ngợm nhưng Yang Pei học rất giỏi, điểm số luôn thuộc top cao nhất. Cuộc sống thời thơ ấu của Yang Pei trôi qua êm đềm và hạnh phúc như bao đứa trẻ khác. Đến năm cô 9 tuổi, tai hoạ giáng xuống....
Do phát triển lạc hậu nên nhiều cơ sở vật chất trong làng lâu ngày không được bảo trì, gây ra rủi ro nhất định về an toàn, đặc biệt là máy biến áp gần nhà Yang Pei. Khi đi qua trạm biến áp, do nghịch ngợm nên cô kéo sợi dây, hậu quả dẫn đến bị điện giật, ngất lịm đi. Hai cánh tay của cô bị ảnh hưởng nặng nhất, phải cắt cụt để giữ mạng sống vì nhiễm trùng. Bất lực, bố mẹ cô không còn cách nào khác ngoài việc ký vào giấy đồng ý phẫu thuật với đôi mắt đẫm lệ.
Khi Yang Pei tỉnh dậy, cô thấy toàn thân được băng bó. Nỗi sợ hãi và đau đớn vô hạn khiến cô phải hỏi đi hỏi lại mẹ mình. Cô không muốn tin rằng mình đã hoàn toàn mất đi đôi tay và trở thành người tàn tật. Vì điều kiện gia đình không tốt, số tiền tiết kiệm ít ỏi cạn kiệt. Thương bố mẹ lam lũ và tự ti, cô không muốn tiếp tục đi học.
Cũng từ sau tai nạn, Yang Pei trở nên lầm lì, thường cáu gắt. Cô không dám ra ngoài, sợ người khác nhìn mình bằng ánh mắt đáng thương. Thời gian đầu, mọi sinh hoạt cá nhân của cô đều được cha mẹ giúp, điều này càng khiến cô cảm thấy bản thân vô dụng. Sống như vậy ngày này qua ngày khác khiến cô cảm thấy mình là gánh nặng cho gia đình, dần dần nảy sinh ý định tự tử.
Tiếng hét của mẹ đã cứu Yang Pei
Khi Yang Pei 13 tuổi, một ngày nọ, cô lẻn ra ngoài trong khi bố mẹ đi vắng, cô đi một mình trên con đường quê, đứng bên bờ sông. Cô suy nghĩ một lúc, chậm rãi bước tới với đôi mắt đẫm lệ rồi nhảy xuống phía dưới.
Dòng nước lạnh buốt lập tức nhấn chìm đôi chân và cơ thể cô . Khi dòng sông chảy nhấn chìm đầu cô, cô chợt nghe thấy tiếng mẹ la hét và khóc ở phía sau. Cuối cùng, cô vẫn không đủ dũng khí để kết thúc cuộc đời, tiếng hét của mẹ đã kéo cô về với cuộc đời, đánh thức trái tim cô.
Sau lần tự tử bất thành, Yang Pei đã quyết định làm việc chăm chỉ và nỗ lực để thay đổi vận mệnh. Không có cánh tay của cô, Yang Pei bắt đầu cố gắng sử dụng đôi chân như đôi tay của chính mình. Cô bắt đầu tập thể dục cho đôi chân mỗi ngày. Cô chạy ra sông, nhặt đá bằng chân để rèn luyện độ nhạy bén.
Luyện tập ngày đêm, chân cô nổi đầy mụn nước, nhưng dù vậy, Yang Pei chưa bao giờ nói mệt. Dần dần, cô có thể dễ dàng nhặt một hòn đá, sau này cô có thể dùng chân kẹp rau. Trong suốt một năm, Yang Pei cố gắng sử dụng đôi chân để đạt được khả năng tự chăm sóc cơ bản. Cô có thể tự mặc quần áo và đi giày, thậm chí mở cửa và nhặt những vật nặng.
Tự lập ở tuổi 15
Sau khi dũng cảm bước đi bước đầu tiên chống lại số phận, Yang Pei dần dần nảy ra một ý tưởng mới - ra ngoài làm việc. 15 tuổi, Yang Pei quyết định rời quê hươn . Cô muốn sống tự lập và giảm bớt gánh nặng cho gia đình nên vào một buổi sáng sớm, Yang Pei mang theo hành lý và bí mật rời khỏi quê.
Sau hơn 10 giờ đi xe, cô đã đến Trường Sa, Hồ Nam. Dòng người đi bộ liên tục ở quảng trường nhà ga khiến cô cảm thấy bình tĩnh hơn một chút. Vừa đến thành phố lớn, cuộc sống thực tàn nhẫn đã tát mạnh vào mặt vì không có tay và không có học vấn nên Yang Pei rơi vào tâm lý sợ hãi.
Hàng loạt trở ngại khiến cô phải sống lang thang trên đường phố, không tiền, không việc làm. Đứng ở vùng đất xa lạ, cô gái mong manh nhưng mạnh mẽ này có chút bối rối. Không có tiền ăn, cô chỉ có thể lục thùng rác tìm đồ ăn. Khi khát nước, cô vào nhà vệ sinh công cộng uống nước máy, ban đêm ngủ trên ghế đá ngoài công viên.
Nhưng dù vậy, những khó khăn của cuộc sống vẫn không đè nặng được cô gái ngoan cường này. Cô đã kiếm được một số tiền lẻ và bắt đầu bán báo. Mặc dù thường xuyên phải chịu những ánh nhìn soi mói và lời chế giễu của người qua đường nhưng Yang Pei vẫn có thể kiếm được một ít tiền để nuôi sống bản thân. Cô tiết kiệm tiền bằng cách bán báo và bắt đầu mở một quầy hàng cố định gần ga xe lửa.
Dần dần, ngày càng có nhiều người biết ở đây có một cô gái cụt và sẵn sàng giúp đỡ cô. Tuy nhiên, cô sớm nhận ra rằng việc bán báo không phải là giải pháp lâu dài và số tiền kiếm được chỉ đủ sống qua ngày, không thể trở nên giàu có.
Nếu muốn thực sự có được chỗ đứng trong thành phố, cô phải có kỹ năng của riêng mình. Cô bắt đầu tìm kiếm cơ hội để vượt qua số phận cuộc đời.
Quyết tâm thêu bằng đôi chân
Tình cờ, Yang Pei tiếp xúc với nghệ thuật thêu chữ thập. Cô có chút xúc động khi nhìn thấy những đường khâu và đường chỉ phác họa bức tranh trên tấm vải. Tuy nhiên, là một người khuyết tật không có tay nên việc học thêu là điều vô cùng khó khăn. Nhưng Yang Pei không dễ dàng bỏ cuộc.
Cô mua rất nhiều dụng cụ, nhốt mình trong căn nhà thuê và bắt đầu ngày đêm luyện tập. Chiếc kim thêu nhỏ đến mức nhiều người dùng tay cũng khó xuyên qua được chứ đừng nói đến một người không có tay như Yang Pei.
Lúc đầu, cô ấy thậm chí còn không thể cầm được cây kim. Dù đã cố gắng nhưng cô vẫn bị kim đâm gây đau nhức. Cô không biết mình đã đổ bao nhiêu máu và nước mắt trong suốt một năm. May mắn thay, sự chăm chỉ của cô đã được đền đáp, Yang Pei dần thành thạo kỹ thuật thêu chữ thập.
Bức tranh thêu chữ thập đầu tiên của Yang Pei được bán với giá 600 NDT (khoảng 2,1 triệu đồng). Số tiền này là nguồn động viên to lớn, giúp cô càng thêm quyết tâm gắn bó với nghề. Sau này, cô bắt đầu chuyển quầy bán báo sang thêu chữ thập. Cảnh tượng một cô gái cụt tay đang thêu chữ thập bằng chân cạnh ga tàu trở thành khung cảnh tuyệt đẹp, được nhiều người dừng lại xem và mua.
Công việc kinh doanh thêu thùa của Yang Pei ngày càng phát triển. Mọi người đều phải khâm phục trước ý chí kiên cường của cô. Năm 2013, Yang Pei tham gia "Giấc mơ Trung Hoa". Trên sân khấu, cô đã dùng đôi chân thể hiện những kỹ năng độc đáo với khán giả. Tranh thêu của cô được mệnh danh là "Sao Kim của phương Đông" và cô gái kiên trì này xứng đáng được mọi người gọi là "thiên thần gãy đôi cánh". Nhờ báo chí đưa tin, về sau những bức tranh của cô có giá bán rất cao.
Yang Pei tiếp tục mở một tiệm thêu và công việc kinh doanh vô cùng phát đạt. Cuối cùng, cô cũng thực hiện được ước mơ ban đầu, đó là dựa vào đôi chân để đảo ngược số phận bi thảm. Cô không chỉ dùng số tiền kiếm được để xây và sửa nhà cho gia đình mà còn gửi tiền cho em trai đi học.
Năm 2014, cô thành lập Công ty TNHH Công nghiệp Yimeikang và trở thành CEO. Tuy nhiên, cô vẫn không quên ý định ban đầu của mình là tạo ra một dự án mơ ước để giúp đỡ người khuyết tật. Nhìn lại hành trình đó, Yang Pei đã dùng KIÊN CƯỜNG để đối mặt với những thách thức của cuộc đời.
Theo Toutiao