Nhắc đến hoa quỳnh, nhiều người sẽ liên tưởng tới những cụm từ như“vẻ đẹp dưới ánh trăng”, “nữ hoàng bóng đêm”. Bất cứ ai đã nhìn thấy hoa quỳnh nở sẽ cảm thấy rằng, dù nó chỉ nở trong chốc lát nhưng cũng rất đáng giá.
Bởi vì hoa mang vẻ đẹp khó tả. Hoa quỳnh trắng như tuyết, mỏng manh như giọt sương mai, tỏa hương thơm dịu dàng trong bầu trời đêm tĩnh lặng. Vì thế, dù chăm sóc cả năm hoa chỉ nở một lần trong chốc lát thì nhiều người cũng nguyện ý trồng và chăm bẵm để được ngắm nhìn khoảnh khắc hoa quỳnh nở.
Tuy nhiên, giờ có một loại hoa quỳnh nở bất chấp ngày đêm và nở quanh năm, cho phép bạn được thưởng thức vẻ đẹp của nó nhiều hơn. Đó chính là hoa nhật quỳnh.
Cây cảnh này có chiều cao có thể đạt tới 2 – 6m, nhìn bề ngoài khó phân biệt được đâu là lá, đâu là thân vì thân giống như phiến lá với bản rộng, dẹp, màu xanh và có gân ở giữạ. Hoa mọc ở kẽ của thân.
Không chỉ đẹp, hoa nhật quỳnh còn tượng trưng cho tình yêu trọn vẹn, chung thủy. Không những vậy, nhiều người còn cho rằng trồng hoa quỳnh trong nhà có thể mang lại may mắn, tài lộc cho gia đình.
Cách trồng và chăm sóc hoa nhật quỳnh
Việc nhân giống hoa quỳnh có thể thực hiện qua 3 phương pháp chính: bằng hạt, giâm cành và ghép cành. Trong đó, giâm cành được coi là phương pháp hiệu quả nhất. Thời điểm lý tưởng để giâm cành là vào mùa xuân và mùa thu, khi nhiệt độ và độ ẩm đạt mức tối ưu.
Để thực hiện, bạn cần chọn những cành khỏe mạnh, không bị sâu bệnh, cắt từng đoạn dài từ 8-12 cm và có từ 2-3 mắt. Sau khi cắt, nên để ở nơi thoáng mát khoảng 2-3 ngày để vết cắt khô. Để tăng tốc độ ra rễ, bạn có thể ngâm cành giâm trong dung dịch kích rễ khoảng 20 phút trước khi cắm vào đất.
Giá thể giâm cành cần tơi xốp, thoát nước tốt. Bạn có thể dùng cát sông trộn với đá vermiculite hoặc đất dinh dưỡng đã khử trùng để giâm cành. Hãy cắm 1/3 cành vào đất, sau đó nén chặt đất, tưới nước thật kỹ và đặt ở nơi thoáng mát. Khi chồi mới xuất hiện, bạn hãy chuyển cây sang chậu lớn hơn để tiếp tục chăm sóc.
Mặc dù hoa nhật quỳnh dễ chăm sóc, nhưng muốn cây nở hoa nhiều và nở quanh năm thì bạn cần chú ý tới những yếu tố sau:
- Đất trồng cần tơi xốp, giàu chất dinh dưỡng
Hoa nhật quỳnh ưa khô hạn và không thích ẩm ướt. Chúng phát triển tốt nhất trên loại đất cát màu mỡ, thoáng khí và có khả năng thoát nước tốt.
Khi chuẩn bị đất trồng, bạn nên trộn đất mùn lá, đất vườn và cát sông theo tỷ lệ 5:3:2. Đất mùn lá cung cấp chất hữu cơ phong phú, trong khi đất vườn giúp tạo cấu trúc cho đất, và cát sông tăng cường khả năng thoát nước.
Về chậu hoa, cần chọn loại có khả năng thoáng khí tốt để rễ cây có thể phát triển và thoát nước hiệu quả. Chậu gốm là lựa chọn lý tưởng nhờ khả năng thấm khí và thoát nước tốt. Chậu đất nung cũng có những đặc tính tương tự, nhưng có thể bị nứt sau một thời gian sử dụng.
Khi chọn chậu, bạn nên chú ý đến kích thước và độ sâu. Chậu có đường kính khoảng 80-100 cm và sâu khoảng 1m là lý tưởng để cây có đủ không gian phát triển. Tránh sử dụng chậu nông hoặc chậu nhựa quá nhỏ, vì điều này có thể hạn chế sự phát triển của cây. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý không nên chọn chậu quá lớn cho cây con, và nên thay chậu cho cây 1-2 năm/lần để đảm bảo hoa nhật quỳnh phát triển khỏe mạnh.
- Đảm bảo cây nhận đủ ánh sáng
Hoa nhật quỳnh rất nhạy cảm với ánh sáng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sự sinh trưởng và khả năng ra hoa của nó. Cây thích điều kiện ấm áp và ẩm ướt, nhiệt độ lý tưởng cho cây phát triển là từ 15-25 độ C. Cụ thể, vào mùa xuân và mùa hè, nhiệt độ ban đêm nên duy trì từ 16-18 độ C, trong khi ban ngày cần đạt từ 21-24 độ C. Cây không chịu được lạnh, vì vậy vào mua đông cần đảm bảo nhiệt độ từ 10-12 độ C.
Về ánh sáng, hoa nhật quỳnh ưa ánh sáng tán xạ, sợ ánh nắng trực tiếp. Để cây ra hoa nhiều hơn, có màu sắc rực rỡ và thời gian ra hoa kéo dài, cây cần ít nhất 8 giờ ánh sáng mỗi ngày.
Vào mùa xuân và mùa thu, khi ánh nắng tương đối ôn hòa, bạn có thể đặt cây ở nơi có bóng râm để tận dụng ánh sáng tự nhiên. Ngược lại, vào mùa đông, do ánh sáng yếu, cần đặt hoa nhật quỳnh ở nơi có nhiều nắng để đảm bảo cây nhận đủ ánh sáng.
Đặc biệt vào mùa hè, khi ánh nắng gay gắt, cần chú ý bảo vệ cây khỏi ánh sáng mạnh bằng cách di chuyển vào trong nhà hoặc tạo mái hiên ngoài trời để tránh cây tổn thương do nhiệt độ cao. Việc chăm sóc đúng cách sẽ giúp hoa nhật quỳnh phát triển khỏe mạnh và ra hoa đẹp mắt.
- Bón phân thường xuyên
Việc bón phân cho cây hoa nhật quỳnh nên được thực hiện theo từng giai đoạn trong chu kỳ sinh trưởng. Cụ thể, vào mùa xuân, bạn nên bón phân đạm; vào mùa hè, bón thúc bằng phân lân và kali; vào mùa thu, sử dụng phân pha loãng và ngừng bón phân vào mùa đông.
Mỗi giai đoạn sinh trưởng như nảy mầm, sinh trưởng, ra hoa và sau ra hoa đều có nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Ví dụ, trong giai đoạn nảy mầm, bạn có thể trộn bột xương với đất; trong giai đoạn sinh trưởng, sử dụng phân pha loãng; trong giai đoạn ra hoa, bổ sung phân kali dihydro photphat và sau ra hoa, bổ sung phân lân.
- Tưới nước đúng cách
Tưới nước cho cây hoa nhật quỳnh nên tuân theo quy tắc khô hẵng tưới. Nếu bề mặt đất khô nhưng bên trong vẫn ẩm, bạn không cần tưới thêm.
Bạn có thể dùng ngón tay, nhẹ nhàng kiểm tra độ ẩm bên trong đất. Sau khi tưới, hãy đảm bảo nước thừa được thoát ra ngoài để tránh tình trạng ngập úng, gây thối rễ.
- Quản lý sau khi ra hoa
Thời gian ra hoa của cây hoa nhật quỳnh không kéo dài, vì vậy việc quản lý sau ra hoa là rất quan trọng để cây nhanh chóng phục hồi. Bạn cần cắt tỉa kịp thời những bông hoa đã tàn, đồng thời loại bỏ những cành và lá yếu, dày đặc để giảm thiểu sự thất thoát chất dinh dưỡng. Điều này sẽ giúp cây phát triển tốt hơn và chuẩn bị cho lần ra hoa tiếp theo.
Ngoài ra, trong giai đoạn sau ra hoa, cây cần được bổ sung dinh dưỡng thường xuyên. Bạn nên bón phân nửa tháng một lần, chọn loại phân hỗn hợp có chứa phốt pho và kali, pha loãng với nước để tưới cây.