Cây thanh hao hoa vàng là loài cây dại từng gắn liền với ký ức vùng quê, nay lại trở thành đặc sản được người thành thị săn lùng ráo riết, đặc biệt vào mỗi dịp Tết và mùa hè. Bởi, không chỉ là nguyên liệu cho những món ăn dân dã, thanh hao còn được xem là “vị thuốc vàng” trong việc thanh nhiệt, giải độc, giúp cơ thể cân bằng giữa thời tiết oi bức và những ngày Tết ăn uống dư thừa, dễ sinh nhiệt.
Rau thanh hao.
Từ cây dại ven đồi đến đặc sản được săn lùng
Cây thanh hao hoa vàng hay còn gọi là cây hanh hao, rau hao, ngải hôi, ngải tiên, ngải mèo, thảo cao,… tên khoa học là Artemisia annua L. thuộc họ Cúc. Trước đây, nó thường mọc hoang dại ở các vùng trung du và miền núi phía Bắc. Đây là cây thân thảo cao khoảng 1–2 mét, lá mảnh như lông chim, mùi thơm nhẹ, hoa nhỏ màu vàng rực rỡ.
Ngày trước, người dân chỉ coi đây là thứ rau dại, đem xắt nhỏ trộn với cám cho lợn ăn. Thế nhưng, khi các nghiên cứu khoa học chứng minh hoạt chất artemisinin chiết xuất từ cây có thể hỗ trợ điều trị sốt rét và một số bệnh lý khác, giá trị của thanh hao lập tức được “nâng hạng”.
Theo trang Sức khỏe & Đời sống, thanh hao hoa vàng có tác dụng chống ung thư, hoạt động theo cách đa hiệu chống lại các khối u. Ngoài tác dụng chống ung thư, chống sốt rét, chống virus, điều hòa miễn dịch, thanh hao hoa vàng còn có khả năng chống nhiều loại ký sinh trùng, kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm…
Sự kết hợp giữa tính dược liệu và tính ẩm thực khiến thanh hao không chỉ xuất hiện trong các bài thuốc dân gian, mà còn trở thành nguyên liệu cho nhiều món ăn bổ dưỡng.
Cụ thể, người dân thường hái loại rau này để cho thêm vào các món canh chua, xào với hàu, rán trứng, có người lại đem luộc cùng bầu,… như một loại rau gia vị. Nó có mùi thơm lạ rất khác hành, ngò... thoang thoảng hương của quế, ớt quả nhưng không gắt mà dìu dịu.
Bầu luộc cùng rau thanh hao.
Và cũng chính vì có khả năng thanh nhiệt, giải độc nên loại rau này được săn lùng nhiều vào dịp Tết, khi thực đơn ngày nào cũng đầy thịt, cá, đồ dầu mỡ, hoặc dùng như một món rau đặc biệt trong các bữa cơm thanh đạm sau Tết. Bát canh thanh hao nấu với thịt băm, vừa dễ ăn, lại giúp tiêu thực, giảm cảm giác đầy bụng, nóng trong, những vấn đề thường gặp trong dịp lễ.
Không chỉ Tết, mỗi khi hè đến, nhu cầu sử dụng trà thanh hao cũng tăng vọt. Thời tiết oi nóng, cơ thể dễ sinh nhiệt, nhiều người chọn uống trà thanh hao để giải nhiệt, hỗ trợ chức năng gan và làm mát da từ bên trong. Một số hãng trà thảo mộc còn đóng gói sẵn các sản phẩm thanh hao khô kết hợp cùng cỏ ngọt hoặc hoa cúc, phục vụ người tiêu dùng ưa chuộng lối sống lành mạnh.
Trà thanh hao hoa vàng.
Cách trồng và chăm sóc cây thanh hao hoa vàng
Cây thanh hao hoa vàng dễ trồng, không kén đất, ưa sáng và chịu hạn tốt. Cây có thể trồng quanh năm, nhưng thời điểm lý tưởng nhất là vào vụ xuân (tháng 2–3) hoặc vụ thu (tháng 8–9), khi thời tiết mát mẻ, độ ẩm ổn định.
Bạn có thể nhân giống bằng hạt hoặc trồng cây con đã ươm sẵn. Nếu gieo hạt, cần ngâm hạt trong nước ấm khoảng 3–4 tiếng, sau đó gieo vào đất, phủ một lớp đất mỏng và giữ ẩm bằng rơm rạ hoặc lưới.
Sau khoảng 25–30 ngày, cây cao 10–15 cm có thể đem trồng ra ruộng hoặc vào chậu. Nếu trồng ngoài vườn, khoảng cách trồng thường là 40–50 cm giữa các hàng và 20–30 cm giữa các cây.
Trong quá trình chăm sóc, bạn nên chú ý tới những yếu tố sau đây:
- Đất trồng: Tuy thanh hao thích hợp với nhiều loại đất khác nhau, nhưng cây sẽ phát triển tốt nhất trong đất tơi xốp, thoát nước tốt.
- Tưới nước: Giai đoạn cây con cần tưới nước đều đặn ngày 1–2 lần, khi cây lớn thì giảm dần.
- Ánh sáng: Cây phát triển tốt nhất trong điều kiện có ánh nắng đầy đủ, thoáng đãng. Nếu trồng ở nơi râm mát hoặc thiếu sáng, cây sẽ còi cọc, chậm lớn, khả năng ra hoa và tích lũy dược chất cũng giảm đáng kể. Do đó, khi trồng thanh hao hoa vàng, nên chọn vị trí có ánh sáng trực tiếp ít nhất 6–8 tiếng mỗi ngày.
- Bón phân, làm cỏ: Cần làm cỏ, vun gốc định kỳ để cây phát triển tốt. Bón phân hữu cơ hoặc phân vi sinh từ 2–3 lần trong suốt thời gian sinh trưởng.
Hoa của cây thanh hao.
Sau khoảng 3–4 tháng gieo trồng, cây có thể thu hoạch. Nếu dùng cho các món ăn, bạn nên hái ngọn non. Nếu làm trà hoặc làm thuốc, hãy cắt toàn bộ thân cây, cách gốc khoảng 5–10 cm, như thế cây sẽ tiếp tục mọc lên và cho thu hoạch tiếp. Lưu ý, nếu làm thuốc hay làm trà thì thời điểm thu hoạch tốt nhất là khi cây thanh hao bắt đầu ra hoa, lúc hàm lượng dược chất đạt mức cao nhất.