Cây lưỡi hổ hay còn được biết với tên gọi là cây lưỡi cọp, cây hổ vĩ mép lá vàng. Nghe tên có vẻ "hổ báo" nhưng loài cây này vốn dĩ vô cùng khiêm tốn với những chiếc lá vươn cao thẳng đứng đến khoảng 60cm, không tốn nhiều diện tích không gian mà lại có khả năng xanh tươi quanh năm, không cần nhiều công chăm sóc.
Lưỡi hổ là loài cây được Nasa chứng minh có tác dụng lọc sạch không khí, hấp thụ 107 loại khí độc và đem lại không gian trong sạch: có thể hút được formaldehyde 0,938 gram/h. Đặc biệt, nó có thể hấp thu cả các độc tố gây ung thư như formaldehyde và nitrogen oxide.
Thông thường, với phòng có diện tích khoảng 75m2, chỉ cần 1 cây lưỡi hổ 4 lá là đã có thể giữ cho không khí luôn trong lành. Chính vì thế, cây lưỡi hổ thường được trồng rất nhiều ở sân bay, khu vực công cộng cũng như trong các văn phòng, thậm chí ở phòng khách ngôi nhà của bạn.
Với dáng vẻ cứng cáp, khoẻ mạnh và màu sắc trang nhã, cây lưỡi hổ phát huy tác dụng cao trong việc trang trí, làm cây cảnh. Bạn có thể đặt một chậu lưỡi hổ nhỏ trên bàn làm việc, đặt nhiều chậu sứ sát nhau để làm hàng rào trước nhà, ở góc hành lang, sảnh trước nhà, lối ra vào hay trước thang máy.
1. Cách trồng cây lưỡi hổ đơn giản
Để trồng cây lưỡi hổ, bạn có thể tách sẵn một bụi cây già sang một chậu sứ hoặc giâm lá lưỡi hổ vào đất chuẩn bị sẵn vào mùa xuân đến cuối mùa hè.
Với cách giâm lá, bạn cần chọn lá non, khoẻ, có viền màu vàng tươi, đẹp rồi cắt ngang sát gốc thành khúc dài khoảng 5cm. Bạn chôn khúc lá này vào đất, cát, than bùn đã trộn sẵn. Chú ý đừng nên giâm sâu quá, chỉ khoảng 1/2 độ sâu của đất là đủ. Bạn đặt chậu ở nơi có nắng và hạn chế tưới nước.
Cây lưỡi hổ thuộc loài cây cảnh dễ chăm sóc nhất vì nó chịu hạn rất tốt, có thể sống trong điều kiện thiếu ánh sáng, không gian hẹp. Tuy vậy, nếu bạn để ý đến điều kiện nước, ánh sáng, phân bón thì cây sẽ phát triển tốt, nhanh và xanh màu hơn.
2. 2 loại phân bón cây lưỡi hổ rất thích
Phân hữu cơ lên men
Lưỡi hổ thích đất mềm và thoáng khí, vì đất như vậy có lợi cho sự phát triển của bộ rễ, bộ rễ phát triển mạnh mẽ nên rất dễ mọc chồi mới. Khi làm bầu, bạn có thể trộn một ít phân hữu cơ đã lên men và hoai mục vào đất hoa, hoặc bón lót dưới đáy chậu như phân cừu, phân bánh đậu…
Bón một số loại phân hữu cơ trong chậu hoa có thể làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp đất tơi xốp và thoáng khí, giúp ích rất nhiều cho sự phát triển của cây.
Phân bón tổng hợp
Khi nuôi lưỡi hổ, ngoài việc bón một ít phân gốc cho nó thì cũng nên bón lót để bổ sung chất dinh dưỡng trong quá trình sinh trưởng của cây. Khi bón phân, không nên bón chung một loại phân mà bón phân hỗn hợp đa nguyên tố cho cây mỗi tháng một lần, không những đáp ứng được nhu cầu của cây mà còn làm cho các vân trên lá sáng hơn.
Nếu không có phân bón hoa ở nhà, bạn có thể thường xuyên tưới một ít phân hữu cơ như nước vo gạo, nước đậu nành, nước vỏ hoa quả mà bạn thường ủ chua ở nhà cũng có thể làm cho cây phát triển xum xuê hơn.
Lưu ý: Nên thay chậu thường xuyên
Nếu cây lưỡi hổ ở nhà không được thay chậu và để đất trong vài năm, sự phát triển của cây sẽ ngày càng kém đi, và sẽ không dễ mọc chồi mới trong giai đoạn sau. Bởi vì các chất dinh dưỡng trong đất đã được hấp thụ và một số tạo thành sự nén chặt không có lợi cho sự phát triển của cây trồng.
Đối với những chậu lưỡi hổ lâu ngày chưa được thay chậu, bộ rễ đã mọc um tùm lên chậu hoa rất lộn xộn và chằng chịt, nhiều bộ rễ đã già cỗi, khả năng hấp thụ kém cũng sẽ làm cho cây phát triển ì ạch.