1. Hoa thủy tiên
Hoa thủy tiên là lựa chọn phổ biến mỗi dịp Tết về bởi vẻ đẹp tao nhã, sang trọng và ý nghĩa đặc biệt của nó. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo về chất alkaloids có trong rễ, thân và hoa thủy tiên rất độc. Nếu ăn phải lượng lớn loài hoa này sẽ gây ra các triệu chứng như: chóng mặt, nôn mửa, lơ mơ hoặc co giật và tiêu chảy. Ngay cả khi bạn tiếp xúc quá nhiều với cây cũng có thể gây ngứa da do các chất kích thích trong nhựa.
Rễ thủy tiên còn chứa khoảng 0,06% chất narcissin với liều lượng thay đổi theo độ tuổi của cây. Nếu ăn phải chúng trước khi cây ra hoa thì sẽ gây giãn đồng tử, khô nước bọt, tim đập nhanh; còn sau khi cây ra hoa thì lại gây ra triệu chứng tiết nước bọt, tháo mồ hôi, buồn nôn, tiêu chảy.
Hình dáng bên ngoài của củ thủy tiên rất giống hành tây và lá giống lá tỏi nên dễ gây nhầm lẫn với người già và trẻ nhỏ. Gia đình cần hết sức cẩn thận với loại cây này. Nếu bạn đã lỡ mua hoa thủy tiên về nhà, tốt nhất nên đặt chúng ngoài vườn hoặc trồng trong hồ cạn.
2. Hoa tiên ông
Hoa tiên ông là loại cây cảnh để bàn được dân văn phòng ưa chuộng bởi những chùm hoa xinh đẹp lại rất dễ trồng. Tuy nhiên, giống như hoa thủy tiên, củ cây hoa tiên ông có chứa nhiều độc tố alkaloid, canxi oxalate và lycorine, nếu ăn phải củ sẽ có các triệu chứng tiêu hóa như: đầy bụng, buồn nôn, tiêu chảy,...
Ngoài ra, cây dạ lan hương còn được xem là cây không tốt trong phong thủy, có thể khiến vợ chồng hay cãi vả, không hòa thuận và con cái không nghe lời cha mẹ.
3. Hoa trúc đào
Hoa trúc đào cực kì xinh đẹp và rỡ, thường được trồng ở các công trình công cộng nhưng ít người biết rằng chúng cực kỳ độc hại ngay cả với số lượng nhỏ. Toàn thân cây trúc đào có nhựa đục chứa acid hydrocyanic và những glucosid độc là oleandrin, neriin, neriantin.
Qua thử nghiệm và các tai nạn được ghi nhận, người ta thấy rằng, uống nước có lá hoặc hoa trúc đào rơi vào, nước ngâm rễ trúc đào, ăn thịt súc vật chết vì lá trúc đào, ăn chả nướng xiên bằng cành trúc đào, uống nước đựng trong chai nút bằng gỗ trúc đào,... đều gây ngộ độc, thậm chí dẫn đến tử vong. Chất độc này nguy hiểm đến mức không bị phá hủy ngay cả khi đã được đun sôi hoặc sấy khô. Người ta còn cho rằng, mật ong chứa mật hoa và hạt phấn hoa trúc đào cũng độc.
Những triệu chứng ngộ độc trúc đào biểu hiện ở trạng thái khó chịu, bải hoải chân tay, buồn nôn, chóng mặt (với liều nhỏ); tiêu chảy ra máu, rối loạn hô hấp, nôn mửa, chân tay co giật, loạn nhịp tim, mạch nhỏ yếu đi tới hôn mê và tử vong (với liều cao).
Do đó, không trồng trúc đào ở cạnh nguồn nước như giếng, ao, bể nước; không buộc hoặc thả gia súc dưới gốc cây trúc đào; không để trẻ nhỏ nhặt chơi hoa trúc đào vì trẻ dễ cho hoa vào miệng; không sử dụng các bộ phận của cây trúc đào dưới bất kỳ hình thức nào.
4. Hoa loa kèn Đà Lạt (Hơi thở của quỷ)
Cây hoa loa kèn Đà Lạt có chứa chất gây ảo giác Scopolamine, tác động trực tiếp lên hệ thần kinh trung ương. Chỉ cần ngửi hương hoa, nạn nhân sẽ rơi vào tình trạng vô thức, không thể kiểm soát hành vi và nói năng không lưu loát. Khi uống một giọt độc dược chiết xuất từ chất Scopolamine của hoa loa kèn, nạn nhân có thể bị mất trí nhớ và mất tri giác tạm thời.
Dược sỹ Phan Minh Hiển thuộc Đại học Y dược TP.HCM cho biết, hoa loa kèn được dùng làm thuốc hoặc tạo ảo giác trong các nghi lễ tôn giáo ở Nam Mỹ. Các chế phẩm thô của Brugmansia (dưới tên thông thường là Borrachero, Devil's breath) hoặc alkaloid tinh khiết (chủ yếu là Scopolamine) được sử dụng như một loại "thuốc sự thật" để lấy lời khai tù nhân, phạm nhân hoặc làm mất tri giác tạm thời. Bọn tội phạm sử dụng cây này làm thuốc thôi miên nhằm cướp của, giết người, lấy cắp nội tạng, buôn người.
TS.Võ Văn Nam - Phó trưởng Bộ môn Dược liệu thuộc Đại học Y dược TP.HCM cho biết loại hoa này có độc tính cao nên chỉ được dùng để bào chế thuốc với một lượng rất nhỏ, tính bằng miligram. Ông khuyến cáo: "Chỉ cần hấp thụ một lượng nhỏ Scopolamine có thể gây ngộ độc. Vì thế mọi người không nên tùy ý hái bất kỳ bộ phận nào của cây loa kèn để sắc thành thức uống. Khi bị ngộ độc, nhẹ thì cảm thấy khô miệng, khó nuốt, giảm tiết dịch ở phế quản, giãn đồng tử, nặng có thể bị lú lẫn, hoang tưởng, dễ bị kích thích".
5. Hoa trạng nguyên
Hoa trạng nguyên được trồng phổ biến trong các văn phòng vì vẻ đẹp nổi bật và dễ chăm sóc. Tuy có màu sắc bắt mắt nhưng trong nhựa cây chứa khá nhiều độc tố có thể nguy hại đến sức khỏe con người.
Nhựa mủ có trắng lỏng đục giống như sữa. Nếu bạn tiếp xúc da với nhựa hoa trạng nguyên, có thể bị dị ứng. Nhựa cây khi tiếp xúc với mắt có thể gây đỏ và kích thích. Nếu trẻ nhỏ vô tình ăn phải lá cây trạng nguyên có thể khiến dạ dày bị đau, nôn mửa hoặc tiêu chảy.
Theo một nghiên cứu của trường ĐH Y khoa Georgia (MCG), các nhà khoa học đã phát hiện ra khoảng 40% người bị dị ứng với mủ cao su thì cũng dị ứng với hoa trạng nguyên. Các triệu chứng dị ứng bao gồm: chứng phát ban, thở khò khè, ngứa, muốn chảy nước mũi, khó thở và hạ huyết áp.
6. Hoa đỗ quyên
Hoa đỗ quyên được trồng khá phổ biến trong các gia đình và đặc biệt được mua nhiều để trang trí ngày Tết bởi sắc màu rực rỡ mà không biết loại hoa này có chứa nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe.
Theo các nghiên cứu, cây đỗ quyên có khả năng hấp thụ các chất như: oxit nitric, lưu huỳnh, dioxit, nito dioxit và một số chất phóng xạ độc hại có trong không khí mang lại không gian sạch, trong lành cho ngôi nhà. Nhưng chính vì khả năng có thể hút các chất độc hại nên hoa đỗ quyên có chứa rất nhiều độc tố. Andromedotoxin và Arbutin Glucoside được tìm thấy tại hầu hết các bộ phận của cây đỗ quyên, bao gồm cả rễ và hoa. Nếu ăn phải dù là một lượng rất ít cũng có thể trúng độc với các triệu chứng như: chóng mặt, khó thở, uể oải, buồn nôn,… Trong khi đó, lượng độc tố trong một cây đỗ quyên non thậm chí đã có thể gây ngộ độc nặng cho trẻ 3 tuổi.
7. Hoa xương rồng bát tiên
Cây xương rồng bát tiên có nhựa mủ và gai chi chít trên thân, rất dễ đâm vào tay gây trầy xước da. Gai xương rồng bát tiên có một hàm lượng độc tính. Sau khi gai đứt, thân cây sẽ chảy ra nhựa trắng chứa chất rất độc, gây kích ứng nghiêm trọng cho da. Khi trồng cây, cần đeo bao tay kỹ lưỡng và rửa sạch tay nếu lỡ dính phải. Nếu lỡ ăn phải sẽ bị buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy. Vì vậy, nhà có trẻ em nên tuyệt đối cẩn thận.
Vài năm trở lại đây, khi tiến hành nghiên cứu sâu hơn về loài cây này, các nhà khoa học đã phát hiện ra độc tố của nó rất dễ gây ung thư cho con người. Vì thế, cần tránh để cây ở trong nhà càng nhiều càng tốt để hạn chế tối đa sự tiếp xúc với cơ thể con người, nếu không các chất độc sẽ xâm nhập và gây hại cho sức khỏe.
8. Hoa hồng môn
Toàn thân cây hồng môn đều có độc tố Calcium oxalate và Asparagine. Thông thường, khi hợp chất này tiếp xúc với da tay hay các vùng da thông thường chỉ gây cảm giác ngứa ngáy, khó chịu. Lá hay hoa nếu nát dính vào da sẽ dễ tạo ban và rộp mụn nước. Nhưng nếu ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây có thể gây bỏng rát, phồng rộp da, họng, dạ dày và ruột. Đặc biệt, nếu nuốt nhựa cây thì cơ thể sẽ bị trúng độc với các triệu chứng như: buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt, đau bụng, khó thở,…
9. Hoa thụy hương
Hoa thụy hương gần đây đã du nhập vào Việt Nam và được trồng nhiều để trang trí trong khuôn viên các căn biệt thự. Tuy nhiên, đây là một loại cây vô cùng độc hại với chất mezerein có độc tính rất cao. Nếu vô tình ăn phải lá hay quả cây thì triệu chứng lúc đầu là buồn nôn và ói mửa dữ dội, theo đó là xuất huyết trong, hôn mê rồi dẫn đến tử vong.
10. Hoa cẩm tú cầu
Cẩm tú cầu là loài hoa vô cùng nổi tiếng với những đóa hoa hình cầu màu hồng, trắng, xanh rất đẹp mắt. Tuy nhiên, cả lá và hoa cẩm tú cầu đều có chứa nhiều độc tố. Trong lịch sử, nữ hoàng Cleopatra đã từng ép người hầu tự tử bằng loài hoa này.
Những hạt phấn nhỏ do hoa cẩm tú cầu phát tán ra khi tiếp xúc với người sẽ gây dị ứng. Nếu sơ ý ăn phải độc tố có thể lập tức bị ngứa ngáy, nôn ói, đổ mồ hôi và đau bụng dữ dội. Nghiêm trọng hơn có thể dẫn tới hôn mê, co giật, rối loạn tuần hoàn máu. Chính vì thế, các chuyên gia khuyên rằng nếu vẫn yêu thích trồng loài hoa này hoặc mua về cắm cần đặc biệt để ý nếu nhà có trẻ nhỏ.