Ngày 6/11/2020, vào lúc 1h30 sáng, anh Khánh cùng 4 thành viên nữa bắt đầu hành trình bơi 200km từ sông Hồng khu vực chân cầu Long Biên (Hà Nội) đến cửa biển Ba Lạt (Thái Bình). Được biết, mỗi ngày mỗi VĐV bơi trung bình 70km trong 15 tiếng. Ngày 8/11, thử thách được hoàn thành, trong đó anh Khánh được xác nhận là một trong hai người Việt đầu tiên bơi với cự ly dài như trên.
Tin tức về hai người Việt đầu tiên hoàn thành cự ly bơi 200km khi ấy đã nhận sự chú ý lớn của CĐM. Trên thực tế, anh Khánh vốn không xuất phát là một VĐV chuyên nghiệp mà chỉ là người vô cùng yêu thích môn bơi lội. Thậm chí, cách đây 3 năm, khi vừa tiếp xúc với bơi lội được một thời gian ngắn, anh theo một nhóm bơi đường dài đến một hồ ở tỉnh Thanh Hóa bơi và suýt chết do không mang theo phao. Sau lần "chết hụt" đó, Khánh quyết tâm đi tập bơi bài bản để "phòng thân".
"Sau chuyến đi ấy, suốt 3 tháng liền đêm nào tôi cũng nằm mơ thấy mình chết đuối. Gia đình tôi cấm tôi đi bơi nữa. Nhưng tôi biết khi bạn bị ám ảnh với sợ hãi điều gì đó, một là bạn tránh xa điều đó mãi mãi hoặc bạn bắt buộc phải vượt qua và cái tôi chọn là sẽ cố vượt qua nó", anh Khánh chia sẻ trên Dân Việt.
Đầu năm 2020, anh thành lập câu lạc bộ "Bơi khám phá" với mục đích ban đầu là thỏa mãn niềm đam mê bơi lội của mình và những người có cùng sở thích. Tuy nhiên, vào mùa hè, anh và nhóm bạn vô tình biết thông tin về nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra nên cả nhóm mong muốn được đóng góp những kiến thức, kinh nghiệm bơi lội cho cộng đồng.
Tới năm 2021, nhóm bắt đầu hành trình thiện nguyện này bằng việc treo những biển báo nguy hiểm ở các bãi bơi, sông, hồ để cảnh báo các em nhỏ cũng như mọi người. CLB của anh Khánh cũng đã treo phao cứu sinh ở dọc các cây cầu đi qua giảng dạy và những chiếc phao cứu sinh được gắn trên thành những cây cầu bắc qua sông Hồng cũng chính do nhóm của anh đã treo lên với hi vọng giúp cộng đồng nâng cao nhận thức và hiểu biết về lợi ích của việc học bơi và cách xử lý khi đuối nước.
Trên Vietnamnet, anh bày tỏ: "Những người tự tử đôi khi vì nghĩ quẩn mà nhảy xuống, nhưng khi phải vật lộn với dòng nước, biết đâu họ nghĩ lại. Lúc ấy bản năng sống có thể khiến họ túm lấy chiếc phao để tự cứu mình. Còn với những người ở trên cầu, họ có thể bơi tốt nhưng độ cao của cây cầu có thể khiến họ không tự tin để nhảy xuống. Nếu có chiếc áo phao này, biết đâu họ tự tin hơn để cứu một mạng người".
Đặc biệt, gần đây khi có rất nhiều vụ nhảy cầu, đuối nước xảy ra đã thôi thúc anh và nhóm "Bơi khám phá" làm nên hành trình thiện nguyện "Tình yêu sông Hồng" vào tháng 3/2022. Chỉ chưa đầy một ngày chia sẻ ý tưởng của mình lên MXH, nhóm của anh Khánh đã có đến hơn 50 tình nguyện viên ủng hộ và cùng anh đóng góp, thực hiện.
Sau khi hành trình này bắt đầu, một số nhà hảo tâm thậm chí đã ủng hộ và thành lập quỹ mang tên "Quỹ phát triển bơi lội Việt Nam" (Mon Swimming) để đóng góp chi phí thực hiện những chuyến đi này. Hành trình dạy bơi dọc sông Hồng của anh Khánh đã được đăng tải trong chương trình "Việc tử tế" phát sóng trên VTV1 vào ngày 30/7 vừa qua.
"Nước mình có bờ biển rất là dài, sông, hồ, ao, suối rất nhiều nhưng tỉ lệ người biết bơi thì rất thấp. Ước mơ của tôi là muốn đưa hành trình này đến nhiều nơi hơn và thực tế là đã có rất nhiều tỉnh khác đã liên hệ với tôi để tạo cơ hội cho tôi xuống giao lưu với mọi người ở các tỉnh ấy. Tôi cũng hy vọng là lan toả rộng trên cả nước…", anh Khánh nhấn mạnh trên Lao động Thủ đô.
Ảnh: NVCC.