Những ngày gần đây, nếu chăm chỉ lướt trên mạng xã hội, không khó để bắt gặp nhiều clip giới thiệu các con gà, vịt chân ngắn chùn chũn, bộ lông trắng mượt, mỏ vàng... khá đáng yêu. Bên dưới bài đăng nào cũng là cả trăm bình luận hỏi về chỗ mua và giá bán. Có người còn nghi ngờ đây là lấy từ các clip nước ngoài.
Ngay lập tức, chúng tôi đã tìm hiểu và ghi nhận, hầu hết những đoạn clip này là sở hữu của các nông trại chuyên cung cấp giống vật nuôi, thủy cầm, thú cưng trong nhà cho khách tại Việt Nam.
Bắt nguồn từ thú chơi của thiếu gia Trung Quốc
Thực chất, xu hướng nuôi vịt mini làm cảnh đã xuất hiện từ thời điểm dịch Covid-19, khoảng cách đây 2 năm. Người đi đầu được cho là thiếu gia Vương Tư Thông, con trai một tỷ phủ người Trung Quốc. Anh chàng đã chi cả trăm ngàn Nhân dân tệ để sở hữu một con vịt giống nước ngoài. Khi được hỏi vịt này khác gì với vịt trong nước, anh chia sẻ hài hước rằng: "Chúng biết cười với tôi".
Ngay sau đó, trong giới hào môn Trung Quốc cũng bắt đầu săn lùng và giống vịt mà Vương Tư Thông nuôi trở thành một hiện tượng. Thậm chí, nhiều người còn săn lùng trứng để về ấp, trải nghiệm cảm giác từ khi là quả trứng đến lúc nở ra chú vịt con.
Nguồn: @PetCute97
Được biết, giống vịt mà Vương Tư Thông nuôi có tên gọi là Call Duck (vịt gọi) - loài này xưa kia thường được sử dụng làm mồi nhử trong các cuộc đi săn và nguồn giống từ Hà Lan. Ngày nay giống vịt gọi, vịt mồi nhử này thường nuôi làm cảnh ở các điền viên, nông trường...
Thời điểm cách đây 1-2 năm, khi trào lưu nuôi vịt Call Duck nở rộ ở Trung Quốc và Thái Lan thì giá bán một cặp vịt rơi vào khoảng 50.000.000đ - 60.000.000đ, nếu như con vịt có đặc điểm lạ hay đặc biệt mà người mua thích thì có thể trả lên tới 70.000.000đ cho 1 cặp.
... nhưng về Việt Nam giá thành đã giảm tới 10 lần
"Đa số các khách hàng phía Nam thích nuôi loài này làm cảnh hơn, ở Hà Nội thì ít lắm. Thường thì mình chỉ có một số lượng nhất định, còn lại sẽ gom khách, được số lượng từ 50 con trở lên thì nông trại của mình mới nhập một lượt từ các nông trại về", chị Minh Hoa - một cửa hàng trên đường Bưởi, Hà Nội, chuyên cung cấp các giống thú cưng cho hay.
Thế nhưng, ở thời điểm hiện tại, vẫn là giống vịt Call Duck, khi về tới Việt Nam, giá thành đã giảm đáng kể. Chia sẻ của một tài khoản chuyên đăng hình ảnh của loại thú cưng này, giá ở Việt Nam sẽ rơi vào khoảng 5.000.000đ - 6.000.000đ cho 1 cặp với kích thước tương tự.
Nguồn: Hải Mộc Lâm
Theo như lý giải, có được giá này là bởi hiện tại ở Việt Nam không đánh thuế với các dòng vịt này, chúng vẫn chỉ xếp vào hạng gia cầm nuôi như bình thường. Hiện tại, giống vịt đang được rao bán ở Việt Nam cũng được nhập trực tiếp về từ các nông trại chuyên nhân giống vịt ở Trung Quốc, Thái Lan.
Những loài vịt, gà với kích cỡ tỉ lệ nghịch với giá thành
Không chỉ có vịt Call Duck, các nông trại ở Việt Nam giới thiệu thêm những loài vịt, gà với cỡ nhỏ và hình dáng, đặc điểm đa dạng hơn, xuất phát từ nhiều giống gà, vịt cảnh khác nhau trên thế giới.
Trong đó, vịt Call Duck vẫn là giống được dân tình săn lùng nhiều nhất. Loài vịt này ngoài thân tròn, lông vũ trắng muốt, mỏ vàng thì còn chinh phục trái tim của nhiều người bằng đôi mắt to tròn. Chưa kể, chúng rất hiếu động, tuy chân ngắn nhưng thường xuyên chạy khắp nhà, kêu vang nhà.
Bên cạnh đó, Đại học Nông Lâm TPHCM mới đây còn có tài liệu về giống vịt Wood Duck với bộ lông đa sắc màu, từ xanh ngọc, tím, hồng... ngộ nghĩnh. Trái với giống vịt trên, dòng này có tính tình nhã nhặn, thông minh hơn. Nhiều người còn yêu thích vì chúng có thể đẻ trứng trong chuồng.
Ảnh minh họa: Cá Cảnh.
Bên cạnh đó, các trang trại của Việt Nam còn giới thiệu tới giống gà Rutin - con gà được mệnh danh nhỏ nhất thế giới, được lai tạo từ chim cút ngực xanh và gà gô xám châu Á.
Gà mini được chưa chuộng: Ảnh: Vườn chim Việt
Nuôi vịt, gà làm cảnh có khó không?
Theo tiết lộ từ một chủ nông trại ở Hà Nam, những loài vịt, gà này có tuổi thọ trung bình từ 11 - 17 năm. Nó sẽ được nuôi ở những hộp, chuồng nhỏ bằng kính và gỗ ngay trong nhà, không khác gì với nuôi loại thú cưng truyền thống như chó, mèo.
Nhiều người còn tự tay xây nhà, trang trí chuồng diêm dúa hay decor đèn led, tiểu cảnh sân vườn cùng với nơi ở của chúng. "Thức ăn của chúng hầu hết là các loại thóc, cám chuyên dụng cỡ nhỏ và nước lọc bởi miệng và kích thước đều nhỏ, không thể ăn chung với các loài to hơn được. Tuy nhiên, cùng là gia cầm nên việc để chúng không chạy lung tung và gây bẩn ra nhà là điều khó kiểm soát được. Người nuôi vẫn cần dọn dẹp hàng ngày".