Cây phát tài: Phân loại, đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng từng loại cây

Các loại cây phát tài hiện nay đang là loại cây trồng được ưa chuộng nhất hiện nay. Không chỉ bởi chúng đa dạng về chủng loại, màu sắc, hình dáng, mà còn bởi ý nghĩa phong thủy và rất dễ trồng.

Công dụng chung của các loại cây phát tài

Các loại cây phát tài nói riêng hay cây trồng trong nhà nói chung đều là những loại cây xanh có khả năng cung cấp oxy, không khí trong lành cho ngôi nhà của bạn. Đồng thời, chúng còn có khả năng lọc độc tố, loại bỏ vi khuẩn trong không khí, giảm bớt ảnh hưởng của các thiết bị điện tử đến sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, các loại cây phát tài còn có hình dáng độc đáo, đẹp mắt, vậy nên rất phù hợp để làm cây cảnh trang trí trong nhà, làm cây phong thủy hợp mệnh của gia chủ hoặc có thể được dùng làm quà tặng tân gia, quà sinh nhật tặng bạn bè, người thân,...

Các loại cây phát tài phổ biến nhất hiện nay

1. Cây phát tài núi

Đặc điểm:

- Là loại cây có hình dáng độc đáo trông hơi giống với cây cọ với hầu hết các lá đều mọc tập trung ở đỉnh, lá thuôn dài và nhọn ở đầu, có chiều dài từ 60-80cm.

- Đây là cây thân gỗ, có thể phân thành nhiều cành mọc lên từ gốc. Hoa của chúng thường có màu vàng và nở thành các chùm nhỏ.

Cây phát tài núi hợp mệnh gì?

- Cây hợp với những người mang mệnh Thủy, Mộc. Những người này khi trồng cây sẽ giúp đem lại nhiều may mắn, thuận lợi trong học hành, công việc.

Cây phát tài: Phân loại, đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng từng loại cây - 1

2. Cây thiết mộc lan

Đặc điểm:

- Là loại cây có nguồn gốc từ châu Phi, cây thân gỗ có thể mọc cao từ 4-6m.

- Tán lá rậm rạp, lá cây có màu xanh lục, gân vàng nổi bật ở chính giữa.

- Cây có thể sinh trưởng tốt ở điều kiện thiếu ánh sáng.

Cây thiết mộc lan hợp mệnh gì?

- Loài cây này hợp với những người mang mệnh Hỏa hoặc mệnh Mộc. Những người đó nếu trồng cây sẽ giúp đem lại vượng khí, tài lộc và sự may mắn.

Cây phát tài: Phân loại, đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng từng loại cây - 3

3. Cây phát tài đỏ

Đặc điểm:

- Hay còn được gọi là cây phất dụ mảnh, là loài cây có nguồn gốc từ các nước nhiệt đới châu Mỹ, sau phổ biến nhiều hơn tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.

- Lá cây khi còn non có màu đỏ tía vô cùng đặc trưng, khi đã già thì sẽ chuyển sang màu xanh đậm.

- Cây thân gỗ có chiều cao từ 1-2m, các lá mọc thành bụi và hướng lên trên, đầu lá nhọn hoắt.

Cây phát tài đỏ hợp mệnh gì?

- Chính vì có lá mang màu đỏ đặc trưng, vậy nên loài cây này phù hợp với những người mang mệnh Hỏa là chủ yếu. Chúng sẽ giúp mang lại năng lượng tích cực, thu về vượng khí, tiền tài và giàu sang cho gia chủ khi trồng.

Cây phát tài: Phân loại, đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng từng loại cây - 4

4. Cây kim tiền

Đặc điểm:

- Hay còn được gọi là cây kim phát tài, là loài cây có nguồn gốc từ châu Phi cho nên khả năng chịu nắng nóng và khô hạn rất tuyệt vời.

- Cây có lá màu xanh lục, mọc đơn và đối xứng nhau trên cùng 1 cành. Các lá mọc vươn cao dần đều trông tràn đầy sức sống.

Cây kim tiền hợp mệnh gì?

- Đây là loài cây hợp với những người mang mệnh Mộc hoặc mệnh Hỏa. Đúng như tên gọi của mình, nó sẽ giúp đem đến tài lộc, tiền bạc, giàu sang, thịnh vượng cho người mang mệnh phù hợp.

Cây phát tài: Phân loại, đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng từng loại cây - 5

5. Cây phất lộc

Đặc điểm:

- Là loại cây có hình dáng nhỏ nhắn nhưng độc đáo, thân chia đốt tựa như cây trúc cảnh, có màu xanh nhạt.

- Các chồi lá mọc ra từ nách lá, lá trơn nhẵn, tỏa đều xanh mượt khiến chậu cây trông vô cùng đẹp mắt.

- Ngoài ra nếu trồng khéo léo, thân của chúng có thể vặn xoắn vào nhau rất đẹp và trang nhã.

Cây phất lộc hợp mệnh gì?

- Cây phất lộc phù hợp với những người mang mệnh Mộc hoặc Thủy. Những người này nếu trồng cây sẽ mang lại bình an, may mắn, thuận lợi trong cuộc sống, công việc.

Cây phát tài: Phân loại, đặc điểm, ý nghĩa và cách trồng từng loại cây - 6

Ý nghĩa của các loại cây phát tài trong phong thủy

Đúng như tên gọi của mình, các loại cây phát tài đều mang ý nghĩa tượng trưng cho sự tài lộc, thịnh vượng, may mắn của gia chủ. Nếu trồng và chăm sóc tốt, chúng có thể đem lại vượng khí, sự bình an, thuận lợi trong con đường sự nghiệp.

Bên cạnh đó, chậu cây phát tài còn được cho là phát huy đủ 5 yếu tố trong ngũ hành, cụ thể như sau:

- Kim: Chậu trồng cây phát tài, nếu là chậu bằng gốm hoặc thủy tinh thì nên có vài đồng tiền mai hoa ở dưới đáy.

- Mộc: Cây phát tài

- Thủy: Nước tưới cây

- Hỏa: Màu sắc của một số loại cây phát tài hoặc người ta có thể buộc sợi chỉ, ruy băng có màu đỏ, màu cam vào chậu cây.

- Thổ: Đất trồng cây

Cách trồng các loại cây phát tài

1. Yêu cầu về đất trồng

Bạn nên lựa chọn các loại đất thịt có nhiều dinh dưỡng, đồng thời có thể trộn thêm trấu, xơ dừa để giúp tăng dinh dưỡng cho cây trồng. Các loại đất nên chọn phải có độ tơi xốp cao và khả năng thoát nước tốt. Tuy nhiên có một số loại cây phát tài có thể trồng thủy sinh, do vậy có thể giúp bạn tiết kiệm được lượng đất đáng kể khi trồng cây.

2. Yêu cầu về nước tưới

Đa số các loại cây phát tài đều là cây trồng trong nhà, trong văn phòng. Chúng có thể quen với khí lạnh từ điều hòa, không cần nhiều ánh sáng tự nhiên mà vẫn sinh trưởng tốt. Vậy nên bạn chỉ tưới sao cho đất trồng có đủ độ ẩm tối thiểu là đủ, đừng tưới quá nhiều sẽ khiến nước khó tiêu thoát, gây ra sự ngập úng và khiến cây dễ bị chết.

3. Yêu cầu về ánh sáng, nhiệt độ

Một số loại cây phát tài không cần ánh sáng mà vẫn có thể sinh trưởng được, còn một số loại thì rất cần có ánh sáng tự nhiên như cây phát tài núi thì mới có thể xanh tốt và cao lớn. Bạn nên đặt chậu cây tại những nơi có ánh sáng chiếu đến, khí hậu ấm áp. Nhiệt độ phát triển tốt nhất cho cây nên trong khoảng từ 25 đến 30 độ C. Nếu quá nóng hoặc quá lạnh có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

4. Cắt tỉa, thay đất

Công đoạn cắt tỉa không thể thiếu được trong quá trình chăm sóc sự phát triển của cây phát tài. Việc cắt tỉa thường xuyên sẽ giúp tạo dáng cho cây trở nên đẹp đẽ, đồng thời loại bỏ được các cành lá khô héo, nhờ đó đảm bảo dinh dưỡng tập trung cho các cành lá khác trên cây.

Sau khoảng nửa năm đến một năm, bạn nên tiến hành thay đất cho cây phát tài của mình để cải thiện dinh dưỡng và chất lượng đất trồng. Đó là bởi những loại cây này khi được trồng trong nhà, trong phòng nhiều nên chúng không tiếp xúc với ánh sáng tự nhiên. Từ đó mà nhu cầu dinh dưỡng của chúng phải tăng lên để bù đắp sự thiếu hụt đó. Hãy tiến hành thay đất cho cây nếu như bạn cảm thấy cây bị dừng phát triển một cách đột ngột trong một giai đoạn nào đó.

Cây phát tài có độc không?

Một số loại cây phát tài vô cùng lành tính, không hề có chứa độc tố nên rất an toàn với sức khỏe của con người và vật nuôi trong nhà. Tuy nhiên có một số loại cây lại chứa nhiều canxi oxalat có khả năng làm sưng đau, nóng trong, đau bụng, tiêu chảy nếu như ăn phải. Vậy nên nếu nhà bạn có trẻ nhỏ hoặc thú nuôi thì cần đặt chậu cây tại vị trí mà chỉ bạn mới có thể với tới được.

Vị trí đặt cây phát tài trong nhà

Cây phát tài nói chung đều là các loài thực vật tự nhiên, do đó bản thân chúng mang yếu tố ngũ hành hệ Mộc là chủ yếu. Do vậy bạn nên đặt các chậu cây phát tài tại hướng Đông - Đông Nam để giúp cải thiện vượng khí, mang lại may mắn cho gia đình bạn. Ngoài ra, bạn nên đặt những chậu cây phát tài trong phòng khách để thu hút tài lộc nhiều hơn, biến phòng khách nhà bạn trở nên sang trọng, hiện đại.

Bỏ túi 3 kinh nghiệm thiết kế cầu thang đẹp cho nhà phố
Theo Nhật Linh (thoidaiplus.giadinh.net.vn)