Chúng ta đều biết trồng hoa, cây cảnh trong sân vườn nhà có tác dụng giải tỏa và chữa lành tâm hồn rất lớn. Tuy nhiên, có một số loại cây lại có thể gây hại cho sức khỏe của con người.
Do đó, nếu đang có ý định trồng cây gì thì bạn nên tìm hiểu kỹ về đặc tính của nó rồi hẵng đưa ra quyết định có nên trồng hay không. Còn nếu trong nhà đang trồng 3 loại cây này, gia chủ nên cân nhắc bỏ đi sớm kẻo “hoa nở người héo”.
1. Cây cảnh có độc tính mạnh hoặc độc tính dễ bay hơi
Không ít loại cây có chứa chất độc trong nhựa cây, phấn hoa, lá, cành, rễ,... thậm chí có loại toàn thân đều chứa độc tố. Chẳng hạn như cây trúc đào, toàn thân của nó đều có độc, đáng kể nhất trong số các chất độc có trong cây trúc đào là oleandrin và neriin. Nếu vô tình ăn phải bất kỳ bộ phận nào của cây cũng có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, nhịp tim không đều,... Thậm chí, có trường hợp còn tử vong vì ngậm hoa trúc đào trong miệng.
Hoa trúc đào.
Những loại cây cảnh chứa độc tố khác có thể kể đến là vạn niên thanh, kim tiền, hoa trạng nguyên, hoa thủy tiên, dạ lan hương,... Khuyến cáo không nên trồng những loại cây này trong nhà, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ, nuôi động vật. Nếu trồng, hãy đặt cây ở vị trí tránh xa tầm với của trẻ em, vật nuôi kẻo vô tình ăn phải.
Các cây cảnh khác như dáy, thiết quan âm, môn cảnh, dạ lý hương,... cũng có độc tính. Hơn nữa, độc tính của chúng còn dễ bay hơi nên tiếp xúc thường xuyên thì dù không chạm phải cũng hít phải, dễ gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Ví dụ như cây dạ lý hương, vì chứa độc tố nên nếu sống trong môi trường có trồng loại cây này trong thời gian dài thì rất dễ bị nhức đầu, khó chịu, suy nhược cơ thể.
Hoa dạ lý hương.
2. Cây cảnh có hoa nhiều phấn gây dị ứng
Hoa nở không chỉ tô điểm cho không gian sống, giúp người trồng vui vẻ vì cảm nhận được thành quả sau những ngày vất vả chăm bón. Bên cạnh đó, nhiều loại hoa còn tỏa ra mùi hương thoang thoảng giúp không gian sống tràn ngập hương hoa, giúp con người cảm thấy thư thái, dễ chịu.
Tuy nhiên không phải ai cũng cảm thấy như vậy, vì không ít người bị dị ứng với phấn hoa. Với những người này, ở trong môi trường có hương hoa quá nồng trong thời gian dài sẽ khiến họ cảm thấy khó chịu, chóng mặt, ngứa mũi, hô hấp kém và các vấn đề khác.
Không nên cắm quá nhiều hoa trong nhà. (Ảnh minh họa)
Cho nên nếu bạn hoặc trong nhà có người bị dị ứng phấn hoa, bạn đừng theo đuổi vẻ đẹp bên ngoài của loài cây đấy một cách mù quáng mà cố chấp trồng kẻo “hoa nở người héo”.
Ngoài ra, bạn cũng không nên trồng hoặc cắm hoa với số lượng lớn. Nếu không, không chỉ người bị dị ứng phấn hoa bị dị ứng mà ngay cả người khỏe cũng khó chịu. Hơn nữa, hít phấn hoa nhiều và trong thời gian dài cũng ảnh hưởng đến đường hô hấp của chúng ta.
3. Cây cảnh “nặng mùi”
Hoa ngũ sắc có mùi hôi khó chịu.
Có những loại hoa có mùi rất thơm, hương thơm thoang thoảng rất dễ chịu như hoa nhài, nguyệt quế, hoa hồng,... Song, có những loài hoa tuy nở đẹp rực rỡ nhưng khá “nặng mùi” như hoa ngũ sắc, phong lữ thảo, cúc vạn thọ, sen đá pháp sư,...
Ví dụ như hoa phong lữ thảo, nó có mùi hương tương đối nồng, một số người cảm thấy khó chịu với mùi hương này nhưng một số người lại mê mệt. Hay hoa ngũ sắc, có nhiều màu sắc rực rỡ nhưng lại có mùi hôi xì, khó ngửi.