Hoa nhài là một trong những “vị vua của mùa hè”, vì càng nắng cây càng nở nhiều hoa. Loài hoa này được yêu thích vì vẻ ngoài tinh khiết, thanh lịch và tỏa mùi hương nồng nàn, quyến rũ. Tuy nhiên, bạn biết được mấy loài hoa nhài?
Hôm nay tôi sẽ giới thiệu cho bạn “quý tộc” trong thế giới hoa nhài. Đó chính là hoa nhài Đại công tước, hay còn gọi là hoa nhài đầu hổ, tên tiếng Anh là Jasminum sambac 'Grand Duke of Tuscany'. Đây là một loại hoa nhài cánh kép, cao khoảng 30 – 90cm, lá xanh mướt quanh năm như những loài hoa nhài khác.
Điểm đặc biệt của hoa nhài Đại công tước chính là hoa của nó. Hoa thường mọc tập trung 2 - 3 bông trên một cành, có màu trắng ngà, to gấp đôi hoa nhài ta, tương đương với quả trứng gà. Cánh hoa dày dặn, trung bình mỗi bông có khoảng 50 cánh, nhưng cũng có bông nở cả trăm cánh.
Hoa nhài Đại công tước có mùi thơm nồng nàn, được đánh giá là thơm gấp 10 lần so với hoa nhài ta. Nếu trồng ở ban công, hương thơm sẽ lan tỏa khắp nhà, rất dễ chịu và thư thái.
Có điều, hoa nhài Đại công tước chỉ nở mỗi năm một lần, vào giai đoạn từ tháng 4 – tháng 9. Nếu thời tiết thuận lợi, hoa sẽ nở nhiều nhất vào tháng 5, kéo dài suốt mùa hè, chứ không nở quanh năm như hoa nhài ta.
Cách trồng và chăm sóc hoa nhài Đại công tước
Muốn trồng loại hoa nhài này, bạn có thể nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Hãy cắt cành thành từng đoạn dài khoảng 15 – 20 cm, vặt bỏ bớt lá bên dưới rồi cắm vào bầu đất giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp. Giữ cây trong bóng râm, tưới nước giữ ẩm thường xuyên, không lâu sau cành giâm sẽ bén rễ, lá mới sẽ mọc ra.
Khả năng kháng bệnh của hoa nhài Đại công tước tốt hơn so với những giống hoa nhài khác, cách chăm sóc cũng khá đơn giản. Nhưng nếu muốn cây phát triển khỏe mạnh, nở hoa nhiều và to thì bạn cần chú ý tới những yếu tố sau đây:
- Chọn chậu và đất trồng phù hợp:
Muốn trồng hoa nhài Đại công tước tốt thì nên chọn chậu hoa ngắn, nhớ không sử dụng chậu lớn, vì bộ rễ của nó tương đối yếu. Nếu trồng trong chậu to, đất chậu dễ bị tích nước và từ đó gây thối rễ. Ngoài ra nên chọn chậu gốm có độ thoáng khí tốt.
Về đất trồng, nên chọn đất có độ tơi xốp, thoáng khí tốt. Tốt nhất nên trộn một nửa cát sông, một nửa là đất vườn. Ngoài ra, nên bổ sung thêm đất mùn lá để tăng độ màu mỡ của đất trồng.
- Đảm bảo cây nhận đủ nắng:
Trồng hoa nhài Đại công tước cũng giống như các giống hoa nhài khác, cần có đủ ánh sáng. Nếu thiếu ánh sáng, hoa nhài Đại công tước dễ gặp vấn đề vì cây phải dựa vào lá để quang hợp và bản thân hệ thống rễ của nó cũng vậy, tương đối yếu.
Nếu quang hợp yếu, hệ thống rễ dễ gặp vấn đề, chức năng hấp thụ của hệ thống rễ yếu, chất dinh dưỡng không thể được cung cấp kịp thời cho toàn bộ cây, dẫn đến lá chết và cành khô héo. Ngoài ra, không đảm bảo đủ ánh sáng thì cây khó ra hoa, hoặc ít nở hoa.
- Tưới nước kịp thời:
Nhu cầu về nước của hoa nhài Đại công tước không lớn, bạn nên tưới nước khi bề mặt đất chậu khô được 2 – 3cm. Không nên để bầu đất quá khô.
- Bón phân đúng cách:
Khi bón phân, cố gắng chọn phân đa nguyên tố hoặc phân có hàm lượng lân cao chẳng hạn như Huaduoduo số 2. Cố gắng không sử dụng kali dihydrogen photphat, vì sử dụng kali dihydrogen photphat trong thời gian dài dễ gây vàng lá hoặc thậm chí cây con cứng đơ không phát triển.
Nhiều người không biết rằng hoa nhài thực chất thích đất chua, và hoa nhài Đại công tước cũng không ngoại lệ. Vì vậy, trong quá trình bảo dưỡng thông thường, tức là trong mùa sinh trưởng, chúng ta phải thường xuyên bổ sung sắt sunfat 1 – 2 tháng/lần để đảm bảo đất có tính axit. Pha loãng sắt sunfat với nước theo tỷ lệ 1:1000 để tưới cho cây có thể ngăn ngừa lá rụng, tránh tình trạng cây bị vàng lá.
- Không cắt tỉa quá thường xuyên:
Với hoa nhài thông thường, nên cắt tỉa thường xuyên để cây nở hoa hết vụ này đến vụ khác. Nhưng với hoa nhài Đại công tước, bạn không nên cắt tỉa quá nhiều, cắt quá mạnh tay.
Bởi hoa nhài Đại công tước có hệ thống rễ kém. Nếu bị cắt tỉa quá thường xuyên, quá mạnh tay thì khả năng quang hợp của toàn bộ cây sẽ bị suy yếu. Khả năng quang hợp của lá kém sẽ khiến hệ thống rễ hấp thụ kém và cuối cùng cành có thể bị khô.