Hồng sa mạc hay còn gọi là hoa sứ Thái, sứ sa mạc, sứ lùn,… tên khoa học là Adenium obesum, thuộc họ Trúc đào (Apocyanaceae). Loại cây này có nguồn gốc từ các nước Trung Mỹ và Mỹ Latinh như Mexico, Venezuela, Peru,.... tồn tại ở nhiều sa mạc tại những đất nước này nên mới có cái tên hồng sa mạc, sứ sa mạc. Ngày nay, loại cây cảnh này được phân bố rộng rãi ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.
Hồng sa mạc thuộc loại cây bụi, có gốc và bộ rễ phình to, rất lớn. Thân cây mập mạp, lớp ngoài được bao bọc bởi thân sứ mọng nước, nhưng bên trong chắc khỏe, cứng cáp bởi thân gỗ.
Loài hoa này nở hoa nhiều, siêng nở hoa, thời gian ra hoa kéo dài, thường nở rộ từ tháng 1 đến tháng 7 hàng năm, thậm chí có thể nở tới 200 ngày mỗi năm. Hoa có hình dáng tựa hoa hồng lại nhưng lại hao hao giống hoa loa kèn cánh kép. Chúng có nhiều màu sắc rực rỡ từ hồng, đỏ, vàng, trắng, màu loang... Đáng nói, loại cây cảnh này có thể ghép nhiều giống, nhiều màu hoa khác nhau lên một thân cây, khi đó hoa nở sẽ rất rực rỡ, chói lóa.
Trong phong thủy, hồng sa mạc được cho là một loại cây cảnh “chiêu tài nạp phúc”. Sở dĩ như vậy vì thân cây mập mạp phình lớn tượng trưng cho sự thịnh vượng, sung túc, giúp gia chủ ăn nên làm ra, tích trữ được nhiều của cải.
Hoa rực rỡ, mọc kín cành là biểu tượng của sự sinh sôi nảy nở và sung túc dài lâu. Bộ rễ to lớn, chắc khỏe cắm sâu xuống đất tượng trưng cho phú quý và vạn phúc an khang. Cây có tuổi thọ cao, có thể lên đến cả trăm năm, mang ý nghĩa trường tồn, trường thọ.
Chính vì thế, nhiều người tin rằng trồng một cây hồng sa mạc trong nhà có thể mang đến sự phú quý dài lâu cho gia đình. Gốc cây càng to thì gia đình càng tích được nhiều tài lộc, con cháu không giàu cũng giỏi.
Cách trồng và chăm sóc cây hồng sa mạc
Hồng sa mạc có thể nhân giống bằng hạt, giâm cành hoặc chia cành. Cây rất dễ trồng, nhanh ra hoa, ngay cả khi bạn trồng cây bằng phương pháp gieo hạt thì cây vẫn có thể nở hoa trong cùng năm đó nếu nắm vững một số kỹ năng chăm sóc nhất định.
Hoa hồng sa mạc có khả năng chịu hạn, chịu nhiệt và có thể tồn tại bình thường trong thời gian dài mà không cần tưới nước. Đây là loại cây rất thích hợp cho những “người lười”, có ít thời gian chăm sóc hoa, đáng nói nó còn đẹp hơn những loại cây chịu hạn thông thường như xương rồng.
Mặc dù không tốn nhiều công chăm sóc nhưng nếu muốn hồng sa mạc nở hoa hơn 200 ngày mỗi năm thì bạn vẫn cần nhớ 5 bí quyết sau đây.
- Tưới ít nước
Nghe tên thôi chắc hẳn bạn đã biết hoa hồng sa mạc là loại cây chịu hạn rất tốt, nên nó cần rất ít nước. Nhiều người trồng hoa hồng sa mạc chết, nguyên nhân chính là do tưới nước quá thường xuyên khiến cây bị thối rễ.
Tốt hơn hết nên đợi đất khô hoàn toàn rồi mới tưới nước. Thông thường, khoảng 3 ngày tưới cho cây một lần vào mùa xuân và mùa thu, 2 ngày/lần vào mùa hè và 7 ngày/lần vào mùa đông là hợp lý.
- Ánh sáng phải đủ
Hồng sa mạc là loại cây ưa nắng, nó cần ánh nắng trực tiếp ít nhất 6-8 tiếng/ngày. Nếu không nhận được ánh sáng trong thời gian dài, cành sẽ phát triển mạnh mẽ nhưng cành mỏng, lá dễ chuyển từ màu xanh sang màu vàng và ảnh hưởng đến việc ra hoa.
Vì thế, nên chọn vị trí đầy nắng để trồng hồng sa mạc, chẳng hạn như sân vườn hoặc ban công. Vào mùa hè, bạn cũng không cần phải che nắng cho cây.
- Bón phân đúng cách
Tốt nhất nên bón phân đạm cho cây hồng sa mạc trong giai đoạn đầu để thúc đẩy sự phát triển của cành và lá. Khi hoa hồng sa mạc phát triển từ cây con thành cây lớn hơn một chút, cần giảm việc sử dụng phân đạm và bổ sung thêm phân lân và kali. Bón quá nhiều đạm vào thời điểm này sẽ khiến cành và lá bị phồng lên.
Trong thời kỳ hoa hồng sa mạc sinh trưởng cao điểm, nửa tháng nên bón phân một lần, nên bón phân pha loãng để rễ cây dễ hấp thụ. Vào mùa đông nên ngừng bón phân.
- Cắt tỉa thường xuyên và tạo hình
Nếu muốn tổng thể cây hoa hồng sa mạc đẹp hơn thì chúng ta cần phải cắt tỉa, tạo dáng cho nó. Khi cây giống hoa hồng sa mạc phát triển đến khoảng 20 cm, chúng cần được cắt ngọn để thúc đẩy sự phân nhánh.
Ngoài ra, cắt tỉa cành thường xuyên còn giúp cây phát triển tốt, khuyến khích sự phát triển mới và hình thành nụ hoa, giúp tăng số lượng hoa. Bạn nên cắt tỉa cho cây hồng sa mạc vào cuối mùa sinh trưởng để loại bỏ những cành chết, bệnh hoặc quá dài. Sau khi cắt tỉa, nên dùng dung dịch đồng sunfat 2% để khử trùng giúp vết cắt nhanh lành, tránh bị nhiễm khuẩn.
- Phòng trừ sâu bệnh hại
Hoa hồng sa mạc có khả năng kháng sâu bệnh tương đối tốt, nhưng bạn không nên chủ quan, vẫn cần phải phòng trừ sâu bệnh hại. Các bệnh phổ biến ở cây hồng sa mạc là đốm lá, thối rễ, côn trùng vảy phá hoại.
Đối với bệnh đốm lá, thối rễ cần dùng dung dịch carbendazim 25% để phòng trừ. Đối với côn trùng có vảy, khi phát hiện nên dùng tăm bông nhúng vào nước để loại bỏ chúng, sau đó phun 40% omethoate EC và fenitrothion để ngăn ngừa tái phát.