Tôi cho rằng định nghĩa về mối quan hệ độc hại của mỗi người mỗi khác.
Với tôi, nếu phải bẻ nghĩa cụm từ ấy thật gọn, tôi sẽ sử dụng câu: "Khi sự êm xuôi của một mối quan hệ phụ thuộc vào cảm xúc cá nhân từ một phía, thì mối quan hệ đó độc hại".
Hình dung nhé: Vào ngày người yêu bạn cảm thấy vui, anh ta đối đãi với bạn bằng tất cả sự ngọt ngào: cầm tay, pha trò và chiều chuộng bạn trong suốt buổi hẹn hò. Vào ngày anh ta thấy tồi tệ, anh nã thẳng vào bạn bằng những lời miệt thị vô cớ, những cơn tức giận từ trên trời rơi xuống, hoặc đôi khi là sự im lặng tuyệt đối, giam bạn trong một nhà tù tâm tưởng. "Là tại mình chăng?" - Đâu đó sau vài giờ chịu đựng sự im lặng ấy, bạn bắt đầu nghĩ. Rồi bạn nói xin lỗi. Rồi bạn mở lời làm lành cho một chuyện mà bạn cũng không hoàn toàn chắc chắn là lỗi của mình. Nhưng thôi, cứ phải nói ra thì mối quan hệ mới có thể tiếp tục.
Ví dụ mà tôi vừa đưa ra không phải là sự thay đổi tâm trạng bình thường. Đó là dấu hiệu của sự bạo hành trong một mối quan hệ độc hại. Ngoài việc "động chân động tay" thì bạo hành bằng lời nói hay bằng sự im lặng (có tên gọi khác là "bạo lực lạnh"), cũng phổ biến không kém.
Đổ lỗi "tất cả là tại căn bệnh tâm lý của cô" là bạo hành. Nói với đối phương "tôi vất vả đi làm để cô ở nhà ăn trắng mặc trơn" là bạo hành. Im lặng và từ chối giải quyết những mâu thuẫn trong mối quan hệ khiến đối phương hoang mang cũng là bạo hành.
Mỗi khi sự việc đáng tiếc xảy ra, câu hỏi mà nạn nhân nhận được nhiều nhất là: "Vì sao không chấm dứt mối quan hệ đi?". Với những người ở trong mối quan hệ bình thường, dừng lại là một lựa chọn chỉ phải trả bằng nước mắt, nhưng với những nạn nhân bạo hành, họ có ít lối thoát và nhiều ràng buộc hơn bạn nghĩ.
Tìm lại sự độc lập sau thời gian phụ thuộc liệu có dễ?
Bắt đầu bởi một thứ đơn giản thôi: Muốn rời đi, một người phải tự lo được cho bản thân mình hoặc tìm chỗ nương tựa mới. Tréo ngoe thay, hầu hết những kẻ bạo hành trong một mối quan hệ độc hại (mà đa phần nạn nhân là nữ giới) sẽ lộ bản chất vào lúc phụ nữ mang thai hoặc sinh con đầu lòng.
Khi đó, thiên chức làm mẹ phải đính kèm với trách nhiệm luôn túc trực 24/7 bên cạnh một sinh linh đỏ hỏn, chỉ biết nói mọi nhu cầu qua tiếng khóc oe oe… khiến người phụ nữ dần phải buông bỏ công việc, phụ thuộc vào nguồn chu cấp từ chồng. Hậu là những tài sản mà họ sở hữu được xem là tài sản chung - thứ phải được phân chia qua hàng tháng dài đấu tranh tại tòa án trong trường hợp mối quan hệ tan vỡ. Và kể cả khi họ nhận được một khoản tài sản hợp lý, những người phụ nữ đó sẽ phải gây dựng sự nghiệp lại sau khoảng nghỉ dài hơi. Từ những gì tôi quan sát được trên thị trường lao động, thì việc đó chẳng dễ dàng gì.
Gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn thu nhập, trong khi còn một đứa bé nhỏ cần phải lo toan, rời bỏ kẻ bạo hành là một quyết định phải được lên kế hoạch đầy đủ về mặt tài chính. Sự thật đáng buồn rằng có những nạn nhân mắc kẹt hàng chục năm trong một mối quan hệ độc hại, vì họ chưa thể tìm thấy cho mình sự độc lập tiên quyết: tài chính.
Vòng tuần hoàn của mối quan hệ độc hại và sự thỏa hiệp từ nạn nhân
Vậy còn trong những mối quan hệ khi đôi bên đều có sự độc lập nhất định về tài chính, vì sao rời bỏ vẫn không phải là một phương án dễ dàng đối với nạn nhân?
Khi rơi vào vòng tuần hoàn của việc bị đánh đập hoặc miệt thị vào hôm trước, nhưng được chiều chuộng, ôm ấp bằng những lời xin lỗi ngọt ngào vào ngày hôm sau (sự lặp lại hành vi hay được các chuyên gia tâm lý học gọi là giai đoạn "trăng mật") khiến nạn nhân có sự thỏa hiệp với hành vi của những kẻ bạo hành. "Anh ấy chỉ tồi tệ đôi lúc thôi. Anh ấy vẫn giúp đỡ mình vào những lúc mình cần" - Tha thứ cho tội ác và tiếp tục duy trì mối quan hệ vì tin rằng đối phương sẽ khắc phục là tâm lý phổ biến. Nhận thức về tác hại của những mối quan hệ độc hại cũng vì thế mà méo mó.
Nhưng hơn cả sự bao dung, đó là sự bối rối. "Nguyên nhân cụ thể cho hành động bạo lực đó là gì?" - Khi nạn nhân phải đối mặt với sự im lặng, bộc phát vô cớ, họ bị đẩy đến con đường tự vấn bản thân để đưa ra những kết luận mơ hồ, mà hầu hết, họ lờ mờ cho rằng mình là nguyên nhân khiến đối phương sinh ra hành vi bạo hành. Cứ thế, họ vô tình để lọt thứ "hóa chất" từ mối quan hệ độc hại đó ăn mòn vào lòng tự tôn của mình.
Và, với một lòng tự tôn ngày càng nhỏ dần, nạn nhân của những mối quan hệ độc hại tự trói mình trong những dòng suy nghĩ sai lầm: "Nếu mình không thể tìm được một người tốt hơn thì sao?", "Liệu mình có đang quá nhạy cảm vì mối quan hệ nào cũng cần phải có lúc thăng, lúc trầm?". Họ không chỉ chịu sự bó buộc từ chính kẻ trội hơn trong mối quan hệ, mà còn bởi chính việc mất niềm tin vào bản thân mình.
Có một định kiến thường thấy: Những người có quá khứ không mấy suôn sẻ mới dễ dàng có sự thỏa hiệp với những mối quan hệ độc hại. Tôi không phủ nhận điều đó, nhưng tôi cũng đã chứng kiến những người phụ nữ có tất cả: sự nghiệp ổn định, gia đình yêu thương, nhận thức rất rõ ràng về quyền lợi của bản thân mình, cũng nhún nhường và vùng vẫy trong mối quan hệ độc hại vì tin tưởng vào những giây phút ngọt ngào bên người yêu, bạn đời.
Suy cho cùng, tôi nghĩ không phải ngẫu nhiên mà người ta cho rằng "tình yêu là mù quáng". Khi đã yêu, ai ai cũng có sự tin tưởng nhất định vào đối phương, mong muốn cùng đồng hành lâu dài. Gặp xô xát trong mối quan hệ, phản ứng của họ không phải chạy trốn, mà là cùng giải quyết để tìm lối ra cho cả hai. Vậy nên, các nạn nhân của bạo hành hầu như không bao giờ rời đi ngay từ những dấu hiệu rạn nứt đầu tiên.
Song, biết được đâu là "điểm quay đầu" và giới hạn của sự thông cảm dành cho đối phương mới là lối thoát thực sự mà trên lối đi ấy, có thể chỉ có một mình nạn nhân bước. Họ phải dùng nội lực của chính mình, và điều đó chẳng dễ dàng chút nào. Tôi chỉ có thể nhắn nhủ một điều, hy vọng lời nói này sẽ cộng hưởng cùng họ: Nếu đã nhìn thấy một cánh cửa đưa bạn ra khỏi mối quan hệ độc hại, hãy vững lòng xoay tay nắm. Xin đừng tiếp tục bủa vây bản thân bằng tình yêu và sự cảm thông cho những kẻ bạo hành, để thứ chất độc từ một mối quan hệ độc hại ăn mòn lòng tự tôn, và cuối cùng là nuốt chửng cả sự tồn tại của bạn.