Khi Masahiro Okafuji trở thành giám đốc điều hành của công ty Itochu Corp vào năm 2010, ông đã ưu tiên hàng đầu việc cải thiện năng suất để công ty có thể cạnh tranh với các đối thủ lớn hơn tại Nhật Bản.
Cách tiếp cận của ông lại rất khác thường. Theo đó, bất kỳ nhân viên nào làm việc tại văn phòng sau 8 giờ tối sẽ bị cấm và sẽ không có thời gian làm thêm giờ nữa, trừ một số trường hợp ngoại lệ hiếm hoi. Nếu mọi người không nghiêm túc tuân thủ, đội bảo vệ và các nhân viên hành chính nhân sự sẽ lùng sục tòa nhà văn phòng của công ty Itochu ở Tokyo để yêu cầu ra về. Những người nhất định bám lấy bàn làm việc của họ sẽ được yêu cầu đến sớm vào ngày hôm sau để hoàn thành công việc và sẽ được trả thêm tiền.
Ảnh minh họa.
1 thập kỷ sau, công ty Itochu - với đa dạng hoạt động kinh doanh từ chuỗi cửa hàng tiện lợi FamilyMart đến cả lĩnh vực mua bán kim loại - đã báo cáo lợi nhuận trên mỗi nhân viên tăng hơn 5 lần từ năm 2010 đến năm 2021.
Cái được lớn nhất không chỉ là đơn thuần là lợi nhuận, doanh thu
Có một điều cũng theo đó mà thay đổi khiến ban giám đốc của Itochu ngạc nhiên. Đó là ngày càng có nhiều nhân viên nữ nghỉ thai sản, sinh con và quay trở lại tiếp tục làm việc.
Fumihiko Kobayashi, phó chủ tịch điều hành của Itochu cho biết: “Chúng tôi bắt đầu tăng năng suất nhưng không biết rằng nó sẽ có tác động đến tỷ lệ sinh.
Itochu đã hiên ngang vượt qua "cơn bão" giảm tỷ lệ sinh mà chính phủ Nhật Bản và các tổ chức khác trên thế giới đã cố gắng hết sức để đảo ngược nhưng không đạt được nhiều thành công.
Ảnh minh họa
Bằng chứng là Itochu chứng kiến tỷ lệ sinh của nhân viên toàn thời gian tăng gấp đôi trong những năm kể từ khi ngài Masahiro Okafuji trở thành Giám đốc điều hành, đạt gần 2 con cho mỗi nhân viên nữ trong năm tài chính kết thúc vào ngày 31 tháng 3 năm 2022 - vượt xa tỷ lệ hiện tại của Nhật Bản là khoảng 1,3.
Tỷ lệ sinh tăng đột biến đã thu hút sự chú ý của thành viên hội đồng quản trị Itochu, bà Atsuko Muraki, người trước đó từng là giám đốc về việc làm bình đẳng và phúc lợi trẻ em tại Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản.
Bà đã khuyến khích công ty công khai những con số bất chấp xu hướng giảm tỷ lệ sinh ở Nhật Bản vào năm ngoái, nhằm gửi thông điệp xã hội rằng, đối với phụ nữ, việc nuôi dạy con cái và sự nghiệp không nhất thiết phải đánh đổi lẫn nhau.
Điều này đã nhận về những phản ứng trái chiều. Một số người chỉ trích Itochu vì đã can thiệp vào cuộc sống của nhân viên và "không nhạy cảm" với những người gặp khó khăn về sinh sản.
Nhật Bản từ lâu đã được biết đến với nền văn hóa làm việc như "thiêu thân" kéo dài tại văn phòng - tiếp sau đó là những buổi tối ăn uống với đồng nghiệp - khiến việc xây dựng gia đình trở nên khó khăn, đặc biệt là đối với lao động nữ. Kết quả là, nhiều phụ nữ phải bỏ việc để ở nhà chăm sóc con cái.
Lệnh cấm làm việc ban đêm của Itochu đã giảm bớt phần nào áp lực đó. Và sau đại dịch Covid-19, nhân viên được phép làm việc tại nhà 2 ngày một tuần. Thậm chí, vào năm ngoái, công ty này còn cắt giảm giờ làm việc chính từ 8 giờ xuống còn 6 giờ, để mọi người có thể tan sở sớm nhất là 3 giờ chiều.
Đối với nhiều phụ nữ Nhật Bản, mang thai có thể đánh dấu sự kết thúc sự nghiệp, nhưng nhiều nhân viên nữ tại Itochu đã quay trở lại vì giờ làm việc ngắn và có hẳn một trung tâm chăm sóc ban ngày mà công ty thành lập ngay gần văn phòng, khiến cho việc mang thai và chăm sóc con cái của chị em trở nên dễ dàng hơn.
Bài học cho các quốc gia láng giềng
Câu chuyện của Itochu có thể mang lại một số bài học đặc biệt quan trọng cho Nhật Bản và các nước láng giềng ở Đông Á trong cuộc chiến chống giảm tỷ lệ sinh.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đang tìm cách ngăn chặn tình trạng giảm sinh mà ông gọi là “cuộc khủng hoảng quốc gia”, đe dọa dẫn đến sự thiếu hụt 11 triệu lao động vào năm 2040 và dẫn đến sự sụp đổ của hệ thống chăm sóc sức khỏe và lương hưu của quốc gia.
Ảnh minh họa
Bên ngoài Nhật Bản, tỷ lệ sinh giảm có nguy cơ ảnh hưởng đến các cường quốc kinh tế của châu Á. Hàn Quốc có tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới trong nhiều năm, giảm xuống còn 0,78 vào năm 2022. Tỷ lệ phụ nữ từ 25 đến 39 tuổi rời bỏ lực lượng lao động ở quốc gia này cũng cao nhất trong số các nước phát triển, được cho là xuất phát từ việc thiếu dịch vụ chăm sóc trẻ em.
Căng thẳng tài chính và thiếu sự hỗ trợ cho việc nuôi con cũng đã khiến dân số Trung Quốc giảm lần đầu tiên sau 6 thập kỷ, nhường vị trí số 1 cho quốc gia đông dân nhất thế giới cho Ấn Độ.
Nhiều người làm việc trong ngành công nghệ của Trung Quốc than phiền về văn hóa làm thêm giờ được gọi là “996” – làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày một tuần. Tỷ phú Jack Ma, người sáng lập Alibaba Group Holding Ltd., từng bị chỉ trích vào năm 2019 vì gọi “996” là một điều may mắn.
Một công ty Trung Quốc gần đây đã tìm cách xoa dịu văn hóa làm việc bị xem là "độc hại" đó. Vào tháng 6, công ty du lịch trực tuyến Trip.com Group Ltd. cho biết họ sẽ cung cấp khoản trợ cấp chăm sóc trẻ em trị giá 10.000 nhân dân tệ (hơn 33 triệu đồng) hàng năm cho nhân viên, với mỗi đứa trẻ từ sơ sinh đến 5 tuổi. Bên cạnh đó còn có các lựa chọn làm việc tại nhà và hỗ trợ sinh sản...
Thoát khỏi lối mòn
Trong khi các công ty thương mại như Itochu đã góp phần củng cố "phép màu kinh tế", họ còn thể hiện văn hóa doanh nghiệp của Nhật Bản - quốc gia được vốn ưu tiên nam giới, thời gian làm việc dài và áp lực phải tham gia các bữa tiệc nhậu nhẹt với sếp và khách hàng sau giờ làm việc.
Ít ai ngờ rằng, các công ty lớn như Itochu, Mitsui, Mitsubishi hay Sumitomo sẽ thoát khỏi những "lối mòn" hàng thập kỷ về sự cống hiến hết mình cho công việc và trở thành những đơn vị tiên phong trong việc thúc đẩy sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống.
Khi Anna Furuya trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản vào năm 2013 tại bộ phận dệt may của Itochu, trong những ngày đầu cải cách giờ làm việc của công ty, cô cảm thấy mình như một kẻ ngoại lệ mỗi khi về nhà sớm hơn các đồng nghiệp.
Cô nói: “Sự thay đổi vẫn chưa rõ rệt, khi ấy tôi là người thiểu số được làm điều đó và tôi cảm thấy ái ngại mỗi khi ra về sớm".
Giờ đây, người phụ nữ 38 tuổi, hiện vẫn làm việc ở Itochu, cho biết cô “vô cùng hạnh phúc” với cuộc sống của một người mẹ đi làm. Furuya đôi khi bắt đầu ngày mới ở văn phòng vào khoảng 6:30 sáng và rời đi vào khoảng 4 giờ chiều. Sau đó, cô có thể vừa xem cậu con trai 9 tuổi của mình làm bài tập về nhà vừa nấu bữa tối. Cô nói: “Đối với những người đang nuôi dạy con cái như tôi, việc đi làm sớm hơn để đạt hiệu quả là điều thực sự cần thiết".
Các doanh nghiệp Nhật Bản khác cũng dần thay đổi. Đầu năm nay, Công ty Bảo hiểm Mitsui Sumitomo cho biết, họ sẽ hỗ trợ tới 100.000 yên (hơn 17 triệu đồng) cho những nhân viên đảm nhận thêm một số khối lượng công việc do đồng nghiệp nghỉ chăm sóc con cái.
Recruit Holdings Co., công ty mẹ của các trang web đánh giá và tìm kiếm việc làm tại Nhật Bản Truth.com và Glassdoor, cho phép nhân viên làm việc tại nhà hầu hết thời gian và cho phép thêm ngày nghỉ vào các ngày lễ theo luật định.
Tuy nhiên, một số câu hỏi liệu thành công của Itochu có thể được nhân rộng hơn nữa hay không. Nuôi con đòi hỏi cả tiền bạc và thời gian. Nhân viên các công ty thương mại được trả lương cao nhất ở Nhật Bản. Thu nhập trung bình hàng năm của một người làm việc tại Itochu vào năm 2023 là 17,3 triệu yên (gần 3 tỷ đồng), gấp khoảng 4 lần mức trung bình quốc gia.
Yasuko Hassall Kobayashi, phó giáo sư nghiên cứu châu Á tại Đại học Ritsumeikan, cho biết: “Lý do lớn nhất khiến tỷ lệ sinh giảm là những người có tình trạng kinh tế eo hẹp không có đủ điều kiện tài chính để sinh con hoặc lập gia đình. Itochu đại diện cho những người giàu có ở Nhật Bản. Nhân viên và đối tác của họ rất có thể là những người có thu nhập cao và có khả năng chi trả cho việc sinh, nuôi dạy con cái".
Nguồn: Bloomberg